Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường (14/11):

Bệnh đái tháo đường ngày càng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trẻ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội. Một thực tế đáng lo ngại là trong cộng đồng có tới trên 50% bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán. Tình trạng bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi trẻ.

Quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 4 triệu người mắc ĐTĐ hay còn gọi là bệnh nhân tiểu đường. Con số này dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Hiện, có tới 70% người bệnh không biết là mình mắc ĐTĐ.

Cùng với mong muốn nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh ĐTĐ, hướng đến kiểm soát sống khỏe, đẩy lùi bệnh ĐTĐ khỏi cộng đồng, suốt 5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm. Trong đó, có bệnh ĐTĐ cho người bệnh tại các trạm y tế xã, phường và thị trấn.

Lấy mẫu thử đái tháo đường cho người cao tuổi.
Lấy mẫu thử đái tháo đường cho người cao tuổi.

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã điều trị mới hơn 5.500 bệnh nhân ĐTĐ, nâng tổng số bệnh nhân toàn TP là gần 84.000 bệnh nhân. Số bệnh nhân ĐTĐ được điều trị tại tuyến y tế cơ sở là gần 29.000 bệnh nhân.

Bệnh ĐTĐ là một bệnh mãn tính, tiến triển với nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Đường huyết cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Tổn thương mắt có thể gây ra mù lòa, suy thận, nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi. Biến chứng tim mạch như: Tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Những năm qua, Sở Y tế Hà Nội đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là đơn vị thường trực triển khai hoạt động phòng, chống bệnh ĐTĐ cũng như xây dựng kế hoạch chỉ đạo hàng năm từ Sở Y tế Hà Nội đến các đơn vị y tế cơ sở tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, sàng lọc dự phòng, phát hiện sớm bệnh ĐTĐ cũng như tăng cường quản lý, điều trị bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở.

Đề cập đến vấn đề này, TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, ĐTĐ là một bệnh mạn tính, tiến triển với nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tại Hà Nội từ năm 2011 đến 2015 khám sàng lọc phát hiện ĐTĐ ở 104 điểm trạm y tế được 52.205 người từ 30 - 69 tuổi thì có 3,9% người mắc ĐTĐ và 17,3% người mắc tiền ĐTĐ. Năm 2016, kết quả điều tra về ĐTĐ của người dân từ 18 - 69 tuổi tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ rối loạn đường huyết khi đói là 3,8%; tăng đường huyết là 6,7%. Năm 2021, kết quả điều tra về ĐTĐ của người dân từ 18 - 69 tuổi tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ tiền ĐTĐ 16%; tăng đường huyết là 10,2%; nhóm tuổi từ 30 - 69 tỷ lệ tiền ĐTĐ 17%; tăng đường huyết là 11,2%.

Nhiều lợi ích từ việc quản lý bệnh ĐTĐ tại y tế cơ sở

Bệnh ĐTĐ, biến chứng nguy hiểm dẫn đến tim mạch, suy thận thần kinh, biến chứng bàn chân ĐTĐ. Vì vậy, tuyến y tế cơ sở cấp huyện như Sóc Sơn, Hoài Đức đã kiểm soát, phát hiện sớm bệnh ĐTĐ giúp cho quá trình điều trị cho người bệnh đạt kết quả cao nhất.

Nhiều bệnh nhân được khám sàng lọc phát hiện tại bệnh viện tuyến trên chuyển về cũng như tại các trạm y tế xã đều đã có máy xét nghiệm, sàng lọc, kiểm tra đường huyết để có phác đồ điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ kịp thời.
Nhiều bệnh nhân được khám sàng lọc phát hiện tại bệnh viện tuyến trên chuyển về cũng như tại các trạm y tế xã đều đã có máy xét nghiệm, sàng lọc, kiểm tra đường huyết để có phác đồ điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ kịp thời.

Tại huyện Sóc Sơn, đến nay có hơn 4.600 bệnh nhân ĐTĐ đang được quản lý và điều trị tại 26 trạm y tế xã, thị trấn và phòng khám thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Nhiều bệnh nhân được khám sàng lọc phát hiện tại bệnh viện tuyến trên chuyển về cũng như tại các trạm y tế xã đều đã có máy xét nghiệm, sàng lọc, kiểm tra đường huyết để có phác đồ điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn: “Đối với công tác quản lý và điều trị bệnh nhân đái tháo đường, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu các yếu tố nguy cơ, từ đó có thói quen sàng lọc. Ngoài ra, chúng tôi tăng cường năng lực của cán bộ y tế trong vấn đề cập nhật chẩn đoán, điều trị”.

Còn tại huyện Hoài Đức, bác sĩ Đỗ Đăng Sơn - Trưởng trạm y tế xã Minh Khai, huyện Hoài Đức cho biết, ước tính theo phân cấp chỉ tiêu của ngành y tế, số người mắc và có nguy cơ mắc ĐTĐ gần 300 người. Tuy nhiên, thực tế, trên địa bàn xã số người mắc ĐTĐ là 67 người.

Theo Giám đốc TTYT huyện Hoài Đức Trần Quang Tuấn, thời gian qua, TTYT huyện tăng cường truyền thông để người dân nắm được kiến thức về bệnh ĐTĐ, chủ động đi khám và phát hiện bệnh ĐTĐ sớm nhất. Khi phát hiện ra bệnh ĐTĐ, TTYT tăng cường điều trị, quản lý để đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, số bệnh nhân ĐTĐ được điều trị tại tuyến y tế cơ sở là gần 29.000 bệnh nhân.
Hiện nay, số bệnh nhân ĐTĐ được điều trị tại tuyến y tế cơ sở là gần 29.000 bệnh nhân.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống bệnh ĐTĐ trên địa bàn huyện, thời gian tới, TTYT huyện Hoài Đức sẽ tăng cường khám sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những người tiền ĐTĐ và ĐTĐ. Quản lý và điều trị trên 55% người mắc ĐTĐ type 2 đã được phát hiện thông qua sàng lọc. Phấn đấu 100% các xã, thị trấn tiến hành sàng lọc để quản lý số người có yếu tố nguy cơ, tiền ĐTĐ và ĐTĐ.

Phấn đấu ít nhất 70% số người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ thay đổi hành vi lối sống và nắm được kiến thức về phòng chống ĐTĐ thông qua công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe. Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cộng tác viên bệnh không lây nhiễm tại các xã, thị trấn, đảm bảo 100% cộng tác viên có kiến thức về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, tư vấn, quản lý và điều trị đối tượng nguy cơ, người tiền ĐTĐ và bệnh nhân ĐTĐ...

Việc quản lý bệnh ĐTĐ ngay tại tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là trạm y tế xã là một trong những giải pháp quan trọng mang lại nhiều lợi ích và chi phí, hiệu quả cho người dân và cơ quan quản lý. Hà Nội đang đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, phát hiện, điều trị kịp thời bệnh ĐTĐ nhằm phòng ngừa mù lòa, giảm các hậu quả của ĐTĐ đối với người bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

"Truyền thông giáo dục sức khỏe là nền tảng quan trọng của các hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ. Trước hết, chúng ta phải biết rõ ĐTĐ là một bệnh rối loạn suốt đời, các yếu tố nguy cơ dẫn tới mắc bệnh ĐTĐ như: Thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, thiếu hoạt động thể lực… phải được tư vấn, phát hiện sớm. Qua đó, việc phòng chống bệnh ĐTĐ mới có hiệu quả, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị bệnh ĐTĐ và các biến chứng sau này, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc gia đình của người bệnh." - TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc CDC Hà Nội.