“Bầu” Kiên không đồng ý với truy tố “Kinh doanh trái phép”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên tòa sáng 21/5, chủ toạ tiếp tục thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Theo truy tố, ông Kiên bị cáo buộc là chủ mưu trong các vụ: “Kinh doanh trái phép”; “Trốn thuế”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với quá trình đàm phán trong chuyển nhượng cổ phiếu, bị cáo Kiên cho biết, dù trong quá trình đàm phán không nói về việc cổ phần của Công ty ACBI đã thế chấp tại Ngân hàng ACB nhưng tất cả những người trong Tập đoàn Hòa Phát đều biết.

Về mối quan hệ với ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát, bị cáo Nguyễn Đức Kiên giải trình, bị cáo và ông Long và một số thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát là bạn lâu năm.

"Anh Long nhiều lần nói về mong muốn cơ cấu lại các khoản của công ty nên muốn mua lại cổ phiếu của tôi tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát. Tôi nhiều lần nói với anh Long không muốn bán. Tuy nhiên anh Long là bạn bè nên nhờ giúp đỡ, mong muốn mua lại” - 
bị cáo Kiên khai khi nói về việc chuyển nhượng cổ phiếu.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng nay 21/5.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa sáng nay 21/5.
Bị cáo Kiên khai tại tòa: "Để chuyển nhượng cổ phần, anh Long mong muốn được thoái vốn của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát và muốn mua lại cổ phần của công ty này. Chúng tôi đã hoán đổi cổ phiếu. Tôi đã giao cho cô Yến lo việc này. Tôi đã đồng ý về giá chuyển nhượng số cổ phiếu này".

Về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Kiên khai là số cổ phiếu trên chưa được giải chấp và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cùng nhiều khách của Hòa Phát biết điều đó. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long trước đó, khi được hỏi về chuyện này, đã cho biết ông không hề biết số cố phiếu trên đang bị thế chấp.

HĐXX xét hỏi về tội Kinh doanh trái phép. Theo VKS đối với tội danh "Kinh doanh trái phép" từ ngày 15/5 - 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 Công ty do ông làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng. Qua việc chỉ đạo, điều hành hoạt động đối với các công ty nêu trên và lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi phạm tội gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản“, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Trốn thuế”; “Kinh doanh trái phép”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xác nhận các số liệu nêu trong cáo trạng và không đồng ý với cáo trạng truy tố hành vi kinh doanh trái phép vì các công ty này đều kinh doanh đúng pháp luật. Bị cáo Kiên khai, trong 6 công ty được thành lập chỉ có trách nhiệm với 5 công ty. Công ty B&B do 3 người góp vốn gồm: Kiên, vợ và em gái và hoạt động theo giấy phép kinh doanh vàng và một số hoạt động khác". Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng thừa nhận 6 công ty này không có giấy phép kinh doanh tài chính.

Về hoạt động Công ty Thiên Nam, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi với bị cáo Kiên về Công ty Thiên Nam có được kinh doanh vàng hay không? Kiên khẳng định, công ty không có chức năng kinh doanh vàng. Công ty chỉ có 2 hợp đồng chuyển giao trạng thái vàng và ủy thác vàng với Ngân hàng ACB. Công ty Thiên Nam đầu tư vào giá vàng, chứ không kinh doanh vàng hay kinh doanh vàng trạng thái.

Bị cáo Kiên cho rằng, Công ty Thiên Nam do ông Lê Quang Trung làm Tổng Giám đốc. Ông Trung có thẩm quyền trong việc thẩm định và ký hợp đồng với Ngân hàng ACB. "Tôi không thực hiện các lệnh mua bán vàng. Các lệnh mua bán vàng phải thực hiện bằng văn bản. Chúng tôi chỉ đầu tư vào giá vàng chứ không mua bán vàng trạng thái" - Bị cáo Kiên khai.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX về Công ty B&B, bị cáo Kiên khẳng định, không thực hiện bất cứ việc nào sai phạm nào sai pháp luật và việc phát hành 10 triệu trái phiếu giá trị 1.000 tỉ đồng bán cho Ngân hàng ACB như ghi trong cáo trạng.