Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết chăm sóc trẻ biếng ăn, chậm lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những em bé biếng ăn do có một tình trạng bệnh lý cụ thể thì việc giải quyết triệt để căn bệnh sẽ làm cho bé đỡ biếng ăn hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, thế nhưng không phải các ông bố bà mẹ nào cũng biết về điều này. Một trong những nguyên nhân là do phụ huynh ép trẻ ăn những thực phẩm mà trẻ không thích khiến trẻ lại càng sợ ăn, dẫn đến tình trạng trẻ chậm lớn. 
Bí quyết chăm sóc trẻ biếng ăn, chậm lớn - Ảnh 1
Cha mẹ thường rất khó xử và không biết cách làm thế nào cho trẻ hết biếng ăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ không hề khó khăn như các ông bố bà mẹ vẫn nghĩ mà đơn giản như chỉ ăn cùng con và kể những câu chuyện vui liên quan đến món ăn cho bé nghe. Điều quan trọng là phải tìm hiểu căn nguyên của bệnh biếng ăn là gì để có cách giải quyết cho phù hợp. 

Bé gái nhà chị Nguyễn Thị Nhung ở Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội năm nay lên 2 tuổi. Thời gian vừa qua, bé không những ăn ít mà còn rất hay ngậm thức ăn khiến cho thời gian bữa ăn thường kéo dài đến gần 1 tiếng đồng hồ. Chị Nhung cho biết ngay từ khi biết ăn dặm thì con chị đã rất lười ăn. Việc ăn uống rất khó khăn vì cháu hay bị nôn chớ nên dẫn đến tình trạng hấp thụ khó. Mặc dù về dinh dưỡng, chị rất chịu khó đổi món cho con. Thường là chị nấu 3 bữa cháo khác nhau cộng với 2 bữa sữa, váng sữa. Gia đình chị đã đưa cháu đi khám và được bác sỹ dinh dưỡng tư vấn kỹ lưỡng, kết hợp với việc sử dụng bổ sung men tiêu hóa. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nếu dừng việc uống men tiêu hóa thì thói quen ăn uống của cháu lại trở về như cũ nên gia đình chỉ cho ăn theo nhu cầu của cháu.

Đối chiếu theo bảng tiêu chuẩn, con chị Nhung bị thiếu cả chiều cao lẫn cân nặng. Điều đáng nói là các thành viên trong gia đình chị Nhung đều khá lúng lúng trong việc khắc phục tình trạng biếng ăn, chậm lớn của bé. 

ThS.BS Chu Thị Thu Hà - Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết trường hợp như bé gái nhà chị Nhung không phải là hiếm gặp. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thơ ơ với việc ăn uống nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là do trẻ có thể mắc một bệnh lý về thực thể như: Bệnh về tiêu hóa, thiếu một số vi lượng sắt, máu, kẽm…; nguyên nhân thứ 2 có thể gặp ở những trẻ rất ham chơi, hiếu động và thơ ơ với chuyện ăn; thứ 3 là có những trẻ ác cảm với thức ăn, sợ mùi vị nào đó của một số loại thức ăn và làm cho em bé biếng ăn; thứ 4 nữa là nguyên nhân gặp phải ở những em bé thờ ơ chuyện ăn do bố mẹ quá bận bịu với công việc nên để phó mặc chuyện chăm sóc ăn uống của trẻ cho người giúp việc. Nếu người đó không nhiệt tình dỗ trẻ ăn thì việc trẻ biếng ăn sẽ xảy ra; Nguyên thứ 5 là nguyên nhân trái ngược hoàn toàn với những nguyên nhân trên là sự quan tâm thái quá của các ông bố bà mẹ đối với chuyện ăn uống của trẻ, ép trẻ ăn nhiều nên tạo áp lực cho trẻ, khiến trẻ căng thẳng và biếng ăn.

Cũng theo bác sỹ Hà, biếng ăn không chỉ dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài về sau như khiến cho bé bị rối loạn tăng trưởng, rối loạn nhận thức, cảm xúc. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập của trẻ. Vì thế, bác sỹ Chu Thị Thu Hà cũng khuyến cáo: Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân xem việc biếng ăn của con do nguyên nhân từ đâu. Sau đó, đưa con đến bác sĩ để khám xem trẻ có thật sự biếng ăn hay không để từ đó có chế độ chăm sóc một cách hợp lý. Ngoài ra, nên cho con ăn bổ sung những loại thức ăn có năng lượng cao và có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cân đối, co nhiều yếu tố vi lượng, đặc biệt là sắt và kẽm. 

Với những em bé biếng ăn do có một tình trạng bệnh lý cụ thể thì việc giải quyết triệt để căn bệnh sẽ làm cho bé đỡ biếng ăn hơn. Còn đối với những trẻ hiếu động, ham chơi thì bố mẹ cần xây dựng chế độ ăn làm cho bé luôn luôn có cảm giác đói bụng, thèm ăn và trong khi cho trẻ ăn thì có thể kể những câu chuyện vui, nho nhỏ thú vị về thức ăn mà bé đang ăn để kích thích sự hứng khởi của bé đối với thức ăn. Nhưng không nên kéo dài bữa ăn của bé quá 30 phút. 

Còn với các bé có ác cảm với thức ăn thì cha mẹ có thể bắt đầu bằng những thức ăn mà bé có thể chấp nhận đuợc. Đối với những thức ăn mà con sợ mùi vị thì cha mẹ không nên ép con ăn mà có thể thuyết phục dần dần bằng cách cho con ăn cùng mình, cha mẹ nên ăn trước, rồi tả lại vị ngon để kích thích cảm giác thèm ăn của con.