Tại phiên tòa, bị cáo Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn đã trả lời các câu hỏi của luật sư, Viện Kiểm sát để làm rõ về việc góp vốn buôn lậu xăng, số lượng xăng mua từ Singapore rồi nhập lậu vào Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước và bán sang Campuchia, số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu xăng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thanh Hữu đặt câu hỏi, cơ sở nào để tính ra tiền bị cáo lời 2.000 đồng/lít xăng nhập lậu? Hữu khai, tháng 7 - 8/2020, bị cáo bán hàng (xăng) sang Campuchia bị lỗ, cho đến tháng 11 - 12/2020 mới có lời một chút.
Lẽ ra phải tính theo cách tính của bị cáo là nguồn thu vào trừ các chi phí bôi trơn, nhân sự, tiền cước, tiền neo đậu, lai dắt tàu… trên số xăng nhập lậu. Tính ra mỗi lít xăng chỉ lời khoảng 1.500 đồng/lít, chứ không phải cách tính lời 2.000 đồng/lít xăng như cáo trạng.
Cũng theo bị cáo Hữu, đã vận chuyển 190 triệu lít xăng, nhưng chỉ có 127 triệu lít được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Số còn lại bán cho các đầu mối khác để đưa sang Campuchia tiêu thụ. "Chính vì vậy, việc xác định nguồn thu nhập bất chính trong vụ án này bị cáo chỉ thu lợi hơn 102 tỷ đồng" - bị cáo Hữu nói.
Về chi phí “bôi trơn”, luật sư hỏi Hữu chi cho ai? Bị cáo cho biết: “Chi phí “bôi trơn” là chi hàng tháng, bị cáo đưa cho Cường để chi “bôi trơn”. Còn chi cho ai thì bị cáo không biết”.
Trong khi đó, bị cáo Đào Ngọc Viễn cho rằng, sau khi góp vốn vào nhập xăng lậu với Phan Thanh Hữu, bị cáo không trực tiếp liên lạc với Hữu do mâu thuẫn. Nhưng Viễn không nắm được số lượng cụ thể trong từng chuyến hàng. Luật sư hỏi bị cáo cho biết tiền lời bao nhiêu/lít? Bị cáo Đào Ngọc Viễn đáp: “Căn cứ vào số tiền bị cáo nhận được, bị cáo xác định là tiền lời từ 1.500 đồng/lít đổ lại”. Viễn thừa nhận góp vốn 10% và nhận lợi nhuận bất chính từ hoạt động buôn lậu với số tiền khoảng 25 - 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này thấp hơn số tiền 46,7 tỷ đồng mà cáo trạng truy tố.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa được xác định là giúp sức cho Đào Ngọc Viễn trong đường dây buôn lậu xăng. Khoa trả lương, liên lạc với 2 thuyền trưởng tàu Pacific Ocean và Western Sea để nhập xăng lậu từ Singapore về Việt Nam, được hưởng lợi từ hành vi buôn lậu 100 triệu đồng.
Tại phiên tòa, Khoa thừa nhận vai trò của mình trong việc quản lý các thuyền trưởng, chỉ đạo việc điều tàu đi nhận xăng ở Singapore. Bản tự khai bị cáo nhận thức được hành vi tiếp tay buôn lậu và không tố cáo hành vi buôn lậu. Tuy nhiên, Khoa cho rằng trước khi bị bắt không hề biết bị cáo có hành vi tham gia vào đường dây buôn lậu.
Nhận thấy lời khai không đúng với cáo trạng đã nêu, đại diện Viện Kiểm sát đọc lại lời khai của Khoa. Theo đó, bị cáo Khoa khai nhận thức được hành vi buôn lậu. Bị cáo chỉ đạo cho thuyền trưởng chở xăng về Việt Nam là hành vi buôn lậu. Viện Kiểm sát cho rằng hành vi của bị cáo là giúp sức cho hành vi buôn lậu.
Đại diện Viện kiểm sát chất vấn bị cáo Khoa: “Lời khai trong quá trình điều tra hay lời khai trước tòa hôm nay là đúng?”. Thừa nhận bản khai trong bản cung là đúng, nhưng bị cáo Khoa lại cho rằng: “Bị cáo có nghi ngờ, nhưng bị cáo không bao giờ biết trước là hành vi của mình là buôn lậu”.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Khoa hỏi, bị cáo có tự viết những bản tự khai hay không? Bị cáo Khoa trả lời “không”. Bị cáo Khoa cho rằng, sau khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết là hành vi buôn lậu. Bị cáo khẳng định lại, trong những lời khai trước đó, trong quá trình điều tra có sự vận động nên bị cáo thừa nhận hành vi buôn lậu là sai.