"Bẫy tử thần” trên dự án nghìn tỷ tại tỉnh Đắk Lắk
Kinhtedothi - Một dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 1.841 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt giao thông của tỉnh Đắk Lắk, lại đang bộc lộ nhiều bất cập, không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn trực tiếp đe dọa tính mạng người dân.
"Bẫy tử thần” trên công trường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 5/7/2025, tại công trường thi công thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (cũ), tỉnh Đắk Lắk (Dự án) đoạn qua địa phận xã Ea Ktur, xuất hiện tình trạng hàng loạt dây điện dân sinh bị kéo vắt ngang qua tuyến đường đang thi công dở dang.
Điều đáng nói, những sợi dây đang mang nguồn điện này không hề được bọc lót hay có biện pháp bảo vệ nào, mà được kê trực tiếp lên những thanh sắt của thành cầu đang chờ đổ bê tông.
Nhiều mối nối dây điện lỏng lẻo nằm chênh vênh ngay sát kết cấu sắt thép của cây cầu. Để chống đỡ, đơn vị thi công chỉ dùng vài trụ cây tạm bợ, sơ sài, khiến toàn bộ dây điện sà xuống rất thấp, chỉ ngang tầm mặt người lớn. Người dân khi đi xe máy qua đây phải cúi người để tránh vướng vào “mạng nhện”.
Trên suốt đoạn đường này, không có bất kỳ một biển báo cấm, chỉ có biển báo “công trình đang thi công” đặt cách vị trí dây điện sà xuống khoảng 20m.
Anh T, một người dân thường xuyên di chuyển qua đoạn đường này bức xúc: “Tình trạng này đã kéo dài gần hai tuần. Trước đây cũng có cọc tạm nhưng chiều cao vẫn quá thấp dẫn tới việc xe tải đi qua, vướng vào dây điện, càng làm dây điện sà xuống thấp hơn. Điều này gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông qua đoạn đường này, chưa kể dây điện nhiều mối nối và lại đặt trực tiếp trên thanh sắt, nếu dây điện bị hở điện, chập điện thì hậu quả rất khó lường”.
Được biết, đoạn đường này là hạng mục thi công thuộc Công ty TNHH An Nguyên.
Mặc dù việc giăng biển báo, rào chắn và cảnh báo nguy hiểm là trách nhiệm tối thiểu và bắt buộc của bất kỳ nhà thầu nào khi thi công. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ông Lê Duy Tuấn - cán bộ kỹ thuật trưởng của Công ty TNHH An Nguyên, đơn vị trực tiếp thi công đoạn đường này. Ông Tuấn cho rằng: “Đường dây điện không nằm trong gói thi công của nhà thầu. Xử lý dứt điểm việc này cần phải có đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) và Điện lực tỉnh Đắk Lắk”.
Phóng viên cũng đã liên hệ và gửi thông tin đến Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông, Ban A tỉnh Đắk Lắk Đặng Thọ Dần nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trách nhiệm bị bỏ ngỏ
Rõ ràng, đây không phải là lỗi của một cá nhân hay đơn vị riêng lẻ. Trước hết, không thể chối bỏ trách nhiệm trực tiếp của nhà thầu thi công khi để công trường thành một “cái bẫy”, thể hiện sự coi thường pháp luật và tính mạng con người.
Nhưng sự cẩu thả của nhà thầu lại cho thấy sự quản lý lỏng lẻo và thiếu quyết liệt của chủ đầu tư là Ban A. Với vai trò là đợn vị quản lý trực tiếp tại dự án, việc để một tình trạng nguy hiểm kéo dài suốt hai tuần mà không có sự can thiệp cho thấy sự giám sát lơ là và thiếu khả năng điều phối.
Và sâu xa hơn, nguyên nhân của sự đình trệ này thuộc về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và sự vào cuộc chậm chạp của các đơn vị liên quan như ngành điện của tỉnh Đắk Lắk.
Khi "quả bóng trách nhiệm" bị đẩy qua lại khiến một công trình trọng điểm xảy ra nhiều bất cập, người dân phải đối mặt với rủi ro mỗi ngày.
Đã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt và quy trách nhiệm rõ ràng từ cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk. Tính mạng của người dân không thể bị đem ra đánh cược bởi sự tắc trách...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Trích dẫn
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (cũ), tỉnh Đắk Lắk:
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Tổng chiều dài: khoảng 39km.
Điểm đầu: giao với quốc lộ 14 tại Km1758+900 (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar cũ ).
Điểm cuối: giao với quốc lộ 14 tại Km1790+445 (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột cũ).
Tuyến đường đi qua: địa bàn các huyện Cư M'gar (cũ), Cư Kuin (cũ), Krông Pắc (cũ) và TP Buôn Ma Thuột (cũ).
Thiết kế: chiều rộng nền đường 11m, tốc độ thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh dự kiến xây dựng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m.
Tổng mức đầu tư: ban đầu hơn 1.500 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng thêm gần 332 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 1.841 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương).
Thời gian thực hiện dự kiến ban đầu: khởi công năm 2020 (hoặc 2021), cơ bản hoàn thành trong năm 2023, đưa vào sử dụng năm 2024. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ.

Bà Cao Thị Hòa An được chỉ định giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk
Kinhtedothi - Chiều 2/7, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất và đã công bố nghị quyết của Quốc hội về việc chỉ định Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An làm chủ tịch HĐND tỉnh. Các ông Trần Phú Hùng, Đỗ Thái Phong được chỉ định giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Thanh tra Chính phủ làm việc với Đắk Lắk về khiếu nại, tố cáo
Kinhtedothi - Ngày 22/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk liên quan đến các vụ việc khiếu nại phức tạp, tố cáo kéo dài trên địa bàn.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: khoanh vùng nếu chậm giải phóng mặt bằng
Kinhtedothi - Bộ Xây dựng có văn bản về việc phối hợp chỉ đạo, xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh - đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.