Bệnh trĩ có thể chữa khỏi hoàn toàn

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là căn bệnh có tỷ lệ mắc khá cao, bệnh trĩ được coi như “khắc tinh”, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, bệnh trĩ sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thay đổi thói quen ăn uống

Gần 10 năm kể từ ngày phát hiện mình bị mắc bệnh trĩ, cuộc sống của ông Trần Văn Linh (Đống Đa, Hà Nội) đã bị đảo lộn hoàn toàn. Ban đầu là khó khăn khi đi ngoài, lâu dần do chủ quan, ông đã có triệu trứng chảy máu kèm theo. Đáng sợ nhất là những cơn đau dữ dội, mỗi lần trải qua lại giống như “chết đi sống lại”. Từ đó, ông đã phải thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt của mình. Từ một người nghiện cà phê và các món cay nóng nhưng đến nay, ông đã chủ động từ bỏ thói quen này. Món ưu tiên trong các bữa ăn chỉ là rau, củ, quả. Tương tự, bà Lê Thu Hà (Gia Lâm, Hà Nội) năm nay 65 tuổi nhưng một nửa thời gian này phải sống chung với căn bệnh trĩ. Bị các cơn đau hành hạ, mỗi lần phải đi vệ sinh “sợ hơn cả đi đẻ” nên bà phải từ bỏ hoàn toàn thói quen ăn mặn, cay, nóng của mình để bệnh được thuyên giảm.
Bệnh trĩ có thể chữa khỏi hoàn toàn - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Mạnh Nhâm – Chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc trĩ của người Việt Nam dao động từ 35 - 50%, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến nhập viện. Theo TS Nhâm, điều trị bệnh trĩ là một quá trình tổng hợp, dùng phương pháp thảo dược, xoa bấm huyệt, nặng có thể phải phẫu thuật. Đặc biệt, người mắc bệnh trĩ cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, trong đó chế độ ăn uống là cực kỳ quan trọng bởi liên quan tới quá trình chuyển hóa, đồng hóa và dị hóa. Nếu ăn nhiều rau, củ quả, chất xơ, quá trình tiêu hóa rất tốt, trong đó quá trình lên men ở đại tràng tạo thành phân tốt. Với nhu động ruột tốt sẽ đẩy phân ra ngoài dễ dàng và không gây ảnh hưởng đến vùng gây trĩ. Ngoài ra, người mắc bệnh trĩ cần được cung cấp đủ nước mỗi ngày.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là một cách hữu hiệu để người bệnh không phải chịu sự “tra tấn” của bệnh trĩ. Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân mắc bệnh thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm do tâm lý e ngại vì bệnh ở vùng kín, nhất là chị em phụ nữ. Ngoài ra, do tâm lý chủ quan vì ban đầu bệnh thường có những biểu hiện không thường xuyên như dính ít máu tươi ở giấy vệ sinh, đau rát ngứa sau khi đi ngoài, đại tiện khó, các hiện tượng này thường thoảng qua và ít gây khó chịu nên rất hay bị bỏ qua.

TS Nhâm cho rằng, bệnh trĩ có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu điều trị đúng, điều trị sớm và có sự kết hợp hài hòa giữa thầy thuốc và người bệnh. Ví dụ như trĩ từ độ 1, độ 2 nếu người bệnh đi khám và tuân thủ theo chế độ điều trị của bác sĩ thì khả năng cao bệnh sẽ được chữa khỏi. Nếu như trĩ ở độ 3, độ 4, bệnh nhân có thể đến bác sĩ sử dụng các phương pháp can thiệp phẫu thuật như cắt. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được tư vấn sử dụng các thảo được làm tăng khả năng thành mạch, tĩnh mạch, chống táo bón và kháng khuẩn. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, bệnh nhân mắc bệnh trĩ phải điều trị theo đúng lộ trình, không nên bỏ quãng điều trị khi bệnh có dấu hiệu đỡ, bởi như vậy sẽ làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần