Vụ án có những tình tiết ngỡ như chuyện "bịa" này đã khiến công an từng nghi ngờ chủ nhà dựng chuyện, cho đến khi bắt được thủ phạm là chàng trai si tình bậc nhất Việt Nam. Cướp có hung khí Rạng sáng 21/6/2006, khi đang say giấc nồng thì chị Phạm Thị Mười Ba (SN 1967, ngụ ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) giật mình tỉnh giấc vì bất ngờ bị một vật gì đó đập đánh “bốp” một cái vào đầu. Ngồi bật dậy, chị hoảng hồn khi phát hiện có một bóng người đứng ở đầu giường. Qua ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin mà người đó đang cầm trên tay, nạn nhân nhìn thấy một người đàn ông mặc áo thun màu trắng sọc đen, đầu đội nón kết, mặt bịt chiếc khẩu trang màu xanh lá cây, tay trái cầm cái đèn pin còn tay phải đang cầm một khúc gỗ to cỡ cổ tay. Chưa kịp kêu la cầu cứu, người đàn ông đã ồm ồm lên tiếng: “Im miệng, nếu la tôi đánh chết. Bà có bao nhiêu tiền, vàng đưa hết ra đây”. Bà chủ nhà biết đã gặp phải tên cướp hung hãn, mà trong nhà lại chỉ có một mình khó có thể chống trả được hắn. “Thôi thì của đi thay người, miễn sao bảo toàn được tính mạng là tốt rồi, lôi thôi với hắn chẳng may nó liều mạng thì thiệt thân”, nghĩ vậy nên chị Ba lập tức năn nỉ: “Dạ được, anh đừng đánh chết tôi, có bao nhiêu tôi sẽ giao nộp hết”. Chị lột đôi bông tai bằng vàng 18K trọng lượng hơn một chỉ và lấy số tiền gần hai triệu đồng ra để trên nệm “trình” tên cướp. Thấy tài sản, tên cướp tiến lại gần chị Ba nhưng không phải để thu gom “chiến lợi phẩm” mà dùng hai sợi dây điện trói hai chân và hai tay của chị lại, bắt chị ngồi yên trên giường. Trói nạn nhân xong, tên cướp mới săm soi số tài sản chị Ba vừa đặt trên giường, dửng dưng như “chó nhìn thấy thóc” rồi “hạ cố” đếm lấy 600 ngàn nhét vào túi, số tiền còn lại hơn một triệu và đôi bông tai thì hắn… không thèm đụng đến. Chưa dừng lại ở đó, tên cướp tiếp tục quay ra phía ngoài phòng khách kéo tủ đồ tìm kiếm lung tung. Một lát sau, hắn quay lại phòng ngủ và thủng thẳng với nạn nhân: “Con gái bà nó hỗn lắm, tôi đáng tuổi cha chú mà nó dám chửi tôi. Bà phải kêu con gái bà về ngay, không được để cho nó bán quán cà phê nữa”. Nói xong hắn bỏ ra ngoài bằng cửa sau. Đợi thêm một lúc nữa cho tên cướp đi hẳn, khi đã hoàn hồn chị Ba mới dám kêu la cầu cứu. Người chồng đang ngủ ở cái chòi bán quán phía trước sân nhà cách đó vài chục mét nghe tiếng kêu cứu lập tức chạy vào xem sự việc nhưng điện trong nhà đã bị cúp từ lúc nào. Người chồng hô hoán cho bà con xung quanh chạy sang phụ giúp, bật cầu dao điện, cởi trói cho nạn nhân, đồng thời trình báo chính quyền địa phương. Công an “điên đầu” Nhận được tin báo có vụ cướp táo tợn xảy ra giữa đêm, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xác minh, thu thập chứng cứ. Quan sát hiện trường và ghi nhận lời khai ban đầu của người bị hại, ai cũng nghi ngờ đây không phải là một vụ cướp thật mà có thể chỉ là một vụ cướp giả. Bởi lẽ ở phía ngoài sân nhà chị Ba có một căn chòi mà chồng của nạn nhân đêm xảy ra vụ án cũng ngủ ở đó. Những nhà hàng xóm không có ai nghe thấy tiếng kêu la, cầu cứu nào của nạn nhân; hiện trường vụ án không có sự xáo trộn thường thấy của các vụ cướp tài sản; trên người nạn nhân cũng chỉ có một vết thương tích nhẹ. Mặt khác, mục đích cướp của thủ phạm cũng có gì đó rất “kỳ cục” như chính lời nạn nhân trình bày. “Vì sao hắn chỉ cướp đi số tiền có 600 ngàn đồng và số tài sản còn lại hắn đều “chê” không lấy? Có xảy ra vụ án hay không hay chủ nhà dựng chuyện? Nếu là vụ án thì mục đích thực sự của thủ phạm là gì?”. Đây là những câu hỏi các điều tra viên cần tìm lời giải đáp. Lấy lời khai nạn nhân nhiều lần, công an nhận thấy lời khai khi nào cũng trùng khớp nhau, không có “độ vênh’. Người phụ nữ này cũng tỏ ra rất thành khẩn và một mực cho rằng mình chẳng có lý do gì để bịa chuyện vụ cướp. “Nếu tôi nợ nần nhiều thì mới bịa chuyện để xù nợ, nhưng tôi đâu có khúc mắc với ai. Mà nếu nói láo thì phải khai bị cướp nhiều chứ sao lại khai chỉ mất có 600 ngàn”, nạn nhân ấm ức. Công tác khám nghiệm hiện trường cũng như việc thu thập lời khai của người bị hại và những người có liên quan được khẩn trương tiến hành nhưng cũng rất thận trọng, các chi tiết dù là nhỏ nhất cũng được chú ý đến để làm rõ. Có một điểm duy nhất để công an “bấu víu” vào là câu nói của tên cướp nhắc đến đứa con gái của nạn nhân tên Nguyễn Thị Hồng Tươi. Thiếu nữ này khi đó mới 16 tuổi và đang đi phụ bán quán cà phê ở Thành phố Cần Thơ cho một người dì. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy dù là tiếp viên bán quán cà phê nên có quen biết với một số khách đến quán uống nước, nhưng do còn ít tuổi và cũng chỉ mới nghỉ học đi làm được mấy tháng nay nên Tươi cũng chưa “gây thù chuốc oán” gì với ai đến mức đối tượng đêm hôm phải đột nhập vào nhà đe dọa mẹ cô như vậy. Tổng hợp các chứng cứ, lực lượng chức năng đã sơ bộ nhận định tên cướp phải là người quen biết, nắm được quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân nên đã dễ dàng đột nhập vào nhà chị Ba mà không bị phát hiện. Sau khi vào nhà, hắn còn chủ động cúp cầu dao để tắt điện trong nhà rồi mới ra tay. Mặt khác thủ phạm cũng đã có sự chuẩn bị, tính toán rất kỹ từ trước nên đã trang bị đầy đủ nón, đeo khẩu trang là nhằm tránh bị nhận diện. Tuy nhiên, việc tên cướp “chê” tài sản và chủ động đe dọa con gái của nạn nhân là nhằm mục đích gì thì công an chưa thể giải thích được. “Chìa khóa” của vụ án được tìm thấy khi thiếu nữ này cung cấp cho các điều tra viên một thông tin rất kỳ lạ trong vụ cướp: “Báo cáo các chú, con về nhà lục tủ thì thấy tên cướp đã lấy đi 3 tấm hình chân dung của con”. Ngoài ra, thủ phạm không còn lấy thêm bất cứ đồ đạc gì khác trong nhà nạn nhân mặc dù hắn đã lục tung tủ đựng và tất nhiên là có cả trăm món đồ khác quý giá hơn những tấm hình. Rõ ràng là hung thủ đã có sự quen biết hoặc mâu thuẫn với cô gái nên công an chuyển hướng điều tra sang các mối quan hệ của cô gái. Một giả thiết được đặt ra “Phải chăng đối tượng gây án chỉ vì tình cảm nam nữ với chị Tươi?”. Phạm tội vì… không muốn “người thương” bán cà phê Phải thuyết phục thiếu nữ nhớ lại tất cả những người cô “quen thân”, công an mới lên danh sách được các nghi phạm, đặc biệt chú ý những chàng thanh niên nào theo đuổi cô bất thành. Một ngày sau đó, khi cô bé vỗ trán à lên: “Con nhớ rồi, có thằng đó cứ tán con hoài mà con không chịu đổ”, đối tượng đã được xác định và khi được triệu tập lên đã phải cúi đầu nhận tội. Cả xóm đều bất ngờ khi biết thủ phạm gây ra vụ cướp “kỳ cục” này là một cậu học sinh đang học lớp 11, ngụ cùng ấp với nạn nhân tên Nguyễn Cao Anh (SN 1989, cách nhà nạn nhân chưa đầy 1 km). Tại cơ quan điều tra, chàng trai khai, do ở gần nhà và cũng sàn sàn lứa tuổi với con gái nạn nhân nên Anh đã “thương thầm nhớ trộm” cô bé từ lâu. Thấy cô bé xinh xắn, dễ thương lại đảm đang, tháo vát nên cậu học trò này đã bị cô bé “hút hồn”, ngày đêm cậu đem lòng thương nhớ. Khi cậu tỏ tình với Tươi thì bị cô bé cự tuyệt thẳng thừng, nhưng cậu vẫn tiếp tục đeo đuổi một cách quá trớn, bất chấp việc cô bé cảm thấy bực mình khó chịu. Nhiều lần cô bé đã dùng những lời lẽ không mấy dễ nghe khiến Anh không hài lòng. Cũng theo chàng trai này, cậu cũng không chấp nhận chuyện “người mình thương” lại đi làm tiếp viên bán quán cà phê, tiếp xúc với nhiều người đàn ông lạ nên cậu đã suy nghĩ và tìm cách ngăn cản cô bé làm việc. Suy đi tính lại, cuối cùng cậu bé quyết định chọn cách đi đánh cướp… mẹ cô gái để tìm lối ra cho mối tình đầu đơn phương của mình theo kiểu “mượn gió bẻ măng”. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các công cụ phạm tội gồm hai sợi dây điện, một lưỡi cưa sắt, một khúc gỗ, một cái đèn pin, một nón kết và một cái khẩu trang, khoảng hai giờ sáng ngày hôm đó cậu trai si tình “ngụy trang” để tránh bị người quen phát hiện, nhận dạng rồi mang theo các công cụ đi đến nhà “người thương”. Lợi dụng lúc chủ nhà không để ý, chàng trai đột nhập vào nhà rồi chui xuống gầm giường nấp chờ cơ hội thực hiện kế hoạch. Sau một lúc nằm chịu trận muỗi đốt, thấy chủ nhà đã ngủ say, Anh mới bò ra khỏi gầm giường, đi đến chỗ ổ điện cúp cầu giao điện trong nhà. Rồi Anh đi vào buồng ngủ của chủ nhà để thực hiện kế hoạch cướp, đe dọa và lục lấy hình của “người thương” rồi lặng lẽ chuồn êm với niềm tin kế hoạch được chuẩn bị công phu của mình sẽ đạt được kết quả như ý mà không bị ai phát hiện. Thế nhưng cậu học trò si tình và nông nổi đã không ngờ mình bị “vạch mặt” nhanh và dễ dàng đến như vậy. Khi được hỏi lý do vì sao đi cướp mà lại “chê tiền”, cậu trai thành thật: “Thưa các chú, mục đích chính của con chỉ là đe dọa cho bà Mười Ba lo sợ cho con gái mà kêu Tươi đi về, đừng bán quán cà phê nữa. Thế thì con mới có cơ hội gần gũi, đeo đuổi cô bé. Nói thật là con không có mục đích cướp tài sản”. Khi làm bộ đe dọa nạn nhân, Anh không ngờ chủ nhà lại sợ hãi và “nộp” ra nhiều tài sản đến thế. Hắn thấy tiền thì nổi lòng tham và nhớ đến món nợ 600 ngàn nên lấy chỉ vừa đủ số tiền trả nợ, hơn nữa nếu lấy tiền thì sẽ làm cho mọi người nghĩ là chủ nhà bị cướp thật, sẽ không ai biết được mục đích thực sự của mình. Về động cơ lấy 3 tấm hình của cô gái, cậu trai hồn nhiên khai: “Con đem về để hàng ngày được ngắm nhìn người mình yêu cho bớt đi sự nhung nhớ những khi không được gặp mặt”. Nghe những lời khai của thủ phạm trong vụ cướp hi hữu “cả đời mới gặp một lần này”, không ít điều tra viên dù ức nhưng cũng phải bấm bụng cười: “Động cơ, mục đích phạm tội như thế thì đâu có giáo trình hình sự nào dạy. Trách gì phải nghĩ đến “điên cả đầu” thì mới tóm được thủ phạm”. Bài học nhớ đời Sau khi bị khởi tố, rồi truy tố vào cuối tháng 11/2006 về tội cướp tài sản, cha của Anh đã bồi thường khắc phục một triệu đồng tiền thuốc thang điều trị và số tiền con trai mình cướp đi của nạn nhân. Đồng thời ông cũng ra sức năn nỉ người bị hại nghĩ đến tình làng, nghĩa xóm cũng như hoàn cảnh bi đát của cha con ông: Vợ mới chết, một mình phải chăm lo cho hai thằng con, mà rộng lòng tha thứ, cho con trai ông có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Cảm thông cho sự đau khổ của một người cha cũng như sự bột phát nhất thời và có phần mê muội, mù quáng trong cách tiếp cận tình yêu của cậu học trò, nạn nhân đã đồng ý làm đơn bãi nại cho Anh. Cuối năm 12/2006, TAND tỉnh Hậu Giang đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tòa nhận thấy dù hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nhưng đã thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải, thời gian tạm giam gần 3 tháng cũng đủ để răn đe bị cáo nên nhằm tạo điều kiện cho bị cáo được tiếp tục học tập phấn đấu, Tòa xét thấy không cần thiết phải xử phạt bị cáo bằng hình thức tù giam mà chỉ cần xử phạt bị cáo với một mức hình phạt tù treo có thời gian thử thách là phù hợp. Do đó, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cao Anh mức án 24 tháng tù treo về tội cướp tài sản, giao bị cáo cho UBND thị trấn Kinh Cùng giám sát trong thời gian thử thách.