Từng là bệnh viện hiện đại nhất miền Nam Việt Nam
Ngày 24/11, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 160 năm thành lập (1862-2022). Đến dự có nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS.BS Trần Thị Trung Chiến; nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, cùng nhiều nguyên lãnh đạo Sở Y tế TP, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới các thời kỳ; Phó Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và một số cơ quan ngoại giao.
TS.BS Lê Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển bệnh viện. Theo đó, sau khi đánh chiếm thành Gia Định vào năm 1859, với ý đồ thiết lập trạm cứu thương nhằm chuẩn bị tiếp nhận thương binh đánh đại đồn Kỳ Hòa, tiến tới xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ. Vào năm 1860, thực dân Pháp chiếm khu đất rộng hơn 5ha tại ngôi làng nằm giữa khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, trong diện tích này đã có nhiều nhà kiên cố của người giàu đã bỏ chạy vì loạn lạc. Sau đó người Pháp xây thêm các khu bệnh, tăng số giường và trở thành Bệnh viện Chợ Quán.
Ngày 13/2/1861, bệnh viện khai trương và đón 197 bệnh nhân bị sốt, ghẻ, hoa liễu cùng thương binh liên quân Pháp - Tây Ban Nha sau khi đánh đại đồn Kỳ Hòa (ngày 24-25/2/1861). Sau đó là thương binh của các trận đánh Sài Gòn - Gia Định và Nam bộ. Ngày 10/2/1862, bệnh viện đặt dưới sự điều hành của Hải quân thực dân Pháp. Đến ngày 1/1/1864, bệnh viện được giao cho chính quyền thời bấy giờ quản lý.
Từ năm 1862-1875, bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân hoa liễu và tù nhân bị bệnh. Từ năm 1876-1904 bệnh viện được sửa chữa và xây thêm, ngoài 110 giường cho người tù bị bệnh, 20 giường dành cho bệnh nhân hoa liễu, bệnh viện được bổ sung 6 phòng bệnh truyền nhiễm, phòng phẫu thuật và phòng sinh.
Năm 1901, lớp nam y tá đầu tiên của cả nước được mở ra tại Bệnh viện Chợ Quán. Từ năm 1904-1907, có thêm khu điều trị tâm thần và trở thành Trung tâm Huấn luyện Y khoa. Khi Trường Y khoa Đông Dương được thành lập tại Hà Nội năm 1908, thì bệnh viện ngưng công tác huấn luyện và trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần.
Từ năm 1954-1957, bệnh viện làm nơi điều trị bệnh lao cho quân lính, đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, đổi lại tên Bệnh viện Chợ Quán, điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, tiếp nhận lại sinh viên thực tập chuyên khoa tâm thần.
Đến năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích 12.126m2 do quân đội Hàn Quốc thực hiện. Tháng 3/1974 bệnh viện khánh thành, đổi tên là Trung tâm Y khoa Hàn - Việt, tăng thêm 550 giường và cùng với cơ sở cũ điều trị các bệnh: truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng, khu phẫu thuật 4 phòng được trang bị hiện đại. Thời điểm đó, bệnh viện được ví như “Trung tâm Y tế toàn khoa mới và hiện đại bậc nhất miền Nam Việt Nam”, được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường Đại học Y khoa và các chương trình huấn luyện của Bộ Y tế chính quyền chế độ cũ.
Di tích lịch sử cấp quốc gia trong lòng bệnh viện
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu chúc mừng: “Năm 2021, TP trải qua đợt dịch Covid-19, các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã căng mình làm hết trách nhiệm người thầy thuốc. Năm 2022 lại có dịch bệnh sốt xuất huyết với diễn biến phức tạp, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng bệnh viện vẫn giữ vững vị thế đầu ngành về điều trị bệnh truyền nhiễm ở phía Nam. Nhiều năm liền, bệnh viện luôn đứng trong 10 bệnh viện có chất lượng tại TP, luôn đảm bảo đời sống của tập thể y, bác sĩ và người lao động”.
Cũng theo ông Dương Anh Đức, bệnh viện không những lâu đời nhất Việt Nam, mà còn là bệnh viện duy nhất có Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Khu Trại giam trong lòng bệnh viện. Nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị, đặc biệt thực dân Pháp đã từng giam giữ Tổng Bí thư Trần Phú tại đây. Mặc dù bị giặc tra khảo nhưng Tổng Bí thư Trần Phú vẫn giữ khí tiết người cộng sản cho đến lúc hy sinh vào ngày 6/9/1931, với câu nói: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu”.
“Hiện nay TP đang gấp rút trùng tu, chuẩn bị mở Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Khu Trại giam, vào đúng ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú vào năm 2024. Bệnh viện cũng đang chuẩn bị xây dựng, cải tạo mới. Mong rằng khu di tích này luôn là niềm tự hào của người dân TP nói chung, của y bác sĩ và người lao động tại bệnh viện nói riêng. Lãnh đạo và Nhân dân TP luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của thầy thuốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ. Nhân kỷ niệm 160 năm thành lập bệnh viện, tôi tin rằng các thầy thuốc luôn giữ niềm tự hào là người lao động tại bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam, luôn giữ tâm thế vững vàng, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Nhà thương Chợ Quán, của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới”, ông Dương Anh Đức phát biểu.
Nơi giam giữ các nhà lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, ngoài việc có di tích lịch sử Khu trại giam, từng là nơi giam giữ Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), nơi đây còn giam giữ nhiều nhà cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi…
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Ngày 1/5/1975 bệnh viện lấy lại tên Chợ Quán, sau đó đổi tên thành Trung tâm Sức khỏe tâm thần vào năm 1976. Đến tháng 8/1988, toàn bộ khu vực điều trị bệnh phong được chuyển về Bệnh viện Da liễu TP. Từ tháng 8/1979, bệnh viện chuyên về trị bệnh truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Năm 1989, UBND TP Hồ Chí Minh đổi tên bệnh viện thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trực thuộc Sở Y tế. Ngày 10/10/1996, bệnh viện được xếp hạng loại I chuyên khoa sâu về bệnh truyền nhiễm của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đến ngày 19/8/2002, UBND TP quyết định đổi tên thành Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và khánh thành khoa xét nghiệm cao. Hiện nay bệnh viện có trên 500 giường bệnh, là trung tâm phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm phía Nam, có 763 y bác sĩ và người lao động với trình độ chuyên sâu.
“Năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, bệnh viện trở thành nơi điều trị, đặc biệt điều trị thành công ca bệnh 91 là phi công người Scotlen, giúp khống chế dịch Covid-19. Tháng 4/2021, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, bệnh viện chuyển hẳn sang chuyên trị các ca nhiễm nặng Covid-19. Mới đây vào tháng 9/2022, khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiếp nhận điều trị, cắt đứt nguồn lây nhiễm ngay từ cửa khẩu”, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, nói.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, bệnh viện là nơi đào tạo chuyên ngành truyền nhiễm ở Việt Nam, là đối tác uy tín đáng tin cậy đối với các tổ chức y tế hàng đầu của thế giới. Từ năm 2010-2020, các chuyên gia của bệnh viện cùng chuyên gia nước ngoài công bố 1.376 bài báo khoa học (sốt rét, sốt xuất huyết, cúm H5N1, cúm A, dịch hạch, dịch tả, thương hàn, sán lá gan, viêm màng não, nhiễm viêm cầu lợn, uốn ván, viêm gan siêu vi, dịch Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ…) trên các tạp chí có tiếng của thế giới.
Bệnh viện có 10 phòng chức năng, không ngừng phát triển các trang thiết bị hiện đại, giảm tỷ lệ tử vong từ 30% xuống còn 15%, rút ngắn điều trị sốt rét từ 14 ngày xuống còn 5 ngày, giảm tỷ lệ uốn ván xuống còn 5%-7%.
Đơn vị Anh hùng Lao động
Khi căn bệnh thế kỷ AIDS xuất hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi điều trị căn bệnh này cho toàn miền Nam và tiếp nhận chữa trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, lúc đó mỗi năm có hơn 160 trường hợp y bác sĩ của bệnh viện bị phơi nhiễm nhưng không ai nản chí. Nhờ vào những cống hiến của tập thể y bác sĩ trong quá trình hoạt động, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2014.
Nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập, Hội đồng “Xác lập kỷ lục Việt Nam” cũng trao quyết định công nhận Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử.