70 năm giải phóng Thủ đô

Bí quyết để gen Z tìm việc làm, phỏng vấn đâu trúng tuyển đó

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để tìm việc làm, phỏng vấn đâu trúng tuyển đó, những bạn trẻ gen Z nên nắm bắt, cải thiện 2 kỹ năng là viết CV và trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng.

Đây là lời khuyên của ThS Hạ Phan – Tổng Giám đốc Công ty CP JopUp (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ tuyển dụng nhân sự cho các DN) với 10 năm kinh nghiệm tuyển dụng dành cho các bạn trẻ gen Z.

Cải thiện kỹ năng viết CV và trả lời phỏng vấn

Thưa bà, hiện nay cơ hội việc làm của gen Z rất nhiều nhưng nhiều bạn lại chưa biết cách để thuyết phục nhà tuyển dụng. Theo bà, các bạn cần phải chuẩn bị những kỹ năng gì để trả lời phỏng vấn trúng tuyển ngay?

- Hiện nay Facebook, Tiktok, Zalo, Instagram và Linkedin là 5 mạng xã hội phổ biến được giới trẻ sử dụng để tìm kiếm việc làm. Là một người làm công tác tuyển dụng nhân sự cho các DN trong nhiều năm, tôi nhận thấy, hiện tại Facebook vẫn đang là mạng xã hội được nhiều ứng viên lựa chọn khi tìm việc làm bởi sự thuận tiện và dễ tương tác ngược lại với nhà tuyển dụng.

ThS Hạ Phan (bên phải) đang tư vấn cho bạn trẻ khi ứng tuyển tìm việc làm.
ThS Hạ Phan (bên phải) đang tư vấn cho bạn trẻ khi ứng tuyển tìm việc làm.

Tôi có một lời khuyên cho các bạn gen Z phỏng vấn đâu trúng tuyển đấy thì cần chuẩn bị hai thứ: Thứ nhất là chuyên môn nghề nghiệp và thứ hai là kỹ năng ứng tuyển. Bởi, nhiều bạn có năng lực rất giỏi, kỹ năng chuyên môn tốt nhưng kỹ năng ứng tuyển hạn chế nên đã mất đi cơ hội của mình ngay ở lần phỏng vấn đầu tiên.

Về kỹ năng ứng tuyển tôi tập trung vào hai loại kỹ năng mà hiện nay nhiều bạn trẻ chưa làm tốt hoặc chưa biết được để ý thức và cải thiện nó, đó là: kỹ năng viết CV (CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae, là bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển) và kỹ năng trả lời phỏng vấn để có thể đưa ra được những điểm mạnh, mức độ phù hợp bản thân với nhà tuyển dụng. Thực tế, không ít bạn có năng lực chuyên môn tốt nhưng chưa thực sự biết thể hiện nó trên bản CV của mình; hay khi gặp gỡ trực tiếp nhà tuyển dụng đã có cách thể hiện, trao đổi chưa mang tính thuyết phục, mặc dù về mặt năng lực có thể ứng viên đó phù hợp với vị trí việc làm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Gen Z muốn thay đổi công việc, hãy trả lời 4 câu hỏi

Thực tế hiện nay, có những bạn gen Z đi làm ở công ty một thời gian ngắn lại có ý định “nhảy việc” sang chỗ khác có môi trường mới tốt hơn, mức lương cao hơn. Bà có ý kiến gì về việc này?

- Là một người được đào tạo về quản trị nhân lực trình độ cử nhân và thạc sĩ và có 10 năm làm công việc tuyển dụng nhân sự, tôi không dùng từ “nhảy việc” mà tôi sử dụng cụm từ “thay đổi cơ hội để phát triển bản thân” sẽ đúng nghĩa hơn. Theo tôi, mỗi lần thay đổi công việc đó, các bạn hãy trả lời được 4 câu hỏi: Thứ nhất, bạn đã làm được gì ở công ty đấy? Thứ hai, bạn có nuối tiếc điều gì khi rời đi hay không? Thứ ba, bạn đã học được hết những gì bạn cần học hay chưa (trải nghiệm của bạn đã tối ưu chưa)? Và khi rời đi, tổ chức có tự hào về bạn hoặc bạn có tự hào về những gì mình đã đóng góp cho DN hay không?

Các bạn gen Z đang tìm hiểu thông tin việc làm tại Festival tuyển dụng thanh niên năm 2024 được tổ chức tại trường Đại học Công nghệ Đông Á. Ảnh: Trần Oanh.
Các bạn gen Z đang tìm hiểu thông tin việc làm tại Festival tuyển dụng thanh niên năm 2024 được tổ chức tại trường Đại học Công nghệ Đông Á. Ảnh: Trần Oanh.

Khi các bạn trả lời được bốn câu hỏi trên một cách thẳng thắn và chân thành nhất thì việc rời khỏi công ty chắc chắn là quyết định đúng đắn của bạn. Qua đó để DN có cơ hội lựa chọn nhân sự khác phù hợp hơn ở tại thời điểm đó và bạn cũng tìm được công việc phù hợp hơn để phát triển bản thân.

Theo bà, các nhân sự gen Z hay thay đổi môi trường làm việc là do đặc tính hay chạy theo xu hướng? Nhân sự gen Z thay đổi công việc khiến DN mất thời gian đào tạo và chi phí, vậy làm sao để cải thiện tình hình?

- Hiện tại, thế hệ gen Z rất nhanh để đạt được mục tiêu trong công việc, tức là rất dễ chinh phục mục tiêu. Khi họ đã chinh phục được mục tiêu thách thức trong công việc thì sẽ họ sẽ cảm thấy nhàm chán và mong muốn tìm các cơ hội khác để thử thách bản thân hơn. Thế nên, các bạn thích khám phá những môi trường làm việc khác nhau, tìm sự mới mẻ trong công việc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bạn muốn chứng minh năng lực bản thân ở môi trường mới, thách thức mới và thích được chinh phục những cái mới.

Vì thế, các DN thay vì trách nhân viên có thời gian gắn bó ngắn thì nên thích nghi với điều đó. DN cần thay đổi về mặt quan điểm để tạo ra những môi trường có nhiều thách thức hơn cho các bạn trẻ để gắn bó lâu hơn. Còn nếu DN lặp đi lặp lại công việc và không có quá nhiều thách thức thì người lao động sẽ rời đi để tìm kiếm cơ hội mới.

Và trong thời gian làm việc dù ngắn hay dài đó của người lao động, người sử dụng lao động nên có phần việc giao phó, có thước đo cụ thể đo lường năng suất lao động hiệu quả. DN hãy xác định lại chu kỳ nhân sự tại mỗi vị trí để phù hợp với thị trường lao động hiện nay.

Xin cảm ơn bà!