Các triệu chứng bệnh tuyến giápTuyến giáp là một bộ phận rất nhỏ có hình dạng cánh bướm, nằm phía trước cổ chúng ta, ở nam giới thấy rõ hơn nữ giới. Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, giữ nhiều vai trò quan trọng đối với hoạt động sống của con người. Vì vậy, khi tuyến giáp có vấn đề sẽ gây ra rất nhiều phiền toái.Sức khỏe đang bình thường, tự dưng thấy cơ thể tăng thân nhiệt, rồi giảm cân nhanh chóng, ngủ khó, sợ nóng, sờ da thấy nóng và ẩm, mồ hôi đổ nhiều, rối loạn tiêu hóa, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, dễ cáu gắt, khó tập trung…Một triệu chứng khác có thể là cơ thể mệt mỏi, sợ lạnh, hay buồn ngủ, tăng cân, tiểu ít, táo bón, cơ thể lờ đờ, trí nhớ giảm, khả năng tư duy kém, nhịp tim giảm, huyết áp thấp, chức năng sinh dục suy kém…
Khi đó, cơ quan nội tiết có chức năng điều hòa một số hoạt động của cơ thể bạn - gọi là tuyến giáp - đang có vấn đề: Bị cường giáp với các triệu chứng ở trên, bị suy giáp với các triệu chứng ở dưới.Tuyến giáp có thể gặp những bệnh lý gì?Bướu giáp đơn thuần hay còn gọi là bướu bình giáp, đây là tình trạng to lên của tuyến giáp mà không phải là ung thư, không phải viêm và cũng không có tình trạng tăng hay giảm nồng độ hormon của tuyến giáp. Có 3 dạng: Bướu lan tỏa (phình giáp), bướu đơn nhân (chỉ có 1 nhân) và bướu đa nhân (có nhiều hơn 1 nhân). Bướu giáp đơn thuần là một trong những vấn đề thường gặp ở tuyến giáp, chiếm 80% các bệnh của tuyến giáp. Bướu giáp khi phát triển đến kích thước lớn có thể gây nên các dấu hiệu chèn ép cơ quan và tổ chức xung quanh gây khó thở và khó nuốt, ho nhiều và khàn tiếng…Cường giáp (hay còn gọi là nhiễm độc giáp) là một căn bệnh phổ biến, gây ra do tình trạng tăng quá mức hormon tuyến giáp. Tỷ lệ bệnh nhân nữ bị mắc cường giáp cao gấp 3 lần nam. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng đặc biệt tập trung ở lứa tuổi sinh sản trở đi. Nguyên nhân phổ biến nhất là do bệnh Basedow - một loại bệnh tự miễn. Theo ước tính có khoảng 80 - 90% người bị cường giáp bị mắc bệnh Basedow. Khi ấy, dễ nhận thấy là bướu to lên và mắt lộ và trợn, có phù trước xương quyển (xương vùng cẳng chân). Biến chứng nguy hiểm của bệnh lý này mà y học gọi là “Cơn bão giáp” - một cấp cứu nếu không kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Ngoài ra khi có tình trạng cường giáp kèm bướu giáp có một nhân, ta gọi là nhân độc tuyến giáp. Cường giáp kèm bướu giáp đa nhân được gọi là đa nhân độc tuyến giáp.Suy giáp hay còn gọi là nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp - là một rối loạn chức năng - khiến tuyến giáp không sản sinh đủ hormon như thyroxine, T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể. Bệnh suy giáp ở trẻ em rất đáng lo ngại vì có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất và trí tuệ (bướu giáp đần độn). Tuy là bệnh thường gặp, nhưng là bệnh có khả năng ngăn ngừa và điều trị.Ung thư tuyến giáp có 4 dạng: Ung thư nhú, ung thư nang, thể tủy và ung thư không biệt hóa. Trong đó, ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị nhất, ung thư nhú chiếm tỉ lệ cao nhất và có tiên lượng tốt nhất. Một điều may mắn hơn cả đó là nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh này có thể lên tới 90%. Một tỷ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.Bệnh tuyến giáp là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh nội tiết. Bướu giáp xảy ra ở 10% nữ giới, 2% nam giới, gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong sinh hoạt nếu bướu lành tính. Ngược lại, bướu ác tính có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Do đó, chúng ta nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tuyến giáp thông qua các bước khám tuyến giáp định kỳ để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm, khó điều trị (suy giáp, cường giáp, bướu giáp, ung thư giáp, viêm tuyến giáp...).