Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bệnh viện sẵn sàng ứng trực dịp Tết

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đến. Khi người dân nơi nơi sum vầy bên gia đình đón Tết thì có biết bao cán bộ, y, bác sĩ trên cả nước vẫn miệt mài chống dịch Covid-19, trực chiến các điểm nóng. Hiện, các bệnh viện đã sẵn sàng ứng trực, phục vụ bệnh nhân dịp Tết.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.

Sẵn sàng phục vụ bệnh nhân

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội vẫn gia tăng, gần 3.000 ca/ngày. Hiện nay, các bệnh viện tầng 2, 3 đã sẵn sàng ứng trực dịp Tết.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh), những ngày cận Tết, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cho biết, hiện cả 500 giường bệnh luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Chính vì vậy, ngày thường cũng như ngày Tết, bệnh viện phải duy trì đủ nhân lực. Hiện có khoảng 500 cán bộ, nhân viên y tế của viện và các đơn vị hỗ trợ từ Đại học Điều dưỡng Nam Định, Hưng Yên, Cao đẳng y tế Bạch Mai đang ngày đêm điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tầng 3 tại Trung tâm Hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc này.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, do số lượng bệnh nhân nặng phải nhập viện ngày càng nhiều nên bệnh viện hiện đang thiếu nhân lực điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Trước đây, khi chưa có dịch, các y, bác sĩ có thể được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Nhưng từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, nhiều nhân viên y tế chẳng biết Tết là gì.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang có hơn 300 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đang điều trị. Số bệnh nhân phải thở máy, lọc máu là hơn 20 ca, mỗi ngày có khoảng 7 trường hợp F0 mới được chuyển vào đây. Số còn lại là các bệnh nhân tiên lượng nặng, nặng, phải hỗ trợ thở oxy gọng kính, oxy dòng cao (HFNC).

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sẽ điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân tầng 3. Để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngoài việc chuẩn bị nhân lực gồm 150 thầy thuốc trực tiếp điều trị, chăm sóc toàn diện cho các F0 này, sẽ có khoảng 50 nhân viên y tế khác hỗ trợ. Số cán bộ y tế chuẩn bị cho điều trị bệnh nhân Covid-19 chiếm hơn 25% tổng số nhân viên toàn viện.

“Để chuẩn bị cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 dịp Tết, bệnh viện chia thành 2 tua trực, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp và trực "một mạch" xuyên Tết. 2/3 trong số 200 nhân lực phục vụ điều trị Covid-19 dịp Tết này là cán bộ xung phong. Hơn 50% lãnh đạo các khoa, phòng cũng tự nguyện xin ở lại viện qua Tết để đồng hành cùng anh chị em. Từ tháng 5/2021 đến nay, bệnh viện đều tự lực cánh sinh, gồng mình lên để chăm sóc, điều trị, cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể” - TS Nguyễn Văn Thường cho hay.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện có 3 cơ sở, trong những ngày Tết sẽ có 2 cơ sở hoạt động, đó là một cơ sở chính điều trị tất cả bệnh lý về sản phụ khoa và một cơ sở dành những giường bệnh để điều trị cho những thai phụ bị nhiễm Covid-19.

Trong những ngày Tết, bệnh viện cũng bố trí chu đáo các bữa ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng, tổ chức chúc Tết đến người bệnh và cán bộ nhân viên… Để đảm bảo công tác chăm sóc thường xuyên, liên tục của người bệnh trong dịp Tết, bệnh viện đã cắt cử đội ngũ y bác sĩ đảm bảo đủ số lượng phục vụ bệnh nhân 24/24h.

Ngoài ra, bệnh viện vẫn duy trì việc Ban Giám đốc tham gia trực trong tất cả các ngày Tết. Bệnh viện đã lên các phương án phân công bác sĩ trực ở tất cả các khoa phòng, đồng thời cử một kíp trực cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng ứng cứu người bệnh trong tình huống cần thiết.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, Sở đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; các cơ sở y tế nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị, đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.

Trong những ngày nghỉ Tết, các đơn vị phải phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả, đồng thời niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.

Quyết liệt giảm ca tử vong

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, TP vẫn tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, trọng tâm ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân với các hoạt động như: Giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà…

“Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Y tế lên phương án sẵn sàng ứng phó với trường hợp có 100.000 ca F0 tại TP. Với phương án đó, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và phân tầng điều trị. Bởi điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với F0 khi phát hiện là phải nhanh chóng phân tầng bằng phần mềm quản lý F0 tại nhà” - TS Nguyễn Đình Hưng thông tin.

Hiện, Hà Nội đang chia làm 3 tầng điều trị. Riêng tầng 3 dành điều trị cho các trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, Sở Y tế đã bố trí 1.000 giường tại các bệnh viện đa khoa TP gồm: Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; Bệnh viện Sơn Tây. Đây là những tầng điều trị hồi sức tích cực bệnh nặng có thể thở máy, lọc máu,…để cứu sống người bệnh.

Để hạn chế việc chuyển tầng, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, Hà Nội đã có nhiều chiến lược cụ thể. Đơn cử như, chiến lược điều trị Covid-19 của Hà Nội trong giai đoạn này là đánh chặn từ tầng thứ nhất. Vì vậy tất cả bệnh nhân khi được phân vào tầng thứ nhất được quản lý, chăm sóc, theo dõi trên hệ thống phần mềm. Đặc biệt, nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, UBND TP Hà Nội đã làm việc với Bộ Y tế, các bệnh viện Trung ương bộ ngành trên địa bàn và các bệnh viện Hà Nội.

“Hà Nội đã xây dựng bộ quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế, bệnh viện Trung ương trên địa bàn cùng tham gia vào phòng, chống dịch trong giai đoạn này. Và các bệnh viện tuyến Trung ương cũng sẵn sàng chuẩn bị cơ số giường điều trị tầng 2, tầng 3 để đáp ứng công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trong hệ thống y tế đã tổ chức ứng trực đường dây nóng, cũng như tổng đài 1022 để hỗ trợ tất cả những trường hợp người dân cần giải đáp thắc mắc. Sở Y tế cũng đã phân vùng cho 4 bệnh viện đa khoa hạng 1 chỉ đạo tầng 3 sẽ chỉ đạo toàn diện các bệnh viện đa khoa hạng 2 theo khu vực được phân công cũng như trung tâm y tế quận huyện…”- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ.

Để sẵn sàng cho công tác khám cấp cứu, điều trị bệnh nhân những ngày Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chống dịch, phương tiện cấp cứu… Đồng thời nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19.

Dịp Tết Nguyên đán, các đơn vị cần có các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là đối với các y, bác sĩ, người tham gia công tác phòng, chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị Covid-19...

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế có kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.

Bộ Y tế sẽ kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết.