Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết "bỏ đói" tình yêu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu nhớ da diết, lúc nào hình ảnh người ấy cũng hiện ra trong tâm trí bạn thì đó là dấu hiệu của tình yêu.

KTĐT - Nếu nhớ da diết, lúc nào hình ảnh người ấy cũng hiện ra trong tâm trí bạn thì đó là dấu hiệu của tình yêu. Bởi vì nỗi nhớ chính là đặc điểm rõ nét nhất của tình yêu, không phải bây giờ mà từ lâu ông bà ta đã phát hiện ra điều đó.

Không ít chàng trai, cô gái phân vân tự hỏi: "Chẳng biết mình đã yêu chưa nhỉ?". Có một cách giúp bạn xác định tình cảm của mình giống như thuốc thử màu có thể nhận biết ngay, đó là bạn có thấy nhớ người đó không?

Nếu nhớ da diết, lúc nào hình ảnh người ấy cũng hiện ra trong tâm trí bạn thì đó là dấu hiệu của tình yêu. Bởi vì nỗi nhớ chính là đặc điểm rõ nét nhất của tình yêu, không phải bây giờ mà từ lâu ông bà ta đã phát hiện ra điều đó.

“Gió sao mát sau lưng. Dạo sao nhớ người dưng thế này?”. Đúng là “người dưng” chẳng phải ruột thịt, họ hàng dây mơ rễ má gì sao mà nhớ thế. Có thể trước đó chỉ vài ngày người ta chưa biết người ấy là ai. Thậm chí trước cuộc gặp tình cờ đó, ta còn chưa biết có người ấy tồn tại trên đời. Nhưng từ đó người ấy trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ta. Ăn gì ngon cũng nhớ. Chơi gì vui cũng nhớ. Nhớ khi thức, nhớ cả trong giấc ngủ. Lúc nào cũng thường trực trong tâm trí một ước mơ cháy bỏng là được ở bên nhau, được ngã vào nhau trong những vòng tay siết chặt. Đó chính là trạng thái đẹp nhất của tình yêu. Từ xưa đến nay bao nhiêu nghệ sĩ đã khai thác nỗi nhớ ấy như nguồn đề tài bất tận của thi ca nhạc họa.
 
Có người hỏi sao thời chiến tranh có những mối tình đẹp thế. Tình yêu chung thủy, son sắt đời chờ hàng 5 năm, 10 năm. Họ viết cho nhau hàng nghìn lá thư chứa chan tình cảm mà bây giờ ai còn giữ được cho con cháu xem đều phải chắp tay bái phục ông bà. Có lẽ là thời chiến trước cái chết có thể đến bất cứ lúc nào cũng khiến người ta gắn bó với nhau hơn nhưng nguyên nhân cơ bản là nhớ nhung do xa cách. Chính sự xa cách nuôi dưỡng tình yêu của họ. Ngày nay trong hoàn cảnh đất nước thanh bình, những lứa đôi luôn sống bên nhau và chính vì thế giữ được tình yêu bây giờ khó hơn ngày trước.

Thử đặt câu hỏi: “Tại sao ta nhớ? Đó là khi ta muốn gặp một ai đó để trò chuyện, chia sẻ, âu yếm, yêu đương nhưng không gặp được sinh ra nhớ nhung, mong mỏi. Như vậy là để có được nỗi nhớ cần phải có khoảng cách. Nếu khoảng cách bằng “0”, hai người luôn sống gần kề nhau thì nỗi nhớ sẽ không còn nữa, nỗi khao khát cũng giảm dần và trái lại, sự nhàm chán sẽ xuất hiện. Đó là quy luật cơ bản của tâm lý học mà từ lâu ông bà ta đã đúc kết trong một chân lý ngắn gọn và giản dị: “Xa thương gần thường”. Nói khác đi muốn nuôi dưỡng tình yêu, bạn phải để cho nó đói, nó khao khát, nó nhớ nhung. Chừng nào hai kẻ yêu nhau còn sống trong trạng thái tình cảm đó, họ không bao giờ bỏ nhau. Còn nếu bạn để nó quá no nê phè phỡn thì tình yêu dẫu có tốt đẹp, khỏe mạnh đến mấy cũng sinh bệnh sinh tật, thậm chí chết non chết yểu.

Một bạn trẻ kể với chuyên gia tâm lý:“Em và anh ấy yêu nhau được 2 năm. Lúc đầu tình yêu của chúng em rất đẹp. Hai đứa học hai trường nhưng lại cùng quê nên cứ độ vài tháng chúng em lại rủ nhau về quê một lần, đến nhà nhau chơi và được cả hai gia đình chấp nhận. Hàng tuần anh ấy đi bộ mấy cây số đến nhà trọ thăm em. Cứ gặp nhau là chuyện trò ríu rít. Tiễn nhau ra về đến chỗ vắng mới dám hôn nhau một cái vội vàng mà để nhớ suốt tuần, chỉ mong chóng đến ngày gặp lại. Ngày nào hai đứa cũng nhắn cho nhau vài chục cái tin qua điện thoại. Cả hai chỉ mong nhanh đến ngày ra trường làm đám cưới để được sống cùng nhau.
 
