Bệnh viện vắng bóng bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại bệnh viện (BV) đa khoa Hà Đông vắng bóng các bệnh nhân tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, khoa Cấp cứu của BV không ồn ào như mọi khi. Nếu trước đó, số lượng bệnh nhân cấp cứu thường là 130-150 bệnh nhân/ngày nhưng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực với mức phạt cao, có tính răn đe lớn thì những bệnh nhân cấp cứu (TNGT, đánh nhau, ngộ độc) liên quan đến rượu bia giảm nhiều.
 Khoa Cấp cứu- BV đa khoa Hà Đông vắng bóng các bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.
Bác sĩ Phạm Ngũ Hiển- khoa Cấp cứu cho biết, khi bệnh nhân bị TNGT nhập viện, để xác định bệnh nhân có sử dụng rượu bia hay không, các bác sĩ thực hiện đo nồng độ cồn trong máu. Trước đây, khoa Cấp cứu thường tiếp nhận 10-15 ca/ngày do TNGT liên quan đến bia rượu. Đặc biệt thời điểm dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, số lượng bệnh nhân TNGT tăng vọt. Nhưng hiện chỉ còn khoảng 1-2 ca/ngày, còn lại là các bệnh nhân gặp tai nạn do nguyên nhân khác. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các năm trước.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Quang Phú - Phụ trách đơn nguyên ngoại thần kinh lồng ngực cho biết, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng, lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến các TNGT giảm 70%, chỉ còn 30% trường hợp ngã xe liên quan đến rượu bia vào viện. 
 Bác sĩ khoa Nội tim mạch, lão học, BV đa khoa Hà Đông khám cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Phú, tính đến hết ngày 10/1, khoa đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị chấn thương sọ não liên quan đến rượu bia.  Trong đó, có bệnh nhân bị chấn thương sọ não khá nặng nhập viện do TNGT sau khi uống rượu trong buổi giao lưu tổng kết cuối năm. Tuy nhiên, hiện tại bệnh nhân đã ổn định. Dự kiến, tuần sau, các bệnh nhân sẽ được xuất viện. “So với trước đây, con số này không dừng lại ở đây, thậm chí gấp nhiều lần lượng bệnh nhân nhập viện. Nhưng từ khi Nghị định 100 được áp dụng, công việc chuyên môn của các bác sĩ tại khoa “nhàn” hơn bởi số bệnh nhân liên quan đến TNGT có sử dụng rượu bia giảm tương đối nhiều”-bác sĩ Phú chia sẻ.
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Toản- Trưởng khoa Chấn thương- chỉnh hình, trong tuần qua, khoa không có nhiều bệnh nhân, những ca cấp cứu hàng loạt nhập viện liên quan đến rượu bia. Trước đó, cứ mỗi một ngày, khoa tiếp nhận 2-3 ca bệnh bị TNGT (với mức tổn thương phối hợp; gãy chân kết hợp với gãy đùi; gãy chân kết hợp với chấn thương sọ não hoặc gãy nhiều xương) do rượu bia. Nhưng sau khi có Nghị định 100, tỷ lệ bệnh nhân giảm rất rõ (về số vụ tai nạn và tổn thương).
 Bác sĩ khoa Chấn thương-chỉnh hình, BV đa khoa Hà Đông khám cho bệnh nhân.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoa tiếp nhận 8 ca bệnh nhưng số lượng bệnh nhân liên quan đến rượu bia và do tai nạn hầu như không có trường hợp nào.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Toản cũng cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, dịp gần Tết, lượng bệnh nhân nhập viện rất đông, một ngày khoa tiếp nhận hơn 10 ca bệnh, tuy nhiên,  nay giảm chỉ còn 20-30%, tùy thuộc vào mức độ. Hiện tại, khoa có 2 bệnh nhân bị TNGT (đều đã phẫu thuật), dự kiến, tuần sau, 2 bệnh nhân sẽ được xuất viện về ăn Tết cùng gia đình.
“Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội cũng như giảm tải áp lực cho ngành y tế, giảm mức độ tổn thương, đảm bảo an ninh trật tự. Bởi các ca bệnh liên quan đến rượu bia trước kia, thường nhập viện hàng loạt cùng người nhà đến trong tình trạng vẫn còn hơi men, gây mất trật tự tại khoa, BV. Nếu Nghị định 100 được thực hiện nghiêm túc, duy trì tốt, sẽ đem lại lợi ích rất lớn và làm giảm các vụ TNGT hoặc giảm các nguyên nhân xã hội khác. Điều này cũng giúp ý thức, nhận thức của người dân được nâng cao hơn cũng giúp cho ngành y giảm bớt gánh nặng về việc chăm sóc và điều trị”- Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Toản nhấn mạnh.
 
Bác sĩ Toản cũng cho biết thêm, những năm trước đó, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc methanol (rượu giả) tăng cao. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, tuyên truyền nên hiện tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu đã giảm hẳn so với năm trước. Các bác sĩ cảm thấy yên bình hơn. “Tuy nhiên, dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều nơi xuất hiện các loại rượu không rõ nguồn gốc, nhiều loại rượu có độc tính mà người dân không biết rõ. Để giảm bớt những yếu tố nguy hại của rượu bia, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng”- bác sĩ Toản lưu ý.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để tránh rượu giả, người dân nên hỏi rõ nguồn gốc nơi sản xuất, độ tin cậy cao thì mới dùng và dùng trong mức độ theo ngưỡng của từng người, không nên uống quá nhiều. Ngày Tết, người dân không nên chúc tụng nhau hay đặc biệt, không nên ép uống rượu bia, rất nguy  hiểm. Rượu bia không phải là không tốt, quan trọng uống rượu bia như thế nào? Khi uống rượu bia, người dân không nên tham gia giao thông để tránh những hậu quả khôn lường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần