Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bê bối "bạn thân” Tổng thống phủ bóng nền kinh tế Hàn Quốc

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do bê bối "bạn thân” Tổng thống, có thể kinh tế Hàn Quốc sẽ chật vật đạt mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Bà Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Park Geun-hye bị nghi ngờ đã liên thủ với trợ lý Tổng thống để gây áp lực buộc các DN đóng góp hàng chục tỷ Won cho hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports do bà sáng lập. Samsung là tập đoàn thứ ba, sau hai “ông lớn” Lotte và SK phải tiếp nhận điều tra từ cơ quan công tố. Theo đó, trong số 53 công ty của 19 tập đoàn đã rót gần 80 tỷ Won (70 triệu USD) cho hai quỹ phi lợi nhuận trên, Samsung được cho là đóng góp khoảng 20 tỷ Won. Giới công tố viên cũng đang tìm thêm bằng chứng cho thấy, Samsung đã đổ 2,8 triệu Euro (3,1 triệu USD) cho một công ty thể thao tại Đức do bà Choi kiểm soát. Như vậy, khi chưa kịp vượt qua bê bối thu hồi và chấm dứt sản xuất mặt hàng Samsung Galaxy Note 7, "ông lớn" ngành điện tử Hàn Quốc lại tiếp tục đối mặt với khủng hoảng liên quan tới chính trị. Trước đó, 4 ngân hàng lớn cũng bị liên đới điều tra là KB (Kookmin Bank), Standard Chartered Hàn Quốc, Woori Bank và Shinhan Bank khi "tạo điều kiện" cho bà Choi vay tiền. Dư luận e ngại, bà Choi rất có thể còn gây ảnh hưởng lên những nhân vật chủ chốt trong giới tài chính Hàn Quốc.
 Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Nghiêm trọng hơn, các nhà đầu tư nước ngoài có thể coi đây là yếu tố rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc ở những tháng cuối năm. Bê bối này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cùng thị trường chứng khoán. Tuần trước khi bê bối mới vỡ lở, chỉ số KOSPI trong hai ngày 25 -26/11 đã giảm liên tiếp 23,28 và 33,85 điểm. Động thái này có thể coi là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế mở như Hàn Quốc, với 30% số lượng vốn hóa thị trường thuộc về các nhà đầu tư ngoại. Trong trường hợp thoát hiểm sau bê bối, 15 tháng còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Park cũng sẽ trở thành "địa ngục". Theo Japan Times, nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của các tập đoàn gia tộc lớn (chaebol), nuôi dưỡng phong trào start-up và kế hoạch bồi dưỡng một lực lượng lao động mới giàu chất sáng tạo... của bà Park Geun-hye sẽ bị “đứt gánh giữa đường”. Các chính sách mà bà thực hiện trong thời gian còn lại chỉ có thể thu về kết quả tồi tệ hơn. Trên thực tế, bà Park Geun-hye nhận được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 do cử tri Hàn Quốc kỳ vọng, bà sẽ giúp đất nước tránh được một "thập kỷ mất mát" giống Nhật Bản trong quá khứ. Nhưng sự suy giảm tăng trưởng và cuộc khủng hoảng dây chuyền trong các tập đoàn là trụ đỡ của nền kinh tế đã khiến người dân và giới doanh nhân thất vọng về khả năng điều hành của nữ Tổng thống.

Vụ bê bối "bạn thân" đã làm dấy lên quan ngại rằng Hàn Quốc sẽ rơi vào thời kỳ "u ám" với tỷ lệ thất nghiệp tăng, năng suất lao động cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, và thu nhập bình quân đầu người "giậm chân tại chỗ".
 Với những quan ngại trên, chính quyền Seoul trong thời gian tới phải thực thi những quyết sách nhằm minh bạch hóa hoạt động của các tập đoàn, cũng như siết chặt quy định của các quỹ nhà nước để hạn chế những ”đường tơ nhện” giữa DN và chính quyền.