Bệnh nhân xếp hàng suốt đêm chờ xạ trị

Thu Ngân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo ứng dụng công nghệ điều trị xạ trị trong điều trị ung thư tại Việt Nam do Bệnh viện (BV) K tổ chức ngày 18/12, ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV khẳng định, BV đã bố trí nhân lực đáp ứng nhu cầu người bệnh trước tình trạng quá tải trầm trọng do thiếu trang thiết bị y tế, người bệnh phải xếp hàng xạ trị suốt đêm.

 
Ông có thể cho biết, tình hình mắc ung thư tại Việt Nam hiện nay?

- Tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, tình trạng mắc ung thư ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Ước tính, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn và tốn kém.

Suốt trong thời gian qua, tại BV K, người bệnh phải xếp hàng xạ trị vào ban đêm?

- Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ, trong đó việc xạ trị chiếm vị trí quan trọng. Song, BV K hiện nay đang trong tình trạng quá tải do bệnh nhân đông, thiếu trang thiết bị y tế. Trước năm 2017, BV có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, BV được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị hiện đại đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên vẫn không đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của bệnh nhân. Nếu như năm 2015, BV tiếp nhận 11.799 người bệnh, năm 2016 là 12.081 người bệnh, thì đến năm 2017 (tính đến 30/11/2017) BV điều trị cho hơn 15.000 người bệnh, thường xuyên quá tải, các máy xạ trị của BV sử dụng 22/24h. Việc phải xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân, không đủ máy móc nên BV phải chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm.

Việc này sẽ ảnh hưởng sức khỏe, sự bất tiện của cả người bệnh và nhân viên y tế?

- Đúng là việc này sẽ gây khó khăn cho người bệnh, kể cả nhân viên y tế cũng phải rất vất vả khi chia ca trực đêm. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, mỗi máy xạ trị, nên dừng lại ở 40 bệnh nhân/ngày, nhưng thực tế, tại BV K, một máy phải xạ trị cho 150, thậm chí 200 bệnh nhân mỗi ngày. Theo phác đồ điều trị, mỗi bệnh nhân sẽ xạ trị 5 buổi/tuần. Theo lịch, bệnh nhân ung thư cuối cùng sẽ kết thúc xạ trị vào 2 giờ 30 phút và ca tiếp theo sẽ bắt đầu từ 3 giờ.

Được biết, phương pháp xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư được coi là tiên tiến và mang lại hiệu quả nhất, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Phương pháp này cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc, áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa với rất ít tác dụng phụ. Tỷ lệ bệnh nhân có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan, cụ thể, trên 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ; 80 - 90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn I & II là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%; ung thư trực tràng là 53%; ung thư đầu cổ 74%.

Xin cảm ơn ông!

Để đáp ứng nhu cầu xạ trị của bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng, Bộ Y tế đang tính tới việc sớm thành lập Trung tâm xạ trị proton và hạt nặng tại BV K. Nếu được thành lập, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được trang bị và áp dụng phương pháp xạ trị tiên tiến này. Với việc triển khai hệ thống xạ trị này, trong trường hợp bệnh nhân đi nước ngoài chữa bệnh hoàn toàn có thể sử dụng kết quả xét nghiệm tại Trung tâm mà không phải làm lại xét nghiệm. Hiện kết quả xét nghiệm này được công nhận tại nhiều BV trong khu vực và trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Đức, Pháp...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần