Bên kia phố cổ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tên em vang lên có sức công phá như một cú đẩy, làm em đang ngồi trên ghế giật mình, chực ngã xuống đất.

Đó là danh sách được xướng đầu tiên. Giải khuyến khích. Chị nhìn sang em. Mặt em tái đi trong nỗi thất vọng bất ngờ. Chị khẽ chạm vào vai, kéo em đứng dậy:- Dù sao thì cũng đã đến rồi. Lên nhận giải đi em!

Trong tấm hình sau này được gửi qua email, mắt em dường như ươn ướt. Vẻ rười rượi hiếm khi nào thấy em để lộ trước mặt chị.

Mọi thứ sau đấy trôi tuột đi trong nháo nhào thinh lặng. Tiệc được dọn lên. Lao xao cười nói. Những thiết bị kỹ thuật số chớp lên liên tục. Một bạn viết của em cầm cái micro hút tiếng và trả lời phỏng vấn gì đó, đại loại văn chương chỉ là một cuộc chơi. Mình có công việc chính khá tốt, nên viết lách chỉ để mang đến niềm vui, chứ không nặng nề gì. Chẳng biết em có nghe thấy những lời đó hay không, mà em bỗng bảo, mấy món này lạ quá, em ăn không quen chị ạ. Chị nuốt vội miếng gì đó không biết mặn ngọt trong miệng. Thôi, chị em mình về đi, em nhé.

Thành phố về đêm rực sáng. Ngay bên ngoài cái khách sạn đẹp đẽ và lộng lẫy vừa diễn ra lễ trao giải, là một cây cầu ngoằn ngoèo cao vút. Chị vốn sợ độ cao. Chị chênh chao trong cảm giác rằng, cây cầu ấy, ánh đèn ấy, màu nước sông loang loáng ấy, ngày nào, tưởng như mới đây thôi, chị rất thường qua lại, không sợ hãi, càng chẳng ngờ được rằng một mai gần đó, giây phút đẹp đẽ kia đã trở thành ký ức buồn. Mà thôi, em đang ngồi sau ôm chị rất chặt, nên chị hãy vững tay lên, hãy vun vút lượn qua những khúc ngoặt mà trở về nhà. Đoạn đường mà lúc chị em mình đèo nhau đi, còn long lanh, liến láu bao nhiêu dự tính tốt lành. Nếu được giải năm “chai”, chị sẽ cho mẹ một ít. Mua áo đầm mới. Son môi màu cam đang mốt. Chị sẽ dắt con trai đi Parkson sắm sửa. Chị sẽ… Còn em thì sao? Em hả, em đã có sẵn mấy việc để tiêu số tiền đó rồi chị ạ. Bao nhiêu là thứ đang chờ. Chị không nỡ hỏi thêm em, cụ thể là em sẽ xài vào những gì. Bởi vì chị biết, chắc sẽ chẳng có khoản nào em dành cho riêng mình đâu, phải không em?

- Chị ơi, nếu… lỡ như được giải cao hơn nữa thì sao hả chị? Ôi, em cũng không dám nghĩ thêm, chị à. Em háo hức quá chị ơi!

Giọng em tràn trề hy vọng. Phải thế nào chứ, họ mới mời em từ phương Bắc xa xôi vào đây nhận giải. Tiền vé khứ hồi chừng ấy, chẳng lẽ nào lại chỉ nhận cái giải út một triệu. Bèo lắm thì cũng phải là giải tư chứ, đúng không chị? Chị cũng nghĩ như em mà, phải không nào? Ôi chị ơi!

Những ríu rít chị em bàn tính với nhau râm ran mãi. Từ sân bay, chị dắt em ghé quán, cho biết hủ tiếu miền Nam là như thế nào. Ăn là ghiền luôn chứ chẳng giỡn chơi được đâu em ạ. Cũng như mấy lần chị ra Hà Nội đều cùng em la cà phố cổ, ăn những thứ quà vặt mà mỗi khi về, chị lại xuýt xoa vì nhớ cái hương vị cùng không khí của món ăn mà chỉ phố cổ mới có ấy. Chị “nổ” thêm, đây là chỗ bán hủ tiếu ngon nhất Sài Gòn rồi đấy. Giá gần năm chục ngàn một tô chứ ít gì. Nếm thử một lần, về ngoài đó rồi chả có mà ăn, lại thèm chết được chứ đùa à!

Ừ, về ngoài đó, làm gì em có mà ăn… Dưng không cả chị và em lặng thinh sau câu tếu táo của chị. Hình như, cả chị và em đều thả tâm trí mình vào ba chữ “về ngoài đó”. Chị nhìn ra ngoài trời, thành phố thất thường, mưa nắng dở hơi, mới đấy thôi mà lất phất nữa rồi. Chị chợt nhớ cái hôm mưa đổ lả tả, chị ngủ lại trong căn phòng em trọ, sáng em đi chợ, chắc là chợ cóc gần đấy, mang về hai gói xôi đậu xanh, mấy cái bánh đúc lạt chấm tương bần, và một mớ nhãn khô queo cắn mãi mà chẳng còn thấy đâu chút nước ngọt nào. Em thích ăn xôi, no lâu, chắc bụng. Chị háo hức trước món bánh đúc lấm tấm đôi ba hạt đậu phộng, chạnh nghĩ thương em hàng ngày ăn những thức này…

 
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Chưa khuya, nhưng chị biểu em tắt điện thoại, như một cách để tránh xa những mời gọi rủ rê họp mặt mà chắc cũng lâu lắm rồi mới có dịp. Chị quen trốn khỏi những cuộc hẹn hò mà chỉ bản thân mình mới biết, tâm trí đã lang thang tận đâu đó xa rồi. Chị sợ những khái niệm bạn bè, bạn viết, bạn văn mà người ta cố tình khoác lên người. Chị nhắm là mình không kham nổi. Dù chị có công ăn việc làm, có nhà có cửa, có xe tay ga, có máy chụp hình siêu mỏng, có iPad đời thứ 4 và mấy cái giỏ xách hàng hiệu trị giá gần bằng giải tư em ước ao đấy thôi.Chị mở máy lạnh, đưa cho em cái mền mỏng đã được giặt xả bằng thứ nước thơm tho, kêu em duỗi thẳng chân ra mà ngủ cho sướng. Trai trẻ mà đẹp của chị đây, em thích thì cứ việc ôm thoải mái, hít hà cái mùi trẻ con đáng yêu của nó, em nhé. Còn không thì gấu bông cỡ bự, gối ôm căng phồng, gối nằm đủ kiểu, em cứ tự nhiên nghen em. Chị biết, đêm nay em sẽ khó ngủ. Dù những tiện nghi êm ấm ở mức bình thường mà chị đang khoản đãi em kia, chắc hẳn cũng đã lâu lắm em không có dịp tận hưởng…

Em nhớ nhà, phải không em? Em nhớ căn phòng chẳng biết được bao nhiêu mét vuông, nhớ cái chiếu cói đã đôi chỗ lốm đốm, cái bàn kê laptop được đặt hẳn luôn trên giường chứ gì? Hay em nhớ lèo tèo một gối, một chăn của mình, mà hôm ấy em đã thơm thảo nhường chị sử dụng? Cái trần nhà được đóng la phông vá víu bằng nhiều thứ em kiếm được, chẳng biết có bàn tay chàng trai nào phụ đỡ em vào việc đó, hay toàn là mấy cô bạn học, đồng hương của em loay hoay ra vào?

Em bận viết quá nên chẳng còn thời gian đâu để mà tìm hiểu, hẹn hò chị à. Nhà vẫn đang cần tiền, mẹ em mới gọi bảo, em trai ở quê lại gây nợ nần… Cứ từ từ rồi duyên nó tới. Em nói nhẹ tênh khi chị nhắc nhở, rằng đừng bắt chước chị mà lỡ dở nghen em. Được mấy chàng trai bước qua cái hẻm nhỏ xíu, che chắn bằng một cái cổng bằng sắt nhùng nhằng dây nhợ để phòng người ngay nhiều hơn kẻ gian để thăm em rồi? Mà bọn trộm cướp có mò vô đây chắc cũng phân vân lắm, không biết phải lựa món đồ gì để mà chôm chỉa. Tủ vải xiêu vẹo phải gia cố thêm bằng cách cột chỗ này chỗ nọ vô tường. Cái giường ngủ chiếm hết đa phần diện tích trong phòng. Mọi hoạt động của em đều diễn ra trên cái giường trải manh chiếu ấy. Từ ăn cơm, tiếp khách, làm việc, ngồi chơi thư giãn… đều cùng một địa điểm. Em có cái laptop cũ hay kêu lên xèo xèo, chắc đây là tài sản đáng giá nhất rồi. Chị đùa hỏi, cái cần câu cơm của em tôi đấy phải không?

Em đang ở ngay đây mà sao chị cứ nhớ loanh quanh thế này… Chị nhắc, toilet ngay phía kia, đèn ở cửa ra vào, để đêm em biết hướng mà sử dụng, em nhé. Chị thấy em có vẻ hơi ngại ngùng, trong mắt em dường như hiện lên hình ảnh, con hẻm của dãy phòng trọ ngập ngụa nước mưa, lờ nhờ cái màu xám của xi măng cũ kỹ, và cái xí bệt từ thời cổ lai hy bé đến nỗi, chị loay hoay không biết phải kéo cái cửa gỗ sứt mẻ hớ hênh lại bằng cách nào cho gọn. Lúc chị bảo muốn đi tắm, em kéo từ dưới gầm giường ra một cái thau nhựa, kèm theo ca múc nước và một chai sữa tắm dê loại một lít. Chị ngạc nhiên hỏi, vì sao phải lích kích thế này, thì em bảo, cứ ra mục sở thị là chị hiểu ngay, khỏi thắc mắc. Hóa ra nhà tắm chỉ có duy nhất một cái vòi, cứ xả nước ra thau rồi dùng cho mọi mục đích, tùy hỉ vậy mà.

Trước khi chị em rời khỏi căn phòng thuê ấy, em cất những thứ chưa ăn hết vô trong cái nồi cơm điện cũ. Em đùa, bảo mỗi khi có đứa bạn thân qua chơi, muốn ăn gì, em lại bảo, vô tủ lạnh của tao mà lấy, là nó biết ý, tót lại bên cái nồi cơm điện cũ này mà lục lọi. Không cất vào đây là bọn chuột ra xơi dùm ngay ấy mà chị.Phòng trọ của em nằm kề bên một cái bệnh viện công nhỏ xíu. Tứ bề là cơ man hàng quán bán từ nước sôi cho đến thau ly, những gánh hàng rong chỉ đợi cơ hội là chặt chém. Xa xa phía bên kia là phố cổ. Đẹp đẽ, sáng rực, náo nhiệt từ sáng đến khuya. Hà Nội trong giấc mơ thực ra phải là ở chỗ đó. Chị đã ngỡ, Hà Nội trong thơ trong văn chỉ có phố cổ. Đâu biết còn có căn phòng trọ của em…

Em tốt nghiệp một cái trường danh giá trong “ngành” viết lách. Em nổi tiếng từ thời còn đi học về khoản “săn giải thưởng”. Bộ sưu tập của em đủ để khối kẻ tập tành múa phím phải ganh tỵ. Thế nhưng, những đồng tiền còm cõi thu về từ cái việc moi tim óc ra mà ăn đó, em ít khi nào dám chi xài gì cho mình. Những cuộc điện thoại từ quê nhà cứ liên tục, liên tục, nối vào nhau, trở thành cái ách vô hình để một đứa con gái gốc gác nhà quê như em buộc phải nai lưng ra mà gánh. Toàn là tình thân ruột thịt, em không nỡ, chị ơi!

Đêm về sáng rồi. Chị biết là em vẫn còn thao thức. Em lạ chỗ vì xa cái ổ quen thuộc. Em hẳn là nhớ Hà Nội của em. Hà Nội với căn phòng trọ nằm ở phía bên kia khu phố cổ. Hẳn em chẳng thể nhẹ nhõm xem đây là một chuyến du lịch miễn phí như chị an ủi ban nãy được. Tiền quà tiền bánh, tiền xe ra sân bay, tiền ăn xài lặt vặt cũng ngốn một khoản kha khá mất rồi. Một triệu tiền thưởng bay veo trong chuyến đi nhận giải. Chị em mình được gặp nhau ở Sài Gòn, nhưng niềm vui ấy mua bằng trĩu nỗi lo toan của em đây mà.

Ngủ đi em. Ngày mai sẽ khác, cuộc sống không bao giờ là bất công mãi được. Ở gần nhau thế này, sao chị em mình lại chẳng trò chuyện nhiều như lúc sống xa nhau, em nhỉ? Chị vẫn chưa quên những đêm khuya lắc chị về, áp mặt vào cửa kính taxi, nhìn thành phố vàng vọt dưới ánh đèn. Lúc ấy, chị hay gọi cho em, chỉ để khóc hu hu như một đứa trẻ. Cuộc sống tưởng đủ đầy của một bà mẹ đơn thân, có công ăn việc làm lại còn biết viết lách kiếm thêm, như cách thiên hạ hay soi ngó, vốn chẳng phải dễ dàng gì. Mà chị thì, chỉ có thể thú nhận điều ấy với em, cô gái “Bắc kỳ” kiêu hãnh và tự trọng đang nằm thinh lặng bên cạnh con trai chị, giả vờ như đang an nhiên mà ngủ.

Chị tiễn em ra sân bay. Lúc dừng ở chân thang để em đi tiếp một mình, chị dưng không muốn khóc. Đã hẹn em năm sau tại Sài Gòn, “quyết đấu” ở một cuộc thi viết “hoành tráng và công bằng hơn”, như chúng mình cùng thầm nghĩ. Chị hình dung ra gần hai giờ bay đơn độc, tưởng tượng xe buýt sân bay sẽ chạy ngang qua phố cổ. Em của chị, có lẽ sẽ áp mặt vào cửa sổ mà nhìn, mà ngắm, mà ước ao, mà vững tin về một cái gì đó sạch đẹp hơn, tinh tươm hơn căn phòng trọ của mình, phải không em?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần