Bệnh đau mắt vào mùa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vài tuần qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tại Bệnh viện (BV) Mắt T.Ư bắt đầu tăng dần. Một số bệnh cấp tính và bệnh theo mùa cũng bùng phát mạnh vào giai đoạn này.

Bệnh đau mắt đỏ

Nguyên nhân là do mùa Xuân có độ ẩm cao khiến không khí ngột ngạt, virus, nấm mốc sinh sôi nhanh, các dị nguyên như phấn hoa, lông côn trùng đậm đặc trong không khí sẽ kích động trạng thái quá mẫn, nhiệt độ dao động thái quá giữa ngày và đêm hay vào những ngày giao mùa khiến cơ thể chúng ta mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút... Để chăm sóc đôi mắt, khi thấy các dấu hiệu bất thường và khó chịu ở mắt, mọi người không nên chủ quan, mà cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và có hướng điều trị dứt điểm, không nên tự ý mua thuốc và tra nhỏ thuốc mắt kéo dài sẽ gây biến chứng, bệnh nặng lên, có thể dẫn tới mù lòa.
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội.	 Ảnh: Nguyễn Đức
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đức
Thời điểm này, nhiều bệnh nhân đến khám vì bị viêm kết mạc. Tuy chỉ là mức độ lây lan trong gia đình nhưng nếu cả nhà đau mắt, người này khỏi lại đến người kia cũng gây tốn kém và không ít phiền toái, ảnh hưởng tới công việc và học tập. Tuy nhiên, với những thuốc tra nhỏ thông thường, bệnh đau mắt đỏ sẽ lui giảm nhanh và khỏi trong vòng 2 tuần nếu không có biến chứng. Quan trọng là chúng ta cần có ý thức phòng bệnh cho bản thân, cho người thân và cộng đồng.

Để giảm lây lan bệnh đau mắt đỏ, mọi người nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát trùng, tránh nói chuyện, bắt tay, cầm nắm và dùng chung các đồ vật với người bị bệnh. Đối với bệnh nhân nên đeo kính, mang khẩu trang, tránh tiếp xúc với người lành khoảng 5 - 7 ngày.

Các loại viêm kết mạc  dị ứng

 Viêm kết mạc dị ứng cấp tính, viêm kết mạc mùa Xuân, viêm kết mạc theo mùa hoặc quanh năm, viêm kết mạc cơ địa dị ứng là những bệnh hay gặp trong thời điểm này. Đặc điểm chung của nhóm bệnh này là gây ngứa, bắt buộc phải gãi hoặc dụi mắt. Chúng thuộc nhóm bệnh lành tính, không gây mù lòa, nhưng cũng có khi gây biến chứng nặng nề. Nhiều bệnh nhân dụi mắt nên lòng đen bị loét trợt, đang ngứa chuyển sang đau nhức, tổn thương này có thể gây sẹo và giảm thị lực vĩnh viễn. Thuốc điều trị dị ứng mắt không hề rẻ, tác dụng phụ cũng nhiều. Vì thế, bệnh nhân cần khám đúng bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc cẩn trọng, theo dõi lâu dài.

Viêm màng bồ đào, glôcôm thể mi

 Đây thuộc nhóm bệnh tự phát (trên 80% trường hợp không tìm ra căn nguyên). Vào mùa Xuân, nhất là những ngày sắp có gió mùa Đông Bắc, bệnh lại xuất hiện hoặc tái phát. Với những người bị tái phát, vốn đã có kinh nghiệm, thường sẽ đến viện sớm hơn những người bị bệnh lần đầu. Triệu chứng thường khá mơ hồ khiến nhiều người đến khám muộn, việc điều trị sẽ kéo dài hơn.

Tai nạn mắt do côn trùng

 Mùa Xuân là mùa của côn trùng sinh sôi, nảy nở. Thói quen không đeo kính khi đi đường, dùng xe hai bánh tham gia giao thông, ra đường vào ban đêm... khiến côn trùng bay vào mắt, gây tổn thương mắt. Côn trùng không chỉ gây hại cho mắt bằng lông, chân, cánh của chúng mà còn bằng chất dịch hay phấn gây phản ứng viêm nghiêm trọng cho mắt. Nhẹ thì thấy bỏng rát, phù mi mắt, phù kết mạc, những ngày sau có thể có loét và chảy nước da mi. Nặng thì gây trợt lòng đen, dị vật giác mạc. Đặc biệt, đối với lông của sâu róm, thường găm sâu vào giác mạc, thậm chí chui vào hẳn tiền phòng gây viêm giác mạc, viêm màng bồ đào dai dẳng, rất khó điều trị. Để phòng côn trùng bay vào mắt, việc đeo kính khi ra ngoài sẽ tránh được 50% các tai nạn mắt nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần