“Bẫy” nghèo từ lương hưu
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bẫy” nghèo từ lương hưu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và tự nguyện mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động, điều này có nghĩa, trong tương lai, hàng triệu lao động Việt Nam bước vào tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập từ lương hưu.

Tỷ lệ người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và tự nguyện mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động, điều này có nghĩa, trong tương lai, hàng triệu lao động Việt Nam bước vào tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập từ lương hưu. Ngoài ra, mức đóng BHXH chưa phù hợp, khiến NLĐ nghỉ hưu nhận đồng lương hưu thấp hơn cả chuẩn nghèo, gây ra nhiều nguy cơ đe dọa cuộc sống của lao động hưu trí.

Khi lao động không có lương hưu

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc hiện đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia bắt buộc theo quy định. Riêng BHXH tự nguyện mới chỉ có 173.000 người tham gia, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Đặc biệt, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình bảo hiểm này. Như vậy, trong tương lai, sẽ có hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu.

 
Để đảm bảo quyền lợi, người lao động cần tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: Quỳnh Linh
Để đảm bảo quyền lợi, người lao động cần tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: Quỳnh Linh
Cũng theo ông Sinh, trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, đặc biệt nổi cộm là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH. Hiện, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã lên tới gần 11.652 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH là hơn 7.957 tỷ đồng, nợ BHTN là 608,4 tỷ đồng. Đây là một trong những thách thức lớn của ngành BHXH, vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khoảng 714.000 NLĐ. Để khắc phục tình trạng này, ngành đã áp dụng triệt để và đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT thiếu tính răn đe nên chưa phát huy được hiệu quả. Thực tế, mức phạt rất thấp, tối đa chỉ là 75 triệu đồng, nên rất khó giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Trong 5 năm qua, BHXH Việt Nam đã kiện gần 4.000 doanh nghiệp (DN) trốn đóng, nợ đọng BHXH nhưng tòa án mới chỉ xử được khoảng 20% số vụ. Trong 20% số vụ này, mới chỉ thu hồi được 30 - 35% số tiền phải thu.

Đề cập đến vấn đề này, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn đã kiến nghị với Chính phủ khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, cần đưa tội danh trốn đóng BHXH và chiếm đoạt tiền đóng BHXH của NLĐ vào tội hình sự. Việc bổ sung tội danh liên quan về BHXH, BHYT vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) sẽ là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của các DN, cá nhân.

Về hưu thành… người nghèo!

Một bất cập khác ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ, theo ông Chính là trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, đa số DN chỉ tham gia BHXH cho NLĐ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng không đáng kể, bình quân ở mức 2,8 triệu đồng/tháng, trong khi trả lương thực tế cho NLĐ bình quân là 3,8 triệu đồng. Với chênh lệch này, BHXH thất thu khoảng 28.000 tỷ đồng/năm. Và do mức đóng thấp, nên NLĐ chỉ được hưởng trợ cấp hưu trí thấp, thậm chí dưới chuẩn nghèo. Theo thống kê, chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 15% cán bộ hưu trí có lương hưu dưới chuẩn nghèo của TP.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức hưởng lương hưu hàng tháng ở Việt Nam được coi là lý tưởng (mức hưởng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương, tiền công đóng BHXH), hơn cả nhiều nước phát triển trên thế giới (thường chỉ 65 - 69%). Mức hưởng cao như vậy mà lương của NLĐ khi về hưu lại dưới chuẩn nghèo là bởi việc xây dựng "đầu vào" không chuẩn. Mức lương mà DN chọn làm cơ sở đóng BHXH chỉ tính theo lương tối thiểu, chưa tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của NLĐ. Thậm chí, trong khi lương tối thiểu mãi mãi "chạy theo sau" đời sống tối thiểu của NLĐ, nhiều DN còn cố tình nhập nhằng, đánh đồng giữa điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định với việc tăng lương hàng năm theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Vì vậy, để tránh "bẫy" thu nhập dưới chuẩn nghèo, việc cần làm là thực hiện cách tính tiền lương làm cơ sở đóng BHXH theo hướng tính đúng, tính đủ thu nhập thực tế của NLĐ. Về vấn đề này, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, định hướng sửa đổi Luật BHXH là để mở rộng đối tượng, hạn chế người hưởng lương hưu một lần, tăng thêm khả năng đảm bảo an sinh xã hội. "Ngoài ra, từ năm 2018, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ phải tuân thủ Điều 90 của Bộ luật Lao động, nghĩa là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động, có như vậy thì tiền lương của người nghỉ hưu sau này mới được cải thiện cao hơn" - ông Lợi khẳng định.