Ông David Heymann - Chủ tịch của Hội đồng y tế khẩn cấp IHR của WHO cho biết, ban đầu chúng ta cho rằng, nCoV 2019 chỉ lây truyền hạn chế thông qua tiếp xúc gần, giống như các hoạt động trong gia đình (ví dụ như: Ôm, hôn, sử dụng chung đồ vật, thức ăn). Hiện đã có bằng chứng rằng nCoV 2019 có thể lây truyền thông qua các tiếp xúc xa hơn, khi người bệnh ho, hắt hơi.
WHO chưa công bố tình trạng Khẩn cấp về Y tế Quốc tế
Ngày 24/1, theo thông tin cập nhật từ Bộ Y tế, Hội đồng y tế khẩn cấp IHR của WHO họp trong 2 ngày 22 và 23/1 xem xét các thông tin về tình hình dịch bệnh do nCoV.
Căn cứ trên thông tin do Trung Quốc cung cấp, Hội đồng kết luận vẫn quá sớm để công nhận rằng đây là Tình trạng Khẩn cấp về Y tế Quốc tế (PHEIC). Hội đồng có thể sẽ tiếp tục triệu tập họp lại trong khoảng 10 ngày tới.
Hiện nay, các khuyến cáo về đi lại vẫn tuân theo Hướng dẫn về đi lại của WHO ban hành vào ngày 10/1.
Chưa rõ ràng việc lây truyền rộng rãi từ người sang người
Các chuyên gia cũng cho biết, đã có bằng chứng về việc lây truyền nCoV 2019 từ người sang người, và sự lây truyền đã xuất hiện ở các nhân viên y tế trong một đơn vị y tế. Tuy nhiên việc lây truyền rộng rãi từ người sang người vẫn chưa rõ ràng.
Nguồn lây truyền chưa được xác định được nhưng theo các ý kiến, nhiều khả năng là từ các nguồn động vật.
CNN dẫn lời của ông David Heymann - Chủ tịch của Hội đồng y tế khẩn cấp IHR của WHO cho biết: "Virus nCoV đã lây truyền dễ hơn chúng ta tưởng trước đây. Ban đầu chúng ta cho rằng, nCoV 2019 chỉ lây truyền hạn chế thông qua tiếp xúc gần, giống như các hoạt động trong gia đình (ví dụ như: ôm, hôn, sử dụng chung đồ vật , thức ăn). Đã có bằng chứng rằng nCoV 2019 có thể lây truyền thông qua các tiếp xúc xa hơn, khi người bệnh ho, hắt hơi".
Hiện vẫn chưa có bằng chứng nCoV 2019 lây truyền trong không khí, như là cúm hay sởi.
Sẵn sàng đáp ứng chống dịch trong dịp Tết, Bộ Y tế họp khẩn 30 Tết
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, Bộ Y tế đã cập nhật, ban hành đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, kế hoạch phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và chỉ đạo tổ chức tập huấn, phổ biến cho cán bộ y tế các tuyến, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành.
Trong khoảng thời gian từ ngày 14 - 20/1/2020, Việt Nam đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và Sân bay Quốc tế Cam Ranh. Các trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV và trở về Trung Quốc.
Ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Các trường hợp nói trên đã được phát hiện kịp thời, tổ chức cách ly chặt chẽ tại bệnh viện để không làm lây lan dịch bệnh.
Hiện Bộ Y tế đang đang tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Ngay trong trưa nay 24/1, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi với sự tham gia của các Bộ, ngành, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh hàng đầu thế giới để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới. Sau cuộc họp, Bộ Y tế sẽ có thông tin cụ thể về tình hình dịch bệnh.
Để tiếp tục chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng không nên hoang mang, lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp sau:
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Người dân không nên đi/đến khu vực đang có dịch tại Trung Quốc nếu không cần thiết.
Những người trở về vùng có dịch tại Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp câp do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Trước tình hình khẩn cấp này, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các biện pháp dự phòng cá nhân, tránh tiếp xúc với người đang bị viêm phổi cấp/viêm đường hô hấp cấp, thường xuyên rửa tay sạch. Trong trường hợp bắt buộc tiếp xúc với người có ho, hắt hơi nên đứng/ngồi song song thay vì đối diện và khoảng cách tối thiểu là 2m. |