Bay lên từ vực thẳm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai lần vướng vào vòng lao lý, ra tù với đôi chân bị liệt, anh Đỗ Văn Kỳ (xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) từ một kẻ tàn phế, hai bàn tay trắng vẫn trở thành tỷ phú.

Anh Kỳ cùng vợ bên chuồng nuôi chim bồ câu Pháp.
Anh Kỳ cùng vợ bên chuồng nuôi chim bồ câu Pháp.
Tuy nhiên, điều đáng nể ở người đàn ông này là lòng bao dung, nhân ái.

Dưới đáy tuyệt vọng

Bây giờ tại Đan Phượng, hàng tuần có một chương trình phát thanh của huyện được rất nhiều người quan tâm. Đó là chương trình đặc biệt do anh Kỳ phụ trách chuyên về phổ biến kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp. Chương trình tạo được sự gần gũi và tin cậy đặc biệt cho bà con vì người soạn và đọc các kỹ thuật ấy trên Đài phát thanh huyện là một tỷ phú liệt hai chân, từ vực thẳm tù tội, tàn tật, đói nghèo đã vươn lên làm giàu bằng nghề nuôi chim bồ câu Pháp.

… Sinh năm 1976, mới hơn 20 tuổi, năm 1998, Kỳ đã dính ngay vào một vụ trộm cắp, mang án 4 năm tù giam. Đặc xá, ra tù, chán ở nhà, Kỳ bỏ vào miền Nam sinh sống nhưng chỉ sau khi án tù thứ nhất kết thúc 5 tháng, Kỳ đã dính tiếp vào một vụ án khác tại Bình Thuận – “Vận chuyển trái phép chất ma túy” và mang án 7 năm tù giam. Trong thời gian thụ án cải tạo ở trại Hàm Tân (Bình Thuận), Kỳ ở đội cưa chặt cây. Một lần khi cưa cây, cây gỗ không đổ theo ý muốn đè ngang qua thắt lưng của Kỳ, trước khi toàn thân tê dại, Kỳ còn kịp nhận ra chiếc cưa máy rơi xuống đã tiện vào chân mình.

Khi tỉnh dậy sau vài ngày, nghe bác sĩ thông báo tình trạng của mình, điều đầu tiên Kỳ nghĩ đến là cái chết. Tủy sống chấn thương nặng khiến nửa người dưới bị liệt, khả năng đàn ông vẫn còn nhưng sẽ không thể có con.

Năm 2004, Kỳ được đặc cách tha tù trước thời hạn. Mẹ Kỳ - bà Nguyễn Thị Chi vào tận nơi đón con. Vật vã mãi hai mẹ con mới từ Bình Thuận về được Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội). Đang đêm, không có xe buýt, mẹ đẩy con đi suốt hơn 10km từ Bến xe về Bệnh viện Việt Đức, vừa đi vừa động viên: “Đã lâu con không về Hà Nội. Mẹ đẩy con đi để con ngắm Hà Nội cho thỏa thích”, nghe vậy, Kỳ gục đầu khóc không thành tiếng để mẹ đỡ khổ tâm. Biết mẹ nói thế chỉ vì mẹ nghèo, không có tiền để đi taxi, xe ôm.

 Bố mất khi Kỳ đang trong trại, về quê, hai mẹ con với 2 sào ruộng lần hồi nuôi nhau, mẹ già, con tàn tật thì không chết đói là đã may mắn lắm rồi. Nhiều lần, Kỳ hỏi vay tiền anh em để làm ăn nhưng không được, bà Chi vì thương con nên đem bán mảnh đất ruộng mang tên mình được 40 triệu đồng. Trả tiền nợ thuốc men cho con xong chỉ còn 10 triệu đồng, bà đưa cho Kỳ lấy vốn làm ăn.

Chỉ có tình yêu thương  là còn mãi

Có 10 triệu đồng, anh Kỳ mua chó về nuôi. Nhưng oan nghiệt đẩy anh xuống vực sâu một lần nữa. Sát ngày xuất chuồng, cả đàn chó to mơn mởn bỗng bị phù nề, thũng nước rồi chết, phải đem chôn. Bà Chi lại phải chạy vạy kiếm được 3 triệu đồng để anh mua đôi lợn về nuôi, lăn cái xe lăn khắp nơi lấy rau, xin nước gạo để nuôi lợn, mua cá khô vụn về chọn những miếng lành lặn hai mẹ con ăn, miếng vụn nuôi lợn…
Anh Kỳ đã thiết lập mạng thông tin để mua bán chim, quảng bá sản phẩm của mình.
Anh Kỳ đã thiết lập mạng thông tin để mua bán chim, quảng bá sản phẩm của mình.
Việc làm giàu của anh Kỳ đến theo một cách riêng, nếu là người bình thường lành lặn chắc sẽ không nghĩ ra và làm được. Khi hai con lợn đã lớn, thấy đống phân lợn phải đem đổ đi, anh thấy… tiếc, không đổ đi nữa mà ủ đống trong vườn. Nghe nói người ta phải mua mấy chục ngàn một vốc giun quế cho cá cảnh ăn, anh tìm xin giống giun quế về nuôi bằng đống phân lợn ủ góc vườn, không ngờ giun hợp loại phân lợn ủ này nên ngay từ lứa nuôi giun quế thử nghiệm đầu tiên, anh đã thu về hàng triệu đồng. Rồi từ việc nuôi giun quế bán cho người nuôi cá cảnh, anh Kỳ nuôi dế, nuôi sâu bán cho người nuôi chim cảnh… Giữa cơn sốt nuôi chim cảnh, cá cảnh lúc đó, anh làm không hết việc, phải thuê thêm người làm để mình có thời gian đi học… nuôi chim bồ câu Pháp. Công việc tiến triển thuận lợi, đàn bồ câu Pháp của anh giờ lên đến vài ngàn con và anh đã là chủ cơ sở giống chim quý này thuộc loại có tiếng của miền Bắc. Căn nhà 7 tầng thiết kế hiện đại cho việc chăn nuôi đầy chặt các chuồng chim bồ câu quý.
Hàng tuần, anh Kỳ viết kỹ thuật nuôi chim bồ câu rồi tự đi xe lăn đến UBND huyện đọc phát thanh trên trang tin của huyện, hình ảnh này khiến nhiều người rất cảm động. Anh Kỳ còn tặng 23 hộ nghèo trong huyện có nhu cầu muốn nuôi chim bồ câu Pháp mỗi hộ một đôi chim giống (trị giá 1 triệu đồng) cùng hướng dẫn nuôi, chăm sóc chim và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho họ. Sau 2 năm, phong trào nuôi chim bồ câu Pháp tại vùng này do anh Kỳ phát động và tận tình hướng dẫn đã khiến nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống khá hơn.

Bà Nguyễn Thị SenChủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đan Phượng

Với nghề nào, anh Kỳ cũng có một lòng tận tụy đặc biệt. Thói quen sinh hoạt, ăn uống, sinh sản của những con vật mà anh nuôi từ con giun, con dế, con sâu… rồi đến chim bồ câu đều được anh nắm vững để chăm sóc chúng một cách tốt nhất. Anh kể: “Do tôi chỉ loanh quanh ở nhà nên có thời gian quan sát tỉ mỉ thói quen sinh hoạt của từng con vật mình nuôi. Tôi luôn trân trọng chúng vì chúng thực sự là ân nhân kéo tôi ra khỏi vực thẳm đói nghèo, vô vọng”. Thời gian tới , anh chuẩn bị triển khai việc thuê lại ruộng lại của các gia đình xung quanh để trồng cỏ voi nuôi bò thịt. Hiện tại, anh đang tìm hiểu cách thiết kế và xây dựng hệ thống phun tưới cỏ bằng nước từ hầm biogas. Khí gas ở các hầm này sẽ là nhiên liệu để vận hành máy bơm. Một hệ thống liên hoàn khép kín: Bò cho phân, phân tạo nhiên liệu và bón cho cỏ, cỏ lại để nuôi bò… Anh Kỳ cho biết: “Nuôi giun bán cho người nuôi cá cảnh, nuôi dế, nuôi sâu bán cho người nuôi chim cảnh, nuôi chim bồ câu Pháp là những thứ kinh doanh chưa thực sự bền vững bởi thị trường vật nuôi cảnh rất hay thay đổi. Tuy nhiên, việc nuôi bò thịt thành công, đó sẽ là phương án kinh tế bền vững, bởi người ta có thể không chơi cá cảnh, chim cảnh nhưng thịt bò thì không thể thiếu trên thị trường được”.

 Về chuyện hạnh phúc riêng, anh Kỳ cười hớn hở: “Tôi què cụt thế này mà có người theo đấy”. Anh gặp vợ - chị Nguyễn Thị Phượng (quê Vĩnh Phúc) từ thuở vẫn còn vất vả ngược xuôi mua bán dế. Chị bằng tuổi anh, một lần lỡ dở, đã có con gái. Khi gặp nhau, cảm mến nhau, anh cũng thẳng thắn: “Tôi không có con được nữa, con em sẽ là con tôi”. Yêu nhau nhưng chuẩn bị đến với nhau thì gia đình nhà gái không đồng ý vì sợ: “Nó què quặt thế kia, làm sao nuôi nổi vợ”. Nghe người ta nói vậy, anh cũng chẳng biết làm sao, chẳng dè ít bữa sau nhận được điện thoại của chị: “Em và con đang ở bến đò, anh ra đón mẹ con em”. Vậy là thành vợ, thành chồng. Chị Phượng khoe: “Chỉ ít thời gian nữa, em có thể sinh con cho nhà em rồi”, đó là chị nói đến phương pháp thụ tinh nhân tạo mà hai vợ chồng đang dự định.

Thấy chúng tôi ngó quanh căn nhà rộng mênh mông mà vắng, anh Kỳ đoán ra nên bảo: “Hỏi mẹ tôi hả? Mẹ tôi đi chơi rồi. Giờ có điều kiện, thấy mẹ suốt ngày quanh quẩn ở nhà chăm mình nên tôi bảo, con có vợ chăm rồi, mẹ cứ đi chơi, nói mãi phải gắt lên mẹ tôi mới chịu đi chơi đấy. Có chỗ nào đi chơi mẹ cứ đi cho bõ bao ngày ôm con khổ sở”.

Ngồi với người đàn ông trải qua quá nhiều thăng trầm cuộc đời này, tôi thấy kính nể vì anh không hề có lời nào oán thán về những người đã quay lưng lại với mình lúc bĩ cực, tuyệt vọng. Anh chỉ nhắc đến lòng biết ơn, tình thương yêu với mẹ, với vợ, với những cán bộ trai giam và bạn tù đã giúp đỡ anh… Anh Kỳ cười: “Chỉ muốn giúp bà con khó khăn quanh mình biết cách làm giàu. Tôi tàn tật thế này còn làm được nữa là”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần