Bi - hài hình ảnh sĩ tử vái lạy tấm biển giao thông tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trước kỳ thi THPT

bài Linh Anh, ảnh Duy Khánh - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào ngày 7 và 8/7 sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Vì phòng dịch covid-19, di tích chưa mở cửa nên 2 ngày cuối tuần (3 và 4/7) nhiều sĩ tử và người nhà không thể vào khu nội tư, liền đặt lễ cầu may tại bia Hạ mã (biển báo giao thông xưa) mà cứ ngỡ là miếu thiêng của di tích.

Theo các nhà nghiên cứu, bia Hạ mã đặt ở 2 đầu đường trước khi vào cổng di tích là biển báo giao thông – vốn xưa đặt trước các nơi quan trọng như phủ, miếu hay là nơi ngự của các quan cấp cao để những ai cưỡi ngựa khi nhìn thấy biển mà xuống ngựa, tỏ sự kính trọng với thần, vua, quan.

Thử vận may bốc đề, vái nhầm

Hà Nội trong 2 ngày cuối tuần, nhiệt độ  bên ngoài nhiều lúc lên đến hơn 40 độ C. Nóng hầm hập từ con đường nhựa hấp lên. Nhưng không ngăn được các sĩ tử từ khắp các vùng nội, ngoại thành Hà Nội kéo đến các di tích có truyền thống khoa bảng để thắp hương cầu may.

Thế nhưng, nhiều sĩ tử không biết ý nghĩa của công trình nên thi nhau đặt lễ, hương hoa trước tấm bia Hạ mã để cầu vận may trước mùa thi. Trước cảnh tượng này ông Nguyễn Công Khanh bày tỏ: ''Chẳng ai lại khấn biển giao thông bao giờ?. Còn về ngữ nghĩa thì đi thi mà Hạ mã thì sao ăn được. Thượng mã còn chưa ăn ai nữa là Hạ mã''

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ 6 giờ sáng ngày 3 và 4/7,  từng nhóm thí sinh cùng người nhà chen lấn trước song cửa di tích để vái vọng. Người cầm trên tay thông tin về ngày thi, địa điểm, số báo danh lẩm nhẩm khấn xin; có thí sinh lại mang các dạng bài trong đề cương để gieo bốc. Vượt hơn 20 kilomet bằng xe máy từ huyện Thường Tín lên Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào sáng 4/7, thí sinh Nguyễn Minh Giang chuẩn bị 10 tờ giấy nhỏ xinh xinh để trong một chiếc hộp màu nâu, trong hộp là 10 bài văn em đã ôn luyện. Sau một hồi khấn, Giang cùng bạn chọn bốc 2 tờ giấy và nhận được đáp án là bài “Vợ nhặt” và “Chiếc thuyền ngoài xa”. Nguyễn Minh Giang chia sẻ: “Em đã ôn luyện cả 10 bài văn theo đề cương thầy cô giao, nhưng với 2 bài thử bốc lần này em sẽ dành thời gian ôn luyện thêm với hy vọng đề văn năm nay vào những  bài mình đã bốc chọn”.

Nhiều sĩ tử mang đề cương ôn luyện, thông tin cá nhân để khấn vái cầu cúng, thử vận may

Di tích đóng cửa, không thể vào bên trong không gian thờ tự để cầu may, nhiều thí sinh và người nhà thí sinh mang hương, hoa thậm chí cả tiền vàng đến trước cổng di tích để khấn xin. Tại đền Ngọc Sơn, thí sinh và người nhà thi nhau đặt hương, hoa lên bút tháp, nhiều người không thể trèo lên chân bút nên cài ở các khe đá. Lực lượng bảo vệ di tích liên tục ra nhắc nhở, dọn dẹp để tránh mất mỹ quan. Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là hình ảnh mỗi người đứng bên một song sắt hàng rào trước cổng, tay với vào khu nội tự lầm rầm khấn vái. Điều lạ kỳ là sát hè đường cổng di tích có 2 bia Hạ mã, mặc dù Ban quản lý di tích đã đề tấm biển du khách không đặt hoa, đặt mã và đồ lễ tại bia Hạ mã. Nhưng số đông thí sinh đến đây vẫn thắp hương, vẫn khấn vái sì sụp.

Theo nhà báo Nguyễn Công Khanh: “Bia Hạ mã chỉ là biển báo giao thông – vốn xưa đặt trước các nơi quan trọng như phủ, miếu hay là nơi ngự của các quan cấp cao để những ai cưỡi ngựa khi nhìn thấy biển mà xuống ngựa, tỏ sự kính trọng với thần, vua, quan. Vậy ai lại khấn biển giao thông bao giờ?. Còn về ngữ nghĩa thì đi thi mà Hạ mã thì sao ăn được. Thượng mã còn chưa ăn ai nữa là Hạ mã”. Vì thấy nhiều người đặt lễ khấn vái tại bịa Hạ Mã nên thí sinh Vũ Kiều Thanh (Hai Bà Trưng) cũng đặt theo. Vũ Kiều Thanh bày tỏ: “Em cũng không biết đó là bia hay là miếu thờ. Nên khi đi qua cũng vái lạy để không thấy bất kính”.

Nét văn hóa đã biến đổi

Vào trước mỗi mùa thi, không chỉ có Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn mà ở rất nhiều điểm di tích mang tính thiêng khác như: Chùa Đậu (Thường Tín), đền Hoằng Xá (Quốc Oai)… đều đón đông đảo thí sinh về cầu may trước mùa thi.

Nét đẹp văn hóa về cầu may đã bị biến đổi do những hành động thiếu văn minh của các sĩ tử trước mùa thi

“Xưa hay nay thì câu chuyện tâm linh, cầu may của các sĩ tử trước các kỳ thi quan trọng vẫn luôn tồn tại. Đó là một nét tín ngưỡng, văn hóa của nước ta, đã có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, phong tục cầu may của các sĩ tử thời xưa trước các kỳ thi lớn đã có nhiều thay đổi so với thời nay. Các sĩ tử xưa tìm tới hàng bia Tiến sĩ, đọc kỹ những dòng chữ trong nội dung văn bia với các lời nhắc nhở, khuyến khích, động viên. Họ chỉ đọc các tấm bia để cảm nhận, suy ngẫm ý nghĩa, thông điệp tinh thần mà người xưa gửi gắm, lấy đó làm động lực vươn lên noi theo gương các bậc tiền bối. Các sĩ tử nay đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ chăm chăm xoa đầu rùa lấy may, khiến 1 hàng rào sắt phải dựng lên để ngăn cản hành động ảnh hưởng đến di tích. Nhiều người đến cầu khấn, cố gắng thắp hương cả những nơi ban quản lý không cho phép, không hiểu phải làm gì, xin gì, di tích thờ phụng ai… Đó là những hành động đáng  phải lên án” – GS sử học Lê Văn Lan bày tỏ.

Hành động thiếu văn minh này đã lặp đi lặp lại nhiều năm, các cơ quan quản lý đã bố trí lực lượng nhắc nhở, truyền thông liên tục lên án nhưng việc cầu may trước mùa thi theo kiểu trào lưu vẫn chưa chấm dứt.

Một số hình ảnh sĩ tử vái vọng cầu may tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 4/7

Từ 6 giờ sáng, rất đông người nhà sĩ tử và các sĩ tử tập trung trước cổng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu may trước kỳ thi
Không chỉ nhét hương, đặt lễ qua song sắt
Nhiều sĩ tử còn đứng tràn cả xuống lòng đường, gây cản trở giao thông đi lại của người dân
Vàng hương sau lễ được gom đốt ngay tại gốc cây
Xe máy xếp hàng dài, lấn chiếm vỉa hè của người đi đường
Mặc dù cơ quan quản lý tăng cường nhắc nhở nhưng những hình ảnh không đẹp trước mùa thi vẫn thường xuyên diễn ra

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần