Một bé gái hơn 10 tháng tuổi sống tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh vừa tử vong sau 2 ngày nhập viện do bị ngạt nước quá lâu. Các bác sĩ cảnh báo, ngay trong nhà, nếu phụ huynh lơ đễnh thì có thể dẫn đến những cái chết thương tâm cho trẻ.
Trước đó, gia đình phát hiện bé gái úp mặt vào chậu nước trong nhà khi nào không hay, mặt mũi tím tái và thực hiện sơ cứu. Khoảng 25 phút sau, bệnh nhi mới được cấp cứu tại Bệnh viện Hóc Môn, TP HCM. Các bác sĩ cũng nhanh chóng hồi sức bằng cách ấn tim, đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Lúc này, cơ thể bé tím tái, trụy mạch, đồng tử ở hai mắt giãn, phản xạ ánh sáng rất kém cho thấy não đã thiếu oxy rất nặng. Dù hết sức nỗ lực, nhưng các y bác sĩ cũng không thể cứu sống được cháu bé. Nguyên nhân tử vong của cháu bé là do thiếu oxy não quá lâu, đã qua “thời gian vàng” sơ cứu trong 4 phút sau khi bé gặp sự cố, nên không thể cứu được.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, nếu trẻ bị ngạt nước, bị ngưng tim, ngưng thở cần phải ấn tim như lúc tim còn đập. Đó là tần số phải đủ, với 100 lần/phút và ấn đúng vị trí, đúng chiều sâu, tránh tai biến hoặc gãy xương sườn của trẻ.
Muốn kiểm tra ấn tim có hiệu quả hay không, thì khi ấn tim mình sẽ bắt mạch trung tâm, ở bẹn, ở nách xem có nẩy hay không, nếu có nẩy chứng tỏ có hiệu quả. Tùy theo độ tuổi mà có cách ấn tim khác nhau, phụ huynh cần tìm hiểu vấn đề này để đề phòng xử lý.
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 hướng dẫn: Ấn trên xương ức tùy theo lứa tuổi, đặc biệt nhất là bằng 1/3 dưới xương ức. Làm sao mà mình thông khí cho tốt, có nghĩa là bệnh nhân, đối với trẻ em là hơi ngửa đầu lên chút xíu, rồi hà hơi thở ngạt./.