Nhưng cách đây 6 tháng, anh ấy rủ em thuê phòng trọ sống với nhau để được sớm tối có nhau cho thỏa lòng khao khát, bởi vì trước sau gì chẳng là vợ chồng. Em cũng nghĩ chỉ còn 2 năm nữa sẽ sống cùng nhau. Thế là chúng em ở chung. Điều em không ngờ là mới chỉ một tháng sau, tình yêu say đắm giữa chúng em đã gần như cạn kiệt. Những mâu thuẫn cãi cọ nho nhỏ lúc đầu còn ít, sau cứ năm ngày ba trận. Có lần anh ấy liệng cả mâm cơm ra cửa. Chúng em không còn cách nào khác hơn là chia tay. Bây giờ chẳng còn ai nói đến đám cưới, chỉ còn nỗi hận trong em day dứt không lúc nào nguôi. Không hiểu đời em sau cuộc chia tay này sẽ ra sao. Người đàn ông nào đến với em liệu có chấp nhận quá khứ này không?
 
Để có bài học về cách gìn giữ tình yêu, cô gái đó đã phải trả cái giá quá đắt. Ngày nay, sợi dây ràng buộc tình yêu không có cái gì khác hơn là chính nó. Và để giữ được tình yêu bền vững tới được hôn nhân chỉ có cách duy nhất cả hai phải có sức hấp dẫn với nhau. Chừng nào còn sức hấp dẫn ấy thì tình yêu còn tồn tại. Chừng nào sức hấp dẫn ấy tiêu tan, sẽ chẳng có gì giữ được họ ở lại với nhau, kể cả những lời hứa hẹn, thề bồi. Ngay cả tờ giấy đăng kí kết hôn cũng chẳng trói chặt được nhau mãi mãi. Chính vì thế muốn tình yêu, hôn nhân bền vững phải có nghệ thuật yêu, nghệ thuật chung sống vợ chồng. Nếu yêu một cách bản năng, buông thả theo những gì mình thích, không khác gì hủy hoại tình yêu.

Vậy nghệ thuật đó là gì? Nếu có thể nói gọn lại trong một câu, đó là nghệ thuật “bỏ đói” tình yêu. Không bao giờ để cho nó no nê, phè phỡn. Tất nhiên nếu đói quá, tình yêu cũng không sống nổi. Thế mới gọi là nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự sáng tạo, thông minh và nhạy cảm. Nó tạo ra khoảng cách giữa hai kẻ yêu nhau và chính cái khoảng cách ấy làm nên nỗi nhớ nhung, khao khát.

Có bạn hỏi yêu nhau nên gặp nhau mỗi tuần mấy lần là vừa, để còn nhớ nhau? Trong nghệ thuật, không có cái gì là công thức cứng đờ. Có thể đôi này gặp nhau tuần 3 lần vẫn còn ít nhưng đôi kia gặp nhau tuần 2 lần đã là nhiều. Ngay cả thời gian ở bên nhau cũng tùy theo năng lượng của tình yêu. Có người gần như hết chuyện vẫn không về. Chàng ngồi hút thuốc lá hết điếu này đến điếu khác trong khi nàng nhăn mặt khó chịu. Cảnh tượng đó khác nào họ tự phá hủy tình yêu của mình. Chẳng thà ai về nhà người nấy để giữ lại trong nhau một chút lưu luyến còn hơn. Có lần tôi gặp trên ghế đá trong khuôn viên một trường đại học nọ vào một buổi trưa, có đôi tình nhân ngồi nặn trứng cá cho nhau, đôi khác nàng đang nhỏ râu cho chàng. Với những cách cư xử như thế, có lẽ không có thứ tình yêu nào tồn tại được.

Không có gì ngớ ngẩn bằng những cô gái trong thời gian yêu nhau cứ như đã trở thành vợ người ta. Có cô một tuần đến nhà người yêu tới 3 ngày. Mỗi ngày gặp nhau trung bình là 2 lần. Lúc không có anh ta lại gọi điện hỏi: “Anh ở đâu, đang làm gì, sao không trả lời tin nhắn của em?”. Nên biết rằng bất cứ ai khi thấy mình bị săn đuổi một cách ráo riết thì phản ứng tự nhiên của anh ta là… bỏ chạy. Cho nên dù có yêu đến mấy, bạn cũng phải biết dè sẻn những lần hẹn hò. Bạn đừng sợ ở nhà một mình sẽ buồn. Nếu thấy không có việc gì để làm nữa thì rủ mấy cô bạn đi la cà trong shop thời trang, dành hẳn ra 3 giờ để sửa sang sắc đẹp bằng mặt nạ sinh tố, 2 giờ chăm sóc mái tóc và tưởng tượng đến những cuộc gặp không bao giờ diễn ra theo kịch bản mà đối phương là tác giả.

Để nhớ nhau, đôi khi phải tạo ra sự thiếu vắng bằng cách… biến mất. Trong thời gian đang yêu, bạn đừng nghĩ bất cứ đi đâu, làm gì cũng phải có nhau. Như thế chẳng bao lâu anh ta sẽ cảm thấy chán bạn. Điều này không có gì lạ vì cái gì nhiều quá cũng trở nên nhàm. Nếu có dịp đi đâu mấy ngày với nhóm bạn của mình, bạn không cần phải xin phép anh ấy. Khi gọi điện cho chàng biết thì bạn đã đi được mấy chục cây số rồi. Phải để anh ta cảm thấy nhớ bạn một chút chứ. Ngày trở về sẽ vui lắm đấy. Ngay cả khi đã có gia đình, thậm chí đã có con, đôi khi bạn cũng cần đến trò “biến mất” này. Một người chồng thừa nhận: “Mỗi dịp chúng tôi xa nhau vài ba ngày, tôi ngạc nhiên trước niềm vui sướng khi gặp lại”.