Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bi kịch chỉ vì vợ quá hung hăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu nổi điên lên, phang một gậy cho chuột chết tươi thì lọ cũng vỡ tan tành thì không khó, thậm chí ai cũng làm được.

KTĐT - Nếu nổi điên lên, phang một gậy cho chuột chết tươi thì lọ cũng vỡ tan tành thì không khó, thậm chí ai cũng làm được. Nhưng biết dùng mưu mẹo đuổi được chuột ra mà lọ quý vẫn còn nguyên mới khó và mới không bị tổn thất nặng nề.

Sự cố thường hay xảy ra với những gia đình có chồng thành đạt thời nay là chuyện không chung thủy. Đàn ông cứ làm ra nhiều tiền là có gái theo. Họ có muốn chung thủy cũng khó. Có thể hình dung kẻ thứ ba chen vào phá vỡ hạnh phúc gia đình mình giống như con chuột tự nhiên chui vào trong cái lọ bằng pha lê, báu vật nhà mình.
 
Nếu nổi điên lên, phang một gậy cho chuột chết tươi thì lọ cũng vỡ tan tành thì không khó, thậm chí ai cũng làm được. Nhưng biết dùng mưu mẹo đuổi được chuột ra mà lọ quý vẫn còn nguyên mới khó và mới không bị tổn thất nặng nề.
 
Một chị phát hiện ông chồng đang làm giám đốc có quan hệ bất chính với cô thư ký của anh. Vốn là một người không biết sợ ai, từ nhỏ sống trong gia đình đã không ai bảo được chị. Cha mẹ bận rộn không có thì giờ giáo dục con, vả lại có nói, con cũng cãi văng tê không nhận lỗi bao giờ nên buông một câu “đồ rắn mặt” rồi cho qua, đi làm việc khác. Càng lớn chị ta càng không coi ai ra gì, đánh nhau tay bo với anh chị em ruột. Khi đến trường cũng vậy, bạn bè, những người hiền lành tử tế không ai dám dây. May mà nhờ có nhan sắc hơn người nên mới 21 tuổi chị đã có người yêu rồi cưới. Sống với chồng, chị cũng không chịu kém, thậm chí nhiều lần to tiếng anh phải nín nhịn cho qua. Anh làm giám đốc chỉ huy cả trăm người nhưng về nhà được anh em bầu chọn là “hội trưởng hội sợ vợ”. 
 
Cho nên khi có “tay trong” mật báo chồng có bồ ở cơ quan, chị điên tiết lắm, toan tính kế hoạch làm một trận tơi bời khói lửa cho “con đĩ” biết tay, muốn đến đâu thì đến. Chị ta để ý theo dõi chồng đưa bạn gái đi ăn trưa, sau đó dẫn nhau vào một quán cà phê ngồi uống nước nói chuyện. Chị nấp trong bụi cây gần đó quan sát đến khi thấy chồng ân cần xúc thìa đường cho vào ly cà phê của cô ta, liền xông ra bắt “quả tang” và vừa nhảy vào đánh cô gái túi bụi vừa chửi bới tục tĩu ầm ĩ. Chồng can ngăn không được, không giữ được bình tĩnh, lấy hết sức đánh vợ một cái tát ngã ngồi phệt xuống đất rồi lấy xe đèo bạn gái phóng mất. Mấy hôm sau người chồng kiên quyết đưa đơn ly hôn.
 
Chị ta kêu khóc xin tha thứ không được bèn lấy điện thoại tư vấn nhưng hầu hết những trường hợp như thế không hàn gắn được.
 
Nếu nói có cách gì đem chồng “nộp” cho tình địch nhanh nhất là có lẽ câu trả lời chính là đánh ghen. Đó là chưa kể những người gây thương tích cho người khác và chính mình lại bị mắc vào vòng lao lý.
 
Một chị khác có ông chồng là trung tá trong quân đội. Nghe người ta đồn là chồng có nhân tình, chị tìm mọi cách đặt máy ghi âm nghe trộm được cuộc điện thoại giữa hai người. Cô kia hỏi vay chồng chị mấy triệu và anh nhận lời cho vay. Thế là máu ghen nổi lên, chị thừa lúc chồng đi công tác xa nhà mấy ngày, thuê hai tên “đầu gấu” đi kèm đến nhà cô kia ngồi thị uy để chị xông vào túm tóc tình địch đánh vùi đánh dập. Đến khi hàng xóm đến can thiệp thì ầm ĩ cả xóm. Chuyện đến tai chồng, anh tức tốc làm đơn ly hôn gửi ra tòa, ai can ngăn cũng không được. Vì theo anh, chỉ nhìn thấy mặt vợ đã khiếp, không thể tiếp tục chung sống thêm ngày nào nữa dưới một mái nhà. Có thể kể rất nhiều chuyện tương tự mà chúng tôi ghi được từ một trung tâm tư vấn hôn nhân. Không phải chỉ chuyện ghen tuông mà nói chung cách cư xử trong gia đình của những người vợ ấy, cứ nóng tiết lên là tung hê tất cả thường gây ra những hậu quả mà chính họ cũng không dự tính đến.
 
Họ chợt nghĩ ra cách gì cứ làm luôn, không cần suy nghĩ trước sau. Có chị cãi nhau với chồng, khi bố mẹ chồng can ngăn, chị điên tiết liền nói cả nhà chồng là “vô học”, là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”, khiến không chỉ gia đình nhà chồng mà cả họ hàng không ai chấp nhận được. Có chị nổi cơn thịnh nộ, đánh nhau với em dâu, vô tình lôi cả anh em nhà chồng vào cuộc hỗn chiến, om sòm cả làng trên xóm dưới.
 
Cả xóm biết anh Thịnh là người đàn ông nhu mì, tốt bụng, ít nói và có phần nhu nhuợc trước người vợ đáo để. Vì thực ra anh có nói gì cũng không lại, nên chỉ ngồi im chịu trận. Anh có hai người con một trai một gái đang học trung học. Vợ anh trước kia làm nhân viên bán hàng nhưng hay cãi nhau với khách nên bị cơ quan cho nghỉ việc. Từ đó, chị chuyển sang đi buôn hoa quả từ biên giới về. Kinh tế gia đình không đến nỗi nào, song là người đàn bà tham lam, hay so bì tị nạnh, thấy nhà khác giàu lên, chị lồng lộn ghen tức, quát nạt, xỉ vả chồng, đòi hỏi anh bằng mọi cách phải có nhiều tiền.
 
Có lần anh cự lại, thế là chị nổi điên vứt hết quần áo, đồ đạc của anh ra sân đuổi đi, còn lấy cái vỏ chai phang vào đầu anh chảy máu ròng ròng. Vì muốn sĩ diện, anh cứ âm thầm chịu đựng, sợ hàng xóm cơ quan chê cười. Đôi khi nhân lúc hiếm hoi được vợ vui vẻ, anh góp ý với chị đừng nên làm ầm ĩ mọi chuyện nhưng chị cho rằng không việc gì phải  giấu giếm. Nhìn ra xung quanh đấy, người ta cũng nghèo như mình nhưng bây giờ họ giàu có như thế nào? Là thằng đàn ông không thấy nhục à? Chị quát con là một lũ ăn hại cũng như thằng bố chúng mày thôi. Hình như nghe mãi thành quen, dây thần kinh tự trọng của anh bị đứt. Anh cứ ngồi im hút thuốc thản nhiên coi như không nghe thấy gì.
 
Đi sâu vào tìm hiểu người đàn bà này,có thể dễ dàng nhận thấy đa số họ xuất thân trong những gia đình có hiện tượng bạo hành. Có khi là người vợ chửi bới, quát mắng chồng suốt ngày, có khi là cảnh ông chồng nghiệp ngập, cờ bạc và về đòi tiền vợ không được, quay ra đánh vợ con như cơm bữa. Chính vì cha mẹ như vậy nên không đủ tư cách giáo dục con hoặc có nói chúng cũng không nghe, vì nói một đằng, chúng làm một nẻo. Trong gia đình thường xuyên có tính cãi nhau, mắng chửi nhau.
 
Bầu không khí gia đình ô nhiễm cứ từng ngày thấm vào đầu non trẻ của con trẻ khiến nó nghĩ rằng sống ở trên đời chỉ có “đanh đá cá cầy” mới tồn tại được. Còn hiền lành nhu mì thì thiên hạ coi thường, bắt nạt. Cho dẫu những người đó có học đến đại học hay cao hơn thì cái tính cách lăng loàn cũng vẫn ăn sâu trong tiềm thức họ, nếu có  thời cơ lập tức bùng lên. Nhưng những người đối với đồng nghiệp thì ngang ngược, với cấp trên thì tìm cách chống đối, với hàng xóm thì gây sự, với chồng con anh em, họ hàng thì đanh đá khiến nhiều người nghĩ “tránh voi chẳng xấu mặt nào” nên họ càng được thể hung hăng hơn.