Bệnh viện tư đang gặp nhiều khó khăn

Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở các nước phát triển, khoảng 85% số bệnh viện và cơ sở y tế do tư nhân đầu tư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người ta không có khái niệm bệnh viện tư hay bệnh viện công mà chỉ có khái niệm bệnh viện do ai đầu tư mà thôi, biển hiệu cũng không có bệnh viện tư nhân như chúng ta. Việc này tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển với cùng chung một tiêu chí, một quy trình và một phương thức kiểm soát của Nhà nước đề ra.

Hiện nay như chúng ta thấy, cứ 5 vụ việc tiêu cực xảy ra ở bệnh viện công mới có một vụ việc tiêu cực xảy ra ở bệnh viện tư. Vấn đề đáng nói là ở đây, ngay cả người lãnh đạo quản lý hay bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và dư luận hãy hết sức công bằng với bệnh viện tư. Có như thế, nền y tế nước nhà mới phát triển được, đừng suy nghĩ như thời bao cấp: Chỉ có bệnh viện công là tốt còn các cơ sở y tế tư nhân là “chặt chém”, là xấu xa…

Một số bệnh viên tư nhân làm ăn thua lỗ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận, tiềm lực kinh tế không bảo đảm. Bởi vì đầu tư vào bệnh viện là đầu tư lâu dài đòi hỏi phải nhiều vốn, hạn chế tối đa vay mượn, thuê mướn mặt bằng hay trang thiết bị.

Một mặt khác như chúng tôi đã nói ở trên, tư tưởng trọng y tế công, coi thường y tế tư nhân đang phổ biến trong tư duy của nhiều người. Ngay như lực lượng truyền thông cũng vậy, một trường hợp điều trị thành công tại bệnh viện công lập họ sẵn sàng đăng tin cho mọi người biết ngay, trong khi đó một trường hợp tương tự ở bệnh viện tư nhân thì hoàn toàn không được đăng vì cho rằng đó là quảng cáo trá hình.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa đó chính là chính sách xã hội hóa và việc thực hiện không đúng cách của nó đã góp phần khiến các bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân khó tồn tại và phát triển.

Theo nhận xét của nhiều người, việc sử dụng tài sản công, nhân lực công, thương hiệu có từ lâu đời… để kinh doanh mà không phải toàn bộ lợi nhuận đều chia sẻ cho mọi người là không hợp lý. Đây là vấn đề tế nhị nhưng theo chúng tôi biết, nếu quản lý không tốt thì lợi nhuận “xã hội hóa” chỉ rơi vào túi một số người và thực tế cũng không giải quyết gì được cho tình trạng quá tải của bệnh viện.

Chúng ta thử nghĩ: Cũng bằng ấy diện tích, bằng ấy nhân lực ấy thì số người này được phục vụ tốt, mổ sớm hơn, nằm một mình rộng hơn thì những người khác sẽ bị mổ trễ hơn, nằm hai nằm ba trong một giường, chật chội hơn mà thôi.

Tuy nhiên, theo tâm lý và lo lắng về bệnh tật, mọi bệnh nhân vẫn đổ về các bệnh viện công vì có thương hiệu sẵn có mặc dù giá cả của dịch vụ xem ra không hề rẻ hơn bệnh viện tư và thế là bệnh viện tư sống ngắc ngoải, thậm chí đóng cửa gây lãng phí rất lớn về tiền bạc và cơ sở vật chất. Có người còn nói: Với tình hình này, bệnh viện tư còn sống ngắc ngoải nhưng với các phòng khám tư thì thực tế còn bi đát hơn...

Mong cơ quan chức năng lưu tâm, vì cơ sở y tế nào cũng có mục đích chung là chăm lo sức khỏe cho mọi người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần