Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bí quyết” để Hà Nội về đích trước 2 năm, vào Top 10 năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội xếp ở vị trí 9/63 tỉnh thành theo PCI, nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu. Đây là vị trí cao nhất của Hà Nội trong các năm qua, cho thấy Hà Nội đã có bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, với vị trí Top 10, Hà Nội đã về đích trước 2 năm so với mục tiêu TP đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ngay sau lễ công bố Chỉ số PCI năm 2018, TP sẽ ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp để phát huy những chỉ số đạt kết quả tốt, và khắc phục các chỉ số có kết quả chưa đáp ứng yêu cầu.
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại Lễ Công bố Chỉ số PCI sáng 28/3
Thưa ông, Hà Nội từ vị trí thứ 13 năm 2017 đã vươn lên đứng vị trí thứ 9/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng PCI. Đây là lần đầu tiên Hà Nội lọt vào nhóm 10 tỉnh, TP được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Hôm nay, thay mặt cho lãnh đạo Hà Nội tới dự Lễ công bố, cảm nghĩ của ông thế nào về bước tiến ngoạn mục này? Ông có thể cho biết, trong năm qua, Hà Nội đã làm gì để có sự tiến bộ này?
Chỉ số PCI của Hà Nội 6 năm tăng bậc liên tiếp và tăng 41 bậc trong 6 năm, từ vị trí 51 năm 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2018, về đích trước 2 năm so với mục tiêu TP đã đề ra. Để đạt được kết quả Hà Nội trong top 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI là một hành trình dài, bền vỉ và kiên định với rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Sau 14 năm kể từ ngày công bố, đối với TP Hà Nội, PCI từ chỉ số được quan tâm như một kênh thông tin tham khảo hữu ích, đo lường cảm nhận của DN đối với môi trường kinh doanh, đối với những cố gắng của TP Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, giờ đây đã trở thành chỉ số được giao nhiệm vụ, mục tiêu rõ ràng trong các chương trình của Thành uỷ, HĐND, triển khai cụ thể bằng các Kế hoạch của UBND TP, các sở, ngành, quận huyên… Việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành TP.
Với quyết tâm xây dựng Chính quyền lấy DN, người dân làm trung tâm phục vụ, từ năm 2016, TP đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội thuộc nhóm 10, tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. TP xác định đây là mục tiêu phải nỗ lực, quyết tâm cao độ và cần phải tiến hành từng bước vững chắc. Tập trung rà soát thủ tục hành chính tại tất cả các sở, ban, ngành, quận huyện thị xã, phường, thị trấn hướng tới liên thông điện tử; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử để tận dụng những tác động lớn và diện rộng của công nghệ thông tin với mạng lưới DN đông đảo và năng động được lựa chọn là những khâu đột phá.
Đến nay tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 toàn TP đạt 55%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đạt 100%, tỷ lệ DN khai thuế qua mạng đạt 98,4%, số DN có từ 10 lao động trở lên thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử Bảo hiểm xã hội đạt 98,8%. Rà soát đơn giản hóa 91 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư giảm 31,5%, trong lĩnh vực quy hoạch giảm 50%... Thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp đối với công trình nhỏ hơn 5 tuyến là 11 ngày, đối với công trình từ 5 tuyến trở lên là 16 ngày.
Bên cạnh đó, TP đã ban hành các chính sách hỗ trợ DN, chú trọng DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, vay từ Quỹ Đầu tư phát triển TP, mặt bằng sản xuất kinh doanh, xúc tiến thị trường, đào tạo nhân lực… Đặc biệt từ ngày 1/8/2018 TP Hà Nội triển khai chính sách hỗ trợ: phí công bố nội dung đăng ký DN lần đầu, kinh phí làm dấu, chuyển phát nhanh trả kết quả tại nhà cho DN thành lập mới… làm sao tạo thuận lợi ít gây phiền hà nhất cho nhà đầu tư, DN.
 Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng
Theo ông yếu tố nào mới là quan trọng nhất để DN hài lòng với cách điều hành của chính quyền địa phương? Bản thân ông cảm nhận thấy sự thay đổi về sức hút của chính quyền địa phương với cộng đồng DN trong quá trình nỗ lực cải thiện PCI thời gian qua như thế nào?
Niềm tin của các nhà đầu tư, DN với TP đã được khẳng định. Năm 2018, TP thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.
Riêng 3 năm 2016-2018 và 3 tháng đầu năm 2019 thu hút được gần 18,29 tỷ USD, bằng 2,92 lần giai đoạn 2011-2015; Số DN thành lập mới đạt kỷ lục từ trước đến nay với 78,728 nghìn DN thành lập mới, chiếm hơn 30,2% tổng số DN đăng ký thành lập mới từ năm 1992 đến nay, nâng tổng số DN đăng ký trên địa bàn TP là 260.379 DN.
Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, nâng chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong các chỉ số thành phần, chỉ số về gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ DN có điểm số cao, các chỉ số tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền đã tăng so với năm trước nhưng các chỉ số về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự hay đào tạo lao động lại giảm? Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
PCI là chỉ số tổng hợp gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói cung, có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng theo mô hình thành phố thông minh; cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng với những đòi hỏi về công nghệ mới trong tương lai; khắc phục tình trạng ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái... Thực hiện 17 nội dung trong đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn tầm nhìn đến năm 2030...
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để có chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Chỉ số PCI. Kiên định đến năm 2020, Hà Nội trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI. Ngay sau lễ công bố Chỉ số PCI năm 2018, TP sẽ ban hành Kế hoạch để triển khai các biện pháp để phát huy những chỉ số đạt kết quả tốt và khắc phục các chỉ số có kết quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Thưa ông, như báo cáo của VCCI đánh giá, nhóm dẫn đầu chỉ số PCI khẳng định sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá song cũng là thách thức không nhỏ để tiếp tục duy trì và tạo niềm tin nơi doanh nghiệp. Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục làm gì để tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh? Ông muốn nói điều gì với DN, nhà đầu tư?
Thứ hạng của Hà Nội ngày càng nâng lên, tiến dần và vào được Top 10 trong bảng xếp hạng lần này. Tuy vậy, TP luôn phấn đấu không ngừng,
Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho DN trong khởi sự kinh doanh và thực hiện các quy định của nhà nước. Coi trọng mục tiêu hướng tới sự hài lòng của công dân, DN trong công tác cải cách thủ tục hành chính như: Phấn đấu 80% thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến cấp độ 3,4; thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 4; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%.
Duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 98%. Đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra theo quy định và giải quyết đúng hạn. Phấn đấu 50% đơn vị sử dụng lao động thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về kê khai đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thời gian thông quan hàng hóa dưới 5 giờ 15 phút đối với hàng hóa xuất khẩu, 21 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, DN trên website/ trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc TP….
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa, nhiệm vụ của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu thực tiễn phát triển của TP. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương- trách nhiệm- tận tình- thân thiện” để phục vụ DN và người dân.
Khuyến khích và giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thị xã… phát huy sáng kiến, mô hình tốt trong triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh cơ quan thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Lãnh đạo chính quyền các cấp quyết tâm thực hiện tốt chủ đề năm 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Hy vọng, những nỗ lực của Hà Nội sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư. TP kêu gọi các Hiệp hội DN, Hiệp hội ngành nghề, các DN, tổ chức, cá nhân cùng hiến kế, đóng góp ý kiến để TP tiếp tục có những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của  TP. 
Xin cảm ơn ông!