Bệnh Whitmore: Khó gây thành dịch nhưng rất nguy hiểm

Nhật Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, trên cả nước liên tiếp có nhiều bệnh nhân mắc Whitmore nhập viện khiến người dân hoang mang, lo lắng.

 Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư – GS.TS Nguyễn Văn Kính
Liệu bệnh có lây từ người sang người và gây thành dịch hay không? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư – GS.TS Nguyễn Văn Kính xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, bản chất của bệnh Whitmore là gì và sự nguy hiểm của bệnh ra sao?
- Whitmore là một bệnh nhiễm trùng, vi khuẩn Whitmore có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương.
Khi xâm nhập vào cơ thể, loại vi khuẩn này có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2 - 21 ngày nhưng nguy hiểm ở chỗ, khi khởi phát, bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện.
Bệnh có lây từ người sang người và gây thành dịch không, thưa ông?
- Một số nghiên cứu cho thấy có thể nhiễm bệnh khi ăn thức ăn có vi khuẩn Whitmore. Chưa có bằng chứng về lây bệnh giữa người với người hoặc lây từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, các ca bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch nhưng bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề.
Bệnh thường gặp ở những người lao động có tiếp xúc với bùn, đất, có các vết thương hở trên cơ thể, vi khuẩn xâm nhập vào và tấn công gây những tổn thương nặng nề tại chỗ, thậm chí tổn thương vào phổi hay gây nhiễm trùng huyết.
Khi vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện của người mắc bệnh ra sao?
- Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore thường sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật. Nếu nhiễm trùng phổi gây viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng, người bệnh có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung.
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Khi nhiễm trùng trên da sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.
Whitmore được coi là "kẻ mạo danh" vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc dịch não tủy.
Ông có thể cho biết những trường hợp nào dễ mắc bệnh và cách phòng tránh?
- Người có nguy cơ nhiễm Whitmore nhiều nhất là những người thường xuyên tiếp xúc với bùn, đất, người có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mạn tính về phổi và thận.
Đáng cảnh báo là bệnh điều trị hết sức khó khăn và phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.
Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.
Để phòng bệnh, chúng tôi khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính cần hết sức đề phòng. Khi phát hiện thấy có những dấu hiệu của bệnh, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm.
Hiện nay, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn, đất.
Xin cảm ơn ông!