Bí ẩn Công ty cung cấp thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 21/9/2015 có bài viết: “Bữa cơm tội nghiệp của...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 21/9/2015 có bài viết: “Bữa cơm tội nghiệp của công nhân DAFCO” phản ánh tình trạng bữa ăn của công nhân Công ty CP giày Đông Anh (DAFCO) bị bớt xén. Không chỉ bớt xén suất ăn của công nhân, lãnh đạo DAFCO còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi hợp thức hóa nguồn thực phẩm nhập vào công ty bằng những hóa đơn VAT của một công ty “bí ẩn”.

 
Thức ăn dành cho 6 công nhân tại DAFCO.
Thức ăn dành cho 6 công nhân tại DAFCO.
Qua tìm hiểu, các thực phẩm từ nhiều ngồn bán lẻ đã vào bếp ăn của DAFCO được hợp thức hóa dưới hóa đơn VAT của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thắng Bình (Đăng ký trụ sở tại thôn Đồng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, gọi tắt CT Thắng Bình)… Theo đăng ký, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thắng Bình có mã số thuế: 2300748431. Địa chỉ: Thôn Đồng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Đại diện pháp luật: Giám đốc Lê Khắc Thắng - Ngày cấp giấy phép: 10/08/2012. Ngày hoạt động: 20/08/2012 - Điện thoại: 0914565093 (chúng tôi đã gọi nhiều lần nhưng không liên lạc được).

Khi chúng tôi về địa phương đóng trụ sở của Công ty Thắng Bình xác minh, ông Trương Văn Thưởng - Trưởng thôn Đồng Thôn, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh ngạc nhiên: “Tại thôn Đồng Thôn, chúng tôi chưa bao giờ biết đến Công ty Thắng Bình nào cả”. Ông Đào Trường Sơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Tiến cho biết: “Công ty THHH Thắng Bình có đăng ký trụ sở hoạt động tại đây trên giấy tờ và cũng  trên giấy tờ họ đăng ký 13 loại hình kinh doanh: Từ bán thực phẩm, nông, lâm sản đến tái chế phế hiệu, vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ… Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh chúng tôi không thấy có hoạt động gì của của công ty này tại địa phương. Trụ sở cụ thể của công ty này tại đâu cũng không ai biết”.

Tính riêng từ ngày 22/10/2014 đến 21/4/2015 (theo các tài liệu chúng tôi thu thập được), tổng số tiền mua thực phẩm mà DAFCO hợp thức hóa qua 30 hóa đơn VAT của Công ty Thắng Bình là hơn 1,9 tỉ đồng. Trong một năm (từ tháng 9/2014), tính từ khi công đoàn DAFCO chuyển quyền quyết định việc nhập thực phẩm sang cho giám đốc, tổng số tiền mà DAFCO chi ra mua thực phẩm cho bếp ăn công nhân là gần 20 tỉ đồng. Với việc hợp thức hóa thanh toán bằng hóa đơn của một công ty “bí ẩn” như Công ty Thắng Bình cần được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.