Bệnh viện an toàn mùa dịch Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Trước làn sóng Covid-19, nhiều bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn người bệnh và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Chủ động ứng phó dịch Covid-19
Tính từ mùa dịch Covid-19 đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 700 lượt người đến khám bệnh. Công tác đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế luôn được bệnh viện ưu tiên thực hiện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cương - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện Đa khoa Hà Đông luôn sát sao ứng phó với dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn người bệnh và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Bệnh viện thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 cho toàn bộ nhân viên y tế và thực hiện tiêm chủng vaccine cho 529 các đối tượng ưu tiên làm tại các bộ phận tiếp đón, thanh toán, khám và điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện thực hiện tiêm chủng cho các đơn vị khác theo sự chỉ đạo của Sở Y tế là 972 cán bộ  (trung tâm y tế (TTYT) Hà Đông, TTYT Thanh xuân, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông, trường Đại học Y tế công cộng).
 Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đo thân nhiệt cho cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện quy định lối đi tách biệt từ phòng khám sàng lọc đến khu cách ly. Bệnh viện cũng quy định cụ thể các thời điểm cần sàng lọc người bệnh nội trú, người nhà người bệnh. Đặc biệt, bệnh viện yêu cầu mỗi bệnh nhân nặng chỉ được một người nhà chăm sóc cố định cho đến khi ra viện, hạn chế thay đổi người chăm sóc trường hợp khách quan khi đổi người chăm sóc phải tuân thủ và đáp ứng các quy định của bệnh viện mới được vào thay thế người cũ. Tại các khoa lâm sàng đặt biển báo về việc không tổ chức đến thăm người bệnh. Với người bệnh chỉ định nhập viện khi thật sự cần thiết, rút ngắn thời gian nằm viện nếu có thể; chỉ chuyển tuyến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính.
“Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên rà soát, bổ sung đảm bảo luôn sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng các kịch bản, các giải pháp tương ứng các kịch bản, tổ chức diễn tập và rút kinh nghiệm, lập kế hoạch đảm bảo đủ nguồn nhân lực trong mọi tình huống. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viện thường xuyên lên lịch kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của cán bộ y tế đối với các hoạt động phòng, chống dịch đã được bệnh viện quy định. Ngoài ra, bệnh viện giám sát chặt chẽ 5K, tuân thủ các quy định về vệ sinh trang thiết bị hàng ngày, kiểm soát nhiễm khuẩn; giãn cách tại khoa khám bệnh và  các khoa điều trị nội trú…” – bác sĩ Cương cho hay.
Đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch “An toàn trên hết"
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 lượt người đến khám bệnh. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “An toàn trên hết". Trong đó, bệnh viện phân luồng bệnh nhân rõ ràng theo các cổng. Bệnh viện tổ chức khu khám ho sốt hoặc có yếu tố dịch tễ sẽ được hướng dẫn ra một khu riêng, khám tại nhà A3. Bên cạnh đó, bệnh viện tiếp tục triển khai việc dừng thăm hỏi người bệnh. Mỗi người bệnh chỉ một người nhà chăm sóc; hạn chế tối đa việc thay đổi người nhà chăm sóc trong quá trình điều trị. Bệnh viện cũng yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K tại bệnh viện.
 Lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế.
Đặc biệt, bệnh viện đã triển khai hình thức khai báo y tế điện tử đối với tất cả người ra, vào bệnh viện trong mùa dịch Covid-19. Cụ thể, người dùng sẽ tải và cài đặt ứng dụng: “Vietnam Health Declaration -VHD trên điện thoại thông minh. Sau khi nhận và nhập mã OTP, người dùng chọn chức năng “Khai báo y tế” rồi khai các thông tin cơ bản. Đối với những người có thẻ bảo hiểm y tế, người dùng chỉ cần nhập số thẻ thì hệ thống sẽ tự động cập nhật các thông tin cá nhân. Sau khi hoàn thiện gửi thông tin, hệ thống sẽ trả lại mã QR-Code để người dân đăng ký vào hoặc ra khỏi bệnh viện tại các nơi có yêu cầu khai báo y tế.
Khi thực hiện khai báo y tế trực tuyến này, tất cả dữ liệu của những người từng đến bệnh viện như: Bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, người đến liên hệ công tác… đều được đăng tải trên hệ thống chung của Bộ Y tế. Qua đó, bệnh viện cũng kiểm soát lượng người ra, người vào bệnh viện. Giải pháp này nhằm chủ động hơn trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc khai báo y tế còn giúp bệnh viện cập nhật được cụ thể những người ra, vào bệnh viện theo từng khung giờ cụ thể. Từ đó, nếu có dịch Covid-19 xảy ra thì việc truy vết cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện được giao nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tuân thủ nghiêm các tiêu chí Bệnh viện an toàn. Đồng thời, các bệnh viện đảm bảo điều kiện để thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và khám, chữa bệnh thông thường.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tuân thủ các quy trình và quản lý chặt chẽ người bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, cán bộ phục vụ; thực hiện sớm các biện pháp cách ly, xét nghiệm đối với ca bệnh nghi ngờ. Các đơn vị rà soát quy trình tiếp đón, phân loại, sàng lọc người bệnh, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; đào tạo, tập huấn, tập huấn lại cho nhân viên y tế về an toàn phòng chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án chia ca/kíp, phân công nhân lực tham gia điều trị phù hợp trên cơ sở bảo đảm thời gian tham gia điều trị, thời gian nghỉ, cách ly, theo dõi sức khỏe sau điều trị; điều chỉnh phương án phù hợp với điều kiện tình hình diễn biến dịch bệnh. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho nhân viên y tế.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện rà soát, củng cố, siết chặt khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly, xét nghiệm người vào bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện không cho phép người thăm (hoặc hạn chế tối đa); quản lý chặt chẽ người nhà người bệnh vào chăm sóc (nếu được cho phép) bằng các biện pháp như nhận diện vân tay hoặc gắn vòng đeo tay không tháo rời được... bảo đảm không để tình trạng tự đổi người chăm sóc hiện vẫn xảy ra tại một số bệnh viện. Các đơn vị tăng cường đánh giá thường xuyên và khắc phục ngay các nguy cơ theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn của Bộ Y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần