Bế mạc hội nghị châu Á-Thái Bình Dương của ILO

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 7/12, Hội nghị Khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 15 (APRM15) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã bế mạc ở cố đô Kyoto, Nhật Bản, với việc các đại biểu nhất trí coi việc làm và sự hỗ trợ để tạo ra việc làm tốt là trung tâm của các chính sách tăng trưởng và phát triển mạnh, bền vững và cân bằng.

Phát biểu tại phiên bế mạc, bà Sachiko Yamamoto, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ILO, nhấn mạnh: “Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực năng động nhất trên thế giới về mặt kinh tế, nhưng chúng ta vẫn chưa tạo ra đủ việc làm và việc làm tốt từ sự tăng trưởng này.”

Theo bà Yamamoto, số người ở độ tuổi lao động ở phần lớn các nước đang phát triển trong khu vực đều đang tăng nhanh nhưng tốc độ tăng việc làm chỉ từ 1-2% so với mức tăng sản lượng lên tới 6-7%. Nếu tốc độ tăng sản lượng giảm xuống dưới 6%, khu vực này sẽ không tạo ra đủ việc làm để đáp ứng nhu cầu của những người đang tìm việc, nhất là thanh niên.

Trong tuyên bố phát hành sau hội nghị, các đại biểu cũng kêu gọi soạn thảo các gói chính sách trên cơ sở Hiệp ước Việc làm Toàn cầu của ILO để thúc đẩy tăng trưởng theo hướng công bằng và tạo thêm nhiều việc làm. Để thực hiện điều này, các đại biểu cho rằng cần phải có các cuộc đối thoại xã hội hiệu quả và đẩy mạnh thương lượng tập thể với sự tham gia của ba thành phần tạo nên ILO gồm chính phủ, các tổ chức đại diện cho người lao động và các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động.

Việc tăng năng suất lao động sẽ là nền tảng cho việc cải thiện các điều kiện sống và làm việc, tăng thu nhập và tạo thêm các cơ hội việc làm tốt hơn.

Để đối phó với tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay, các đại biểu đã đưa ra một số biện pháp gồm hỗ trợ các doanh nghiệp bền vững và đầu tư để tạo thêm nhiều việc làm, xây dựng các hệ thống lương tối thiểu, xây dựng các mức sàn an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh và việc làm xanh, cùng với các chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc làm cho thanh niên và di chuyển lao động.

Cũng tại APRM15, các đại biểu đã thảo luận các biện pháp để phát huy hiệu quả của các chính sách việc làm và xã hội trong việc giảm nhẹ tác động của thiên tai trong khu vực.

Được thành lập vào năm 1919, ILO hiện có 183 quốc gia thành viên. Đây là một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc về vấn đề việc làm và là tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc có sự tham dự của ba bên gồm chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động./.