Quả bóng được chuyền qua chân bầu Đức, người liên tục đưa ra sức ép với lãnh đạo VFF là phải sa thải ông Miura nếu muốn nhận được từ ông sự hỗ trợ về tài chính.
Lời hứa của bầu Đức
Trước khi đội tuyển U23 Việt Nam lên đường đi thi đấu tại Qatar, bầu Đức khiến dư luận chao đảo khi tuyên bố, HLV Miura kém nhất trong lịch sử. Sự yếu kém của ông khiến đội tuyển không có được bản sắc. Nhà cầm quân này được quy là cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bằng chứng là một loạt cầu thủ HAGL nổi tiếng kỹ thuật, nhiều lần đánh bại Thái Lan nhưng không được HLV Miura trọng dụng.
Sự phản ứng của bầu Đức lớn đến nỗi, ông quên luôn vai trò là Phó Chủ tịch VFF. Khi được nhắc về vai trò một lãnh đạo VFF, doanh nhân này thẳng thừng tuyên bố, phát ngôn của ông là nhân danh một người hâm mộ bóng đá, như thế chẳng ai có thể bắt bẻ được ông Đức chỉ trích Miura vì không trọng dụng gà nhà.
Và để có thêm sức mạnh, bầu Đức và đối tác của mình đã ra điều kiện cho VFF. Nếu họ sa thải Miura, nguồn tiền sẽ được chảy vào ngân khoản VFF để thực hiện chiến lược phát triển. Thông qua nhiều kênh, bầu Đức còn nhắn nhủ rằng, số tiền tài trợ từ ông có thể lớn hơn nguồn thu từ Honda hiện nay và có thời hạn 3 năm. Đến khi VFF không chịu nổi nhiệt từ áp lực dư luận và bầu Đức buộc phải sa thải HLV Miura trước thời hạn, nhiều người đã nghĩ, cuộc chơi mới sẽ bắt đầu và người cầm nhịp chính là ông chủ của HAGL.
Nhưng mùa Thu nay khác rồi
Miura đã đi theo ý nguyện của bầu Đức. Thế nhưng, khi dư luận hỏi về trách nhiệm của ông với đội tuyển quốc gia? Thật bất ngờ, doanh nhân này tuyên bố, ông chưa hề cam kết sẽ “lo tất cho đội tuyển”. Rằng, tất cả thông tin được loan tải thời gian qua đều do báo chí tưởng tượng ra. Vậy là một lần nữa, dư luận và cả những người làm bóng đá Việt Nam đã bị việt vị.
Thực ra, nếu tỉnh táo người ta sẽ thấy, chẳng dễ dàng để bầu Đức đứng ra cáng đáng chuyện tiền bạc của VFF. Bởi gần hai năm qua, dù đảm trách về tài trợ của VFF nhưng doanh nhân này chưa mang về được một đồng. Theo như tâm sự của ông bầu này thì VFF vẫn tự lo được, khi nào gặp khó, doanh nhân này mới ra tay trợ giúp.
Bầu Đức có nhiều tiền, nhưng tiêu thế nào lại là một chuyện khác. Hàng năm, VFF phải chi đến 60 - 70 tỷ đồng và con số ấy không hề nhỏ dù là với Tập đoàn HAGL của bầu Đức. Hơn thế nữa, với một số tiền khổng lồ, chẳng phải thích là tiêu, muốn là tài trợ. Còn chưa kể đến việc bầu Đức đang choáng váng với đà suy giảm của giá cổ phiếu. Thời gian qua, túi tiền của ông đã vơi đi hàng nghìn tỷ đồng thì làm gì còn hơi sức và tâm trí đâu để lo chuyện lớn cho VFF.
Thế mới nói, cỗ máy của VFF phải tự hoạt động, phải tự tìm kiếm nguồn kinh phí thay vì đặt niềm tin mong manh vào bầu Đức hay bất cứ lời hứa của doanh nhân nào. Đó cũng chính là cơ sở để xây dựng một tổ chức chuyên nghiệp và hướng đến những giá trị bền vững. Làm được như thế, VFF sẽ được độc lập về mọi chuyện, nhất là việc chọn ai, dùng ai, sa thải ai.
VFF đã có được một bài học. Dư luận cũng bớt ảo tưởng hơn về những lời có cánh.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) và Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.
|