Thông tin tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, VDNC là bệnh truyền nhiễm do một số loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra chủ yếu trên trâu, bò. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 14 ngày. Tỷ lệ gây chết từ 1 - 5%. Tuy nhiên, virus gây bệnh VDNC không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam. |
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh VDNC đã xuất hiện tại 13 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng cộng 561 ổ dịch. Trong đó, dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, Đài Loan (Trung Quốc), Iraq và đặc biệt là quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc.
Từ giữa tháng 10/2020 đến nay, bệnh VDNC đã xảy ra tại 13 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Tổng số gia súc mắc bệnh là 232 con, trong đó, số vật nuôi bị chết là 19 con. Cụ thể tại tỉnh Lạng Sơn, bệnh VDNC xuất hiện tại 5 xã của huyện Hữu Lũng với tổng số 68 con bò mắc bệnh, trong đó có 6 con bị chết. Tại Cao Bằng, có 8 xã thuộc 2 huyện: Hạ Lang, Hoà An, có vật nuôi bị mắc bệnh. Trong tổng số 164 con bò bị bệnh VDNC, có 13 con bị chết.
Ngay khi nhận được thông tin về bệnh VDNC, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác đến các xã có dịch bệnh để phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức điều tra dịch tễ, mổ khám, chẩn đoán, lấy mẫu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả các trường hợp vật nuôi tại 2 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng bị chết đều mắc virus gây bệnh VDNC.
Trên cơ sở kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm nhiều gia súc trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, đại diện Cục Thú y nhận định dịch bệnh VDNC có khả năng cũng đã xuất hiện tại nhiều địa phương khác, nhưng chưa được phát hiện. Nguy cơ lây lan diện rộng dịch bệnh VDNC trong thời gian tới là rất lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước nguy cơ bệnh VDNC, Bộ đã đề nghị Cục Thú y chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về xét nghiệm để ứng phó với nguy cơ bùng phát bệnh VDNC. Bộ cũng đã có công điện đề nghị các tỉnh, TP trên cả nước tập trung ứng phó với nguy cơ bệnh.
“Hiện, bệnh VDNC mới chỉ xuất hiện ở một vài địa phương. Bệnh không lây nhiễm và không gây bệnh trên người nên các hộ chăn nuôi và người dân nói chung không nên hoang mang. Các địa phương tổ thức thông tin, tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống; trong đó khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên giết mổ trâu, bò để bán chạy…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm, Bộ NN&PTNT đã và đang tổ chức, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh VDNC. Trong khi chờ vaccine VDNC, Bộ chỉ đạo Cục Thú y phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp thí điểm sử dụng vaccine phòng bệnh Đậu dê để tiêm phòng cho đàn gia súc tại các xã đã có dịch.
Sở dĩ có thể sử dụng vaccine phòng bệnh Đậu dê là bởi chủng virus gây bệnh VDNC cùng họ với virus gây bệnh Đậu dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gen di truyền trên 95%. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như FAO, OIE và nhiều nước như Trung Quốc… cũng đã sử dụng vaccine phòng bệnh Đậu dê để tiêm cho đàn gia súc nhằm phòng bệnh VDNC.