Đúng như ông Lê Doãn Hợp, nguyên Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam: bản chất của Chuyển đổi số là sự thay đổi một cách nền tảng căn bản và toàn diện cả một tổ chức. Điều đó không thể bắt đầu từ cán bộ, chuyên viên cũng không thể từ một phòng, ban được mà phải từ người lãnh đạo cao nhất. Chỉ có người lãnh đạo cao nhất mới biết được đơn vị mình cần phải chuyển cái gì, đổi cái gì, chuyển đi đến đâu, đổi cái gì và đổi sang thành cái gì.
Đi sớm
Nói đến Chuyển đổi số trong ngành Y tế người ta sẽ nghĩ nhiều đến 5 bệnh viện hạng đặc biệt gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, đối với những bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đức Giang luôn tự hào khi bệnh viện có số lượng bệnh nhân đăng ký khám Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc.
Tại đây, đã sử dụng hệ thống PACS (lưu trữ và truyền hình ảnh y tế) trong X-Quang, thông báo kết quả xét nghiệm online; đặt lịch khám online, đăng ký khám bệnh bằng Face ID và căn cước công dân (CCCD). Điều này đã giúp thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện chỉ còn 1,5 giờ thay vì 3 giờ như trước đây.
Thành công của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang bắt đầu từ việc Ban Giám đốc nơi đây nhận thức sâu sắc rằng chuyển đổi số là chìa khoá giải quyết nhiều vấn đề: giảm sức lao động; hỗ trợ bệnh nhân trong khám chữa bệnh, đặc biệt là giúp Bệnh viện đánh giá được quy trình nào tốt nhất để thực hiện; giúp hạch toán tốt hơn, khi minh bạch số liệu, biết rõ giá trị từng công việc; đánh giá đúng từng vị trí, từ đó quản trị tốt hơn, tiết kiệm chi phí. Vì thế, Ban Giám đốc quyết tâm thực hiện và tuyên truyền để tất cả CBCNV thấu hiểu và đồng lòng.
Theo TS.Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang: công cuộc chuyển đổi số tại bệnh viện lấy lợi ích bệnh nhân làm thước đó, cái gì lợi cho người bệnh thì ưu tiên làm trước, vấn đề đặt lịch hẹn khám là công việc cần giải quyết đầu tiên.
Để đảm bảo việc tiếp đón và khám đúng hẹn, bệnh viện tích hợp 3 trong 1 vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS): Hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng Autocall; kết nối HIS-Tổng đài; tự động chuyển từ Text sang Voice và gọi điện cho bệnh nhân; đăng ký khám chữa bệnh qua tổng đài. Số hóa đã cho phép bệnh viện chuyển đổi linh hoạt giữa quy trình tiếp nhận người bệnh: khám theo hẹn và khám thông thường. Đến nay, hơn 80% người bệnh đến khám đúng hẹn.
Từ 2021, trong thời điểm dịch Covid-19, bệnh viện đã tổ chức tiếp đón người bệnh qua Face ID, nhanh gọn và thuận tiện việc đăng ký khám mất chưa đến 1 phút, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân vì thế mỗi ngày, hiện nay mỗi ngày bệnh viện có khoảng 800 - 900 bệnh nhân đăng ký khám qua Face ID và CCCD, chiếm trên 40% số bệnh nhân. Với 6 thiết bị quét CCCD tại 6 bàn tiếp đón, tỉ lệ bệnh nhân đăng ký qua thẻ CCCD chiếm 20-25%% số bệnh nhân khám trong ngày.
Không thanh toán tiền mặt
Đã từ lâu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là cơ sở y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh không dùng tiền mặt thuận tiện cho bệnh nhân, lại giảm tải cho nhân viên. Bệnh viên số hoá quá trình thanh toán hồ sơ của bệnh nhân đều được các khoa, phòng giải quyết ngay khi kết thúc khám, không dồn về buổi chiều như trước. Quy trình thanh toán online chỉ mất 13 bước, giảm 11 bước so với quy trình thanh toán offline là 24 bước, tức là giảm 42% quy trình.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là bệnh viện công đầu tiên thực hiện thông báo kết quả xét nghiệm online cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện đã triển khai hệ thống PACS, ứng dụng AI, trong chụp X-quang, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Hệ thống sẽ tự động nhắn đường links, tài khoản và mật khẩu vào điện thoại của bệnh nhân khám ngoại kết quả khám. Khi đó người bệnh chủ động quay lại phòng khám để bác sĩ đọc kết quả hoặc có thể tự xem kết quả. Thông tin các lần xét nghiệm đều được bệnh viện lưu trữ phục vụ cho những lần nhận sau.
Cách đây 3 năm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã sử dụng hệ thống PACS trong chụp X-Quang. PACS là thuật ngữ viết tắt của Picture Archiving and Communication Systems nghĩa là hệ thống truyền và lưu trữ hình ảnh. Sử dụng PACS khi bệnh nhân chụp X-Quang có kết quả, hệ thống sẽ chuyển về các phòng khám, khoa điều trị, giúp việc chẩn đoán và can thiệp sớm. Hệ thống PACS giúp cho bệnh viện có thể thay thế hoàn toàn các bản in ra giấy, nâng cao chất lượng trong việc khám và chữa bệnh. Việc lưu trữ hình ảnh dưới định dạng Dicom giúp cho các bác sĩ có thể dễ dàng chia sẻ, quản lý và tiết kiệm chi phí in phim khoảng 3 tỷ đồng/năm.