Bệ phóng cho khát vọng khởi nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số đang mang đến cơ hội phát triển chưa từng có cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân.

Đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội cho các DN, đặc biệt là startup biết tận dụng chuyển đổi số để tạo ra nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ cuộc sống và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Nhiều “đầu bài” cho startup

Là một trong những startup thành công tại thị trường Việt Nam và được Google lựa chọn tham gia chương trình Google for Startups Accelerator 2020, TopCV đã sử dụng Google Cloud từ rất lâu giúp cho bài toán xây dựng các sản phẩm theo mô hình SaaS nhanh chóng và dễ dàng hơn, đặc biệt rất hữu ích với DN trong thời kỳ Covid-19 khi tiết kiệm được chi phí khá nhiều. CEO TopCV Trần Trung Hiếu cho biết, chuyển đổi số là tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào các hoạt động của DN làm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh một cách tối ưu nhất.

Số hóa trong hoạt động hỗ trợ sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Số hóa trong hoạt động hỗ trợ sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Mặt khác, sự tham gia của yếu tố công nghệ vào vận hành sẽ nâng cao năng suất lao động hiệu quả. DN sẽ nhìn thấy rõ bức tranh DN với thu chi, với chân dung khách hàng rõ nét và cả hiệu quả lao động của nhân viên. Khi bỏ qua những thủ tục thừa sẽ giúp tiết kiệm thời gian, tập trung vào mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số giúp tăng trưởng bền vững hơn, bởi công nghệ sẽ mang lại những giải pháp tối ưu hơn, hiệu quả hơn trong việc sử dụng các tài nguyên. Cũng từ chuyển đổi số đã mở ra những “bài toán” cần lời giải mới trong các ngành nghề của xã hội. Đây chính là cơ hội cho các startup biết nắm bắt cơ hội.

Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi số nhanh, hiệu quả hơn. Các địa phương đều có chiến lược và tiên phong trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt phát triển mạnh mẽ các dịch vụ đổi mới sáng tạo. Có nhiều bài toán mới cần lời giải như bài toán về đào tạo, khám chữa bệnh từ xa, dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử… tạo ra “đầu bài” cho các startup đi tìm lời giải.

Đưa ra lời khuyên cho startup trong cuộc đua số hóa, TS Bùi Quang Tuyến - Giám đốc Học viện Viettel chia sẻ, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, các công ty khởi nghiệp cần có sự thích ứng để chuyển mình phát triển. Chuyển đổi số sẽ giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng vươn xa hơn, hướng tới ổn định và phát triển.

Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tại Việt Nam, những chính sách và động thái hỗ trợ của Chính phủ đối với các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian qua đã rất tích cực, cả về hỗ  trợ gián tiếp và trực tiếp. Những chính sách hỗ trợ này sẽ giúp kích cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp các DN khởi nghiệp tập trung vào các giải pháp, thúc đẩy gián tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi có hoạt động sản xuất kinh doanh thì dòng tiền di chuyển lưu thông giữa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và dòng tiền cũng sẽ được tồn tại, hỗ trợ hữu ích cho sự phát triển bền vững của DN.

Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 6 vườn ươm DN và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện là 210 quỹ. Trong đó, có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua, thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.

Một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm trong quá trình chuyển đổi số là tài nguyên dữ liệu, đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số. Trên phương diện quốc gia, cơ sở dữ liệu về đăng ký DN thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đã được hình thành và phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Thanh Tùng cho hay, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia và hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án một cách hiệu quả và nghiêm túc tiếp thu những định hướng, chỉ đạo từ Lãnh đạo Chính phủ tại chương trình.

Đồng thời gửi thông điệp của Bộ KH&CN về tư duy mở trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái, hành động mở trong liên kết, thiết kế và triển khai các mạng lưới kết nối, hướng tới một hệ sinh thái mở, toàn diện, thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội để phát triển ngày càng nhiều các DN khởi nghiệp sáng tạo và cũng như hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, hỗ trợ tốt nhất cho các DN khởi nghiệp sáng tạo và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

 

"Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành Quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp; nhắm đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số." - Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Thanh Tùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần