Bí quyết để thanh niên không bị thất nghiệp trong thời đại số
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn ở mức cao
Bản tin Thị trường lao động Việt Nam quý III/2024 do Bộ LĐTB&XH mới công bố cho thấy, cả nước có 1,05 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, chiếm 2,24%. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp quý III/2024 tuy có giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao (7,75%).

Từ số liệu khảo sát, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội cho rằng, lao động trẻ có thể gặp khó khăn khi đi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay do đa số mới ra trường, thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng thường ưa chuộng ứng viên có kinh nghiệm làm việc.
Một số ngành nghề yêu cầu các kỹ năng đặc biệt mà lao động trẻ có thể chưa có như kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng lãnh đạo hoặc kỹ năng quản lý. Một lý do nữa khiến lao động trẻ gặp khó khăn khi đi tìm việc là các DN yêu cầu cao về bằng cấp và chứng chỉ. Việc này có thể là một rào cản cho lao động trẻ mới ra trường hoặc không có điều kiện học hành.

Giải trình trước Quốc hội về chỉ số thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên ở mức 7,92%, ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, so với các tiêu chí về thất nghiệp thì chưa hẳn toàn bộ mà còn có cả số thanh niên thiếu việc làm, chưa có việc ổn định, bền vững.
Ông Đào Ngọc Dung đề cập đến các nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, đó là kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; Việt Nam cũng như các nước chịu tác động bởi những yếu tố bất ổn khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn. Trong khi đó, nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên nhân lực có nhiều kinh nghiệm, có thể đảm nhận nhiều công việc để tiết kiệm chi phí, dẫn đến lao động trẻ khó khăn để thích ứng.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo diễn ra nhanh, nhiều công việc được thay thế bởi máy móc và công nghệ, gia tăng cạnh tranh với nhóm lao động trẻ. Một bộ phận lao động trẻ lại ưu tiên tìm công việc ổn định, lâu dài dẫn đến thất nghiệp tạm thời.
Học một ngành nhưng làm được nhiều vị trí
Để giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, chủ trương chung của Nhà nước là hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động việc làm; tập trung phát triển kỹ năng cho thanh niên theo hướng linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, thực hiện chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý. Nhà nước thực hiện chính sách ưu đãi thuế suất, lãi suất để tạo điều kiện cho thanh niên, nhất là trong đào tạo nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp đào tạo nghề...
Hiện nay, để lao động trẻ có sự nghiệp bền vững thì phụ thuộc vào các năng lực, tư duy bậc cao. Đây là quan điểm của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Trần Thành Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng chia sẻ về việc: “Sống trong một thế giới mà càng có nhiều yếu tố về mặt công nghệ thì những yếu tố thuộc về con người ngày càng được trân trọng và đề cao hơn. Tuy nhiên, các bạn trẻ bây giờ dường như đang tập trung quá nhiều vào các yếu tố liên quan đến kiến thức hàn lâm chứ không phải kiến thức thực chiến để có thể làm việc".
Để giúp lao động trẻ có việc làm ngay khi tốt nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu của DN, nhiều năm nay, với sự chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận, huyện; các trường đại học trên địa bàn Thủ đô tổ chức những phiên giao dịch việc làm lưu động, phiên giao dịch việc làm dành cho sinh viên. Hoạt động này thu hút nhiều DN tham gia tuyển dụng hàng ngàn chỉ tiêu làm việc part time, full time.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm sẽ giúp lao động trẻ tiếp cận thị trường việc làm thực tế. Từ đây, các bạn trẻ thấy được mình đi học nghề hoặc cao đẳng cũng có thể xây dựng được một sự nghiệp cho bản thân. Các bạn sẽ phải xác định mình học một ngành nhưng làm được nhiều vị trí việc làm. Và để làm tốt được một công việc thì người trẻ cần phải trang bị kiến thức từ các ngành nghề khác nhau mới có sự nghiệp bền vững. Nếu không, các bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp ở tuổi 35 trở lên.

196.000 người ở Hà Nội được giải quyết việc làm
Kinhtedothi – 10 tháng của năm 2024, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 196.260 người lao động, đạt 118,9% kế hoạch.

Nhiều học sinh tốt nghiệp có việc làm, thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng/tháng
Kinhtedothi– Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024 – 2025, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, nhà trường đẩy mạnh hợp tác với DN mang đến kết quả nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp có việc làm với thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng/tháng.

Trao nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cho người khuyết tật
Kinhtedothi – Tại Hội chợ việc làm Kết nối DN với lao động là người khuyết tật, nhiều người bị khiếm khuyết một phần cơ thể đã có cơ hội tìm kiếm những công việc phù hợp để có thu nhập và tạo dựng cuộc sống tự lập.