Bệnh thường có các dấu hiệu, triệu chứng như: Mệt mỏi; buồn nôn, nôn; đau bụng hoặc đau tức, khó chịu ở vùng bụng trên bên phải, bên dưới xương sườn; chán ăn, sốt nhẹ; nước tiểu sẫm màu; đau cơ; ngứa; vàng da, vàng mắt… Bệnh viêm gan A là một bệnh dễ lây nhưng khi điều trị có thể hồi phục hoàn toàn.
Ảnh minh họa
|
Cũng theo Cục Y tế dự phòng virus viêm gan A có thể tồn tại trong thức ăn, nước uống, bể bơi, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt cá nhân, trong môi trường đất, nước… Ở người nhiễm bệnh, virus viêm gan A được tìm thấy trong nước bọt, nước tiểu, nhưng nhiều nhất vẫn là trong phân người có bệnh.
Về đường lây bệnh, bệnh viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (đường phân - miệng), hiếm khi lây qua đường máu vì có rất ít virus viêm gan A trong máu, cụ thể lây qua các đường chính sau: Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh; uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh; ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người có bệnh
Để phòng tránh bệnh viêm gan A cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chế biến thức ăn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước. Xử lý tốt phân, chất thải của người bệnh, rác thải, nước thải.
Thực hiện ăn chín, uống chín. Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu…) với người có bệnh. Tiêm phòng vaccine phòng viêm gan A.