Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 50 dương tính trở lại sau 2 lần âm tính

Vĩnh quân - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết một bệnh nhân nữ số 50 (24 tuổi địa chỉ tại TP Hạ Long) có diễn biến phức tạp, khó lường. Bệnh nhân số 50 xét nghiệm phát hiện dương tính ngày 13/3, 18/3 và 23/3; đã có 2 lần xét nghiệm âm tính vào ngày 26 và 28/3 nhưng dương tính trở lại vào các ngày 30/3, 2/4 và 5/4.

Sau thời gian cách ly, theo dõi điều trị tại bệnh viện thì bệnh nhân có sức khỏe ổn định. Tuy nhiên sau 2 lần âm tính thì bệnh nhân lại phát hiện dương tính.
Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo, qua nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, nhất là các công bố gần đây của các nhà khoa học Hàn Quốc, Trung Quốc: Có những trường hợp bệnh nhân Covid-19 điều trị thành công, xét nghiệm nhiều lần cho kết quả âm tính với Sars-Cov-2 nhưng khi về cộng đồng một thời gian khi xét nghiệm sàng lọc lại “tái dương tính” với Covid - 19.

 Chốt kiểm soát đầu vào TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong không ngừng tăng nhanh và chưa có dấu hiệu khả quan. Nhận định về diễn biến dịch và thời điểm “đỉnh dịch” vẫn là câu hỏi lớn và tranh cãi của các nhà khoa học trên thế giới song họ đều có nhận định chung là: Đỉnh dịch thực tế có thể thay đổi dựa vào tính hiệu quả của các biện pháp quốc gia kiểm soát dịch bệnh và hành động của người dân. Do vậy, các biện pháp tổng thể của nhà nước và mỗi địa phương cùng với sự hưởng ứng của người dân sẽ là lời giải cho câu hỏi về diễn biến dịch và thời điểm “đỉnh dịch”.
Tại nhiều địa phương của Việt Nam, việc xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng nhưng không tìm ra nguồn lây ban đầu tại một số ổ dịch lớn vừa qua (chuyên môn gọi là “mất dấu F0”) đặt ra thách thức rất lớn trong việc kiểm soát, phát hiện, quản lý nguồn lây bệnh. Nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, lây bệnh cho nhân viên y tế cũng đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và đáp ứng của hệ thống y tế. Thực tế bài học của một số nước lớn trên thế giới đã mất kiểm soát tình hình  dịch bệnh khi hệ thống y tế bị “sụp đổ”.
Trước các diễn biến rất khó lường của dịch bệnh và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo mọi người dân thực hiện tốt cách ly toàn xã hội. Đặc biệt, là tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch, không được lơ là chủ quan mất cảnh giác; thực hiện nghiêm túc và tự giác các quy định của Chính phủ, của tỉnh và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; luôn thực hiện vệ sinh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo hướng dẫn của ngành y tế.
Lý giải về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), chuyên gia hàng đầu trong y tế dự phòng cho biết, việc BN 50 nhiễm Covid-19 âm tính rồi tái dương tính trong điều trị là chuyện bình thường. Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã gặp không ít trường hợp như vậy. "Đây là một ca bệnh chưa điều trị xong, cơ thể bệnh nhân chưa đào thải hết virus. Vì Việt Nam không có thuốc đặc hiệu nên cũng không làm sạch được hết virus trong cơ thể bệnh nhân bị nhiễm.
"Chúng ta điều trị là để cơ thể chống lại virus, có thể có những con virus nằm ẩn nấp ở đâu đấy trong cơ thể. Khi đó, xét nghiệm thì cho kết quả âm tính nhưng lần khác xét nghiệm thì lại xuất hiện và cho kết quả dương tính. Vì vậy, bệnh nhân đã xét nghiệm âm tính 2 lần, và đến lần thứ 3 thì dương tính thì cũng không có gì là bất thường"- PGS.TS Nguyễn Huy Nga lý giải.
Cũng theo chuyên gia, sau điều trị, virus đã bị suy yếu nên khả năng lây bệnh cho người khác sau giai đoạn tiếp tục cách ly 14 ngày là rất thấp. "Theo tiêu chuẩn và đủ điều kiện ra viện đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 là phải 3 lần xét nghiệm âm tính. Và khi bệnh nhân xuất viện, được yêu cầu duy trì cách ly tại nhà 14 ngày theo yêu cầu của bộ Y tế. Khả năng lây bệnh cho người khác sau giai đoạn tiếp tục cách ly 14 ngày là rất thấp. Tính đến nay, chưa có trường hợp nào lây từ người đã điều trị xong trở về cộng đồng được báo cáo"- PGS.TS Nguyễn Huy Nga thông tin thêm.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng cho rằng, việc xét nghiệm hôm nay âm tính, mai dương tính là chuyện bình thường.
Theo Phó Giám đốc CDC, thời điểm xét nghiệm cho kết quả âm tính chứ không phải âm tính hẳn. Không phải lúc nào cũng tìm được virus trong người. "Có thể, hôm nay, lấy mẫu không tìm thấy virus, ngày mai lấy lại tìm thấy virus, tùy theo tốc độ phát triển của virus. Cho nên, các bệnh nhân cần phải được xét nghiệm 3 - 4 lần âm tính và hết triệu chứng thì bệnh nhân đó mới được công bố khỏi bệnh. Đây cũng là lý do nhiều ca bệnh đã điều trị dài ngày nhưng chưa được công bố khỏi bệnh.
Chuyên gia cũng cho rằng, tất cả các bệnh nhân khi được công bố khỏi bệnh, trong người "sạch virus". Nên người dân yên tâm, không phải lo lắng trong chuyện bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2.