Kể từ khi những thông tin đầu tiên về PRISM do Snowden cung cấp được tờ Guardian (Anh) công bố, không ai có thể nghĩ rằng đây sẽ là một trong những vụ bê bối tình báo lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. NSA đã do thám và thu thập danh sách liên lạc từ các hòm thư điện tử cá nhân và các tài khoản tin nhắn của hàng trăm triệu công dân trên toàn thế giới, trong số đó có nhiều người Mỹ. Thậm chí, trong một báo cáo do tờ Bưu điện Washington công bố hôm 14/10 cho thấy, chỉ trong năm 2012, chương trình này đã thu thập mỗi ngày 444.743 danh sách địa chỉ email Yahoo, 105.068 danh sách địa chỉ của Hotmail, trong khi đó 82.857 danh sách địa chỉ Facebook cùng với 33.697 danh sách địa chỉ Gmail và 22.881 danh sách địa chỉ của các nhà cung cấp khác. Dù NSA khẳng định hoạt động do thám của mình phù hợp với quy định của pháp luật và không xâm phạm quyền riêng tư cá nhân nhưng con số 250 triệu địa chỉ thư điện tử, trong đó có nhiều địa chỉ của người Mỹ bị kiểm soát mỗi năm đã khiến dư luận nước này dậy sóng.
Trong một động thái nhằm xoa dịu dư luận, Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài Mỹ hôm 15/10 đã đề nghị thay đổi ¼số kiến nghị của NSA trong thời gian từ 1/7 - 30/9. Tuy nhiên, bước đi này dường như là chưa đủ để "giảm nhiệt" vụ bê bối vốn đã gây phương hại đến quan hệ ngoại giao với nhiều nước như Pháp, Anh, Brazil và Mexico. Giới chức Brazil hôm 15/10 cho biết, đang cân nhắc khả năng tiến hành các cuộc tiếp xúc với "người lộ mật" Edward Snowden nhằm tìm hiểu thêm về chương trình do thám mạng mà NSA với quan chức, người dân và cả doanh nghiệp dầu mỏ nước này. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thậm chí đã hủy bỏ cả chuyến thăm chính thức Mỹ để phản đối hành động của NSA. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mexico Jose Antonio Meade cho biết, chính phủ nước này đã yêu cầu phía Mỹ có câu trả lời "rõ ràng và chính xác" về các hoạt động do thám nhằm vào Tổng thống Enrique Pena Nieto trước thời điểm ông Nieto đắc cử vào tháng 6/2012.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 16/10, Thủ tướng Anh David Cameron đã đề nghị Hạ viện lập ủy ban điều tra liệu tờ báo Guardian có vi phạm luật hay làm tổn hại an ninh quốc gia khi đăng tải những tài liệu do Snowden cung cấp. Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Cameron khẳng định, những tài liệu mà cựu nhân viên NSA công bố đã gây tổn hại an ninh quốc gia Anh và chính tờ Guardian đã gián tiếp thừa nhận hậu quả khi đồng ý hủy các tài liệu mật do Snowden cung cấp theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tuyên bố trên của ông Cameron đang bị dư luận nước Anh chỉ trích và cho rằng chính phủ đang cố gắng "xóa dấu tích" của một chương trình tương tự. Cách đây khoảng 2 tháng, chính phủ Anh thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị kiện sau khi Snowden hé lộ rằng Cơ quan thông tin tình báo Chính phủ Anh (GCHQ) cũng tham gia vào chương trình PRISM của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình PRISM của Mỹ do Edward Snowden tiết lộ chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ảnh: AFP
|