Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bi kịch của nhà văn là dối trá"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Bi kịch của nhà văn là dối trá. Nhà văn phải phấn đấu thành một người viết chuyên nghiệp, sợ nhất biến mình thành một thành viên của quần chúng, thành nghiệp dư và dối trá", nhà văn Lê Lựu tâm sự.

Nhà văn Lê Lựu lại khóc. Từ cái độ ốm đau bệnh tật ông đâm ra hay khóc. Cứ đang nói chuyện, hễ động đến chuyện gì làm ông xúc động là ông lại khóc.

Khóc không kìm được nước mắt. Ông bảo bây giờ tôi cứ động tý là khóc. Tự nhiên khóc. Tự nhiên cười. Rất xấu hổ là cứ khi đang nói chuyện với người khác lại khóc. Rồi ông xin lỗi vì cái chuyện nước mắt cứ tự nhiên chảy ra. Ông nói rằng, ông bị bệnh nên không điều khiển được hành vi của mình nên cái hành vi khóc cũng vậy, nhiều lúc ông không điều khiển được. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi biết chuyện gia đình buồn của ông nên những lần gặp ông tôi không bao giờ chạm vào góc ấy. Nhưng Lê Lựu khóc vì còn trăn trở, còn lo lắng với thời cuộc. Ông khóc vì sức khỏe mình yếu quá không làm gì được nhiều cho cuộc sống còn nhiều ngổn ngang này, ông khóc vì tiếc thời gian cứ qua đi mỗi ngày.

Nhà văn Lê Lựu  sau 5 lần xuất huyết não, bây giờ chân đi còn run rẩy, phải có người dìu, giọng nói cũng không còn vững nữa, ông không tự viết được, nhưng năm nào ông vẫn đều đặn cho ra đời một cuốn tiểu thuyết mặc dù với ông viết văn là một việc vô cùng khó nhọc ngay cả khi ông còn khỏe. Chân tay ông đã chậm nhưng cái đầu ông thì vẫn linh hoạt, có lẽ bởi ông nghĩ nhiều. Nói đến sự dối trá, xuống cấp của văn hóa, Lê Lựu khóc! Nói đến chủ quyền lãnh thổ, Lê Lựu khóc! Nói đến quá khứ chiến trường, Lê Lựu cũng khóc! Và khi nói đến lòng nhân ái của con người, Lê Lựu lại khóc.
"Bi kịch của nhà văn là dối trá" - Ảnh 1
 
Tôi tin những giọt nước mắt của nhà văn Lê Lựu là những giọt nước mắt được vắt ra từ máu, nó chính là ngôn ngữ của cảm xúc được bật ra từ trái tim của một nhà văn luôn đau đáu nghĩ về thời cuộc, về con người. Nước mắt đắng chát và hạnh phúc. Nước mắt từ những trăn trở với bi ai của cuộc sống, chứ không phải những giọt nước mắt cứ tự nhiên chảy ra như ông nói!
- Thưa nhà văn Lê Lựu, rất mừng là thấy ông khỏe ra hơn nhiều so với đợt trước tôi gặp ông, da cũng sáng hơn và giọng nói đã vững hơn nhiều. Lịch năm 2012 đã xé đến tờ cuối cùng rồi. Một năm vừa qua đã qua đi với ông như thế nào?

- Với tôi có nhiều triển vọng về sức khỏe. Điều tôi lo nhất là sức khỏe. Sức khỏe  tôi năm qua đúng là đã khá khơn. Đó là điều tôi mong muốn nhất. Có sức khỏe khá hơn nên cũng thấy phấn khởi. Tôi xuất huyết não 5 lần được đến bây giờ là may. Năm nay không phải vào viện nhiều nữa, chỉ ở nhà uống thuốc, đi tập, thuê thầy thuố về uống thuốc nam và kết hợp xoa bóp.

- Năm vừa rồi cũng thấy ông ra một cuốn tiểu thuyết đấy chứ?

- 3 năm qua, năm nào tôi cũng ra một cuốn. Năm 2010 là “Thời loạn”. Năm 2011 là “Ở quê ngày ấy” và năm vừa qua là “Gã dở hơi”?

- “Gã dở hơi”, sao ông lại lấy tên tiểu thuyết như vậy, hình như lúc đầu ông định đặt một cái tên khác?

-  Vì thực tế có nhiều khi những người làm việc tốt lại bị cho là dở hơi. Quyển sách này tôi muốn nói  rằng dù hận thù bao nhiêu nữa cũng không nên hận suốt đời mà phải sống đại lượng, rộng lượng và biết tha thứ cho nhau. Muốn xóa bỏ hận thù chỉ có lòng tha thứ mới xóa bỏ được. Nếu như càng trả thù thì sự hận thù càng dày lên, càng hận thù hơn.

- Vâng, nhưng hình như từ ngày ra làm Giám đốc trung tâm văn hóa doanh nhân, tôi đọc các tác phẩm của ông thấy ông nói về cái xấu, cái đê tiện, thấp hèn nhiều hơn?

- Tôi làm trung tâm văn hóa doanh nhân là  tôi muốn tất cả các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa dồn sức mình vào bằng tình cảm và sáng tạo của mình để nâng giá trị của doanh nhân lên. Hồi tôi ra giúp củng cố tờ báo diễn đàn doanh nghiệp lúc này đã có 8 vạn doanh nhân mà cứ gọi ta thằng nọ con kia. Chỉ có lưu manh trộm cắp đĩ điếm thì mới gọi là thằng nọ con kia chứ, đằng này người ta làm ra của cải cho mình mà lại cứ gọi như thế. Lúc này tôi mới nghĩ đến làm trung tâm văn hóa này. Nhưng quả thật làm thương trường đúng là chiến trường vì bản chất của thương trường là cạnh tranh, chèn ép, mưu mô, cá lớn nuốt cá bé. Có những người về làm ở trung tâm này đã bộc lộ rõ bản chất như thế. Thế nên tôi mới viết Thời loạn. Trong đó có nhân vật có thật ở trung tâm đấy!
- Lại nói đến “Thời loạn”, đọc “Thời loạn” như ông viết thì thấy văn hóa  của con người ta đã bị tha hóa, bị xuống cấp đến mức rùng mình?

 - Bây giờ tôi xem phim 12 ngày đêm của Hà Nội tôi cứ khóc. Cảm thấy sống  bây giờ khó quá. Thời nào có anh hùng của thời đó. Lớp trẻ mai kia cũng sẽ trở thành anh hùng dũng sĩ nếu có chuyện gì xảy ra nhưng mà hiện nay, với đời sống hiện nay thì sợ quá, chụp giật quá. Những cái nền nếp cũ thì phá đi rồi, xây dựng một cái nền nếp mới thì chưa thành, thành ra nó cứ nhuộm nhoạm thế. Tôi viết Thời loạn cũng là cái ý nghĩ đó. Giờ cứ loạn hết lung tung cả, loạn đạo đức, loạn trên dưới, loạn thầy trò, loạn cha con. Cả một thời loạn! (khóc). Làm sao cái ngày đó con người ta sống với nhau nó cao đẹp, cao thượng thế, linh thiêng thế mà bây giờ sao nhàm chán thế.

- Lần trước, khi tôi hỏi ông, sau “Thời xa vắng”, “Thời loạn” thì ông sẽ viết thời gì? Ông nói sẽ viết “Thời chết tiệt”. Bây giờ ông còn ý định đó không?

- Không, qua cái ốm đau mới thấy được lòng nhân ái của con người (Lại khóc). Tôi xin lỗi vì tôi cứ động đến quá khứ là lại khóc!

- Ông thôi không nghĩ đến quá khứ có được không?

- Không nghĩ đến cũng không được, nhiều khi cứ bị chạm đến quá khứ. Chạm đến một kỷ niệm chiến trường chẳng hạn thế là tôi lại khóc. Mà ai sống mà không nghĩ đến quá khứ được chứ, nếu người không nghĩ đến quá khứ thì thành người nông nổi.

- Ông ốm yếu thế, mỗi ngày uống hàng vốc thuốc, nói còn không vững, vậy ông viết vào lúc nào mà mỗi năm vẫn thấy một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu xuất hiện trên kệ sách?

- Có những quyển viết từ trước, mang ra bổ sung thêm, nhưng có những quyển mới viết như Thời loạn và Ở quê ngày ấy thì tôi đọc cho nhân viên họ viết hộ, thế cho nên ý nghĩ không sâu. Trước đấy viết những quyển sách ngồi từ sáu giờ sáng ngày hôm nay đến sáu giờ sáng ngày mai may ra mới được một từ. Thế còn bây giờ điều kiện không cho phép ngồi lâu như thế. Cũng có khi đang đánh máy nhân viên lại hỏi làm mất mạch suy nghĩ, làm cho nó loãng ra và không nghĩ sâu được.

- Có người quan niệm viết văn là lao động khổ sai, có người lại bảo như đi cày, có người bảo là cách trả nợ đời nhưng các nhà văn vẫn cứ viết, dường như ông cũng vậy viết văn với ông có  phải là một nhu cầu?

- Đúng! Tôi đúng là một anh nhà văn nông dân đi cày từng xá cày trước cánh đồng chữ nghĩa mênh mông không trông thấy chân trời. Viết văn biết rằng có khi quyển sau không hay bằng quyển trước nhưng mà vẫn cứ phải viết vì nó không thể bỏ được. Nhiều người viết vì nhu cầu đòi hỏi chứ không phải khoe khoang là mình có nhiều sách hoặc khoe khoang sự cần mẫn của mình. Đấy là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống của mỗi nhà văn. Đang nằm chữa bệnh trong bệnh viện mà vẫn cứ nghĩ đấy, nghĩ xem may ra có ra được cái tứ nào không. Có khi nghĩ hàng năm mà chả ra được chữ nào.

- Bây giờ, điều đáng sợ nhất với ông là gì?

- Cái tôi sợ nhất là thời gian cứ qua đi mỗi ngày. Thời gian cứ trôi đi. Bây giờ tôi chết lúc nào cũng được. Có khi chiều nay còn ngồi đây được, sáng ngày mai đã chết ngóm rồi. Thế nên điều tôi tiếc nhất là tuổi trẻ, mình đã cố gắng làm việc nhưng nhiều lúc vẫn phung phí thời gian quá.

- Vậy thế điều hạnh phúc nhất đối với một nhà văn là gì?

- Điều hạnh phúc nhất của một nhà văn là được lao động, được làm việc và sống hết mình một cách chân thành cho đất nước, cho xã hội, cho bạn bè, cho nhân dân.

- Bi kịch của một nhà văn là gì?

- Bi kịch của nhà văn là dối trá. Nhà văn phải phấn đấu thành một người viết chuyên nghiệp, sợ nhất biến mình thành một thành viên của quần chúng, thành nghiệp dư và dối trá. Những giải thưởng, những khen thưởng, những cái in ấn giả dối sẽ biến nền văn học chân chính thành nền văn học quần chúng. Ai cũng thành nhà văn, ai cũng viết được văn, ai cũng thành họa sĩ, nhạc sĩ. Một ông cứ ê a hát cũng thành ca sĩ, nhạc sĩ (bỗng nhiên nhà văn Lê Lựu hát: “Tôi yêu em, tôi yêu em nhưng không được thế là tôi phải rút lui” - đấy văn chương, âm nhạc bây giờ nó cứ nham nhở cái từ ngữ, những giai điệu như thế. Vừa hát xong rồi ông lại khóc, lại cúi xuống lau nước mắt). Những người viết văn cũng thế. Những nhà văn viết văn đúng đắn thì không được cái gì cả, đứng ra rìa. Còn những người viết văn bố láo bố lếu nhưng mà lãnh đạo thích thì cái gì cũng được. Nếu đưa những người không biết viết câu văn thành nhà văn, những tác phẩm ấy mà giới thiệu ra quốc tế thì người ta cười cho thối mũi.

- Thế cái đáng buồn nhất với ông bây giờ là gì?

- Cái đáng buồn nhất đối với tôi bây giờ là tôi thấy văn hóa xuống cấp quá, xuống cấp trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực, mọi thời gian (Khóc).

- Chứng tỏ ông vẫn còn nhiều trăn trở, lo lắng và sốt ruột với thời cuộc lắm?

- Lo lắm chứ. Mình đã từng là một công dân của một đất nước đã từng tự hào với bất cứ ai trên trái đất này. Bây giờ mình thấy nó xuống tầm thấp quá so với nhân loại thì lo quá đi chứ.

- Một năm mới đang đến, ông có kỳ vọng gì với đất nước với dân tộc?

- Tôi kỳ vọng năm tới thực hiện đúng theo Nghị quyết IV của Đảng được nghiêm chặt lại từ trên xuống dưới từ dưới lên trên. Chứ không phải chừa ra bất cứ một khu vực nào, bất cứ một ai thì xã  hội sẽ đúng đắn trở lại. Chứ bây giờ xã hội đang lung tung quá, phải làm sao để xã hội nghiêm chỉnh trở lại, cho nó ra dáng một quốc gia hùng mạnh.

- Thế còn với ông, ông có mong mỏi điều gì cho mình không, một tác phẩm mới nữa chẳng hạn?

- Tác phẩm thì đang mong mỏi lắm nhưng chưa nghĩ ra gì cả. Đang mong mỏi lắm, cuối đời còn ngày nào viết ra được chữ nào thì viết, chứ cũng không hy vọng được một cuốn đâu. Mà có mong cũng không được. Tôi chỉ hy vọng sức khỏe như hồi chưa mắc bệnh đó là điều mừng nhất.

***

Đang dở câu chuyện với tôi thì nhân viên của nhà văn Lê Lựu nhắc với ông taxi đã đến, đang chờ ông ở đầu ngõ. Nhà văn Lê Lựu chuẩn bị mấy quả cam để đi thăm người ốm. Ông đang ốm mà lại đi thăm người ốm. Lê Lựu là như thế. Ông khó nhọc vịn vào cánh cửa bước xuống bậc thềm của Trung tâm văn hóa doanh nhân nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ đường Nguyễn Tam Trinh. Bước chân ông run rẩy, tập tễnh, phải có hai người dìu hai bên. Tôi đứng lại phía sau nhìn theo những bước đi run rẩy, lệt xệt của ông. Cái bóng tập tễnh, tuềnh toàng của ông lẫn vào ngõ chợ với những tiếng mặc cả bán mua, lẫn vào âm vang ồn ào của cuộc sống. Tôi thấy xộc lên một cảm giác khó tả. Tôi cũng sợ thời gian cứ trôi đi mỗi ngày. Và tôi mong ông có sức khỏe như hồi ông chưa mắc bệnh!