Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết làm bài thi tiếng Anh vào lớp 10 đạt điểm cao: Học sinh phải nắm vững kiến thức và có chiến thuật khi làm bài

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Học tập là cả quá trình đúc kết kiến thức và rèn luyện kỹ năng lâu dài. Đối với môn Tiếng Anh, HS có kiến thức thôi chưa đủ, mà phải có chiến thuật khi làm bài mới đạt điểm cao” – cô Nguyễn Thúy Hằng – giáo viên Tiếng Anh, trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết.

Lưu ý từ vựng, phát âm, ngữ pháp
          Chỉ chục ngày nữa là đến Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Cô giáo có lời khuyên gì đối với các em học sinh (HS) lớp 9 trong việc ôn luyện môn thi Tiếng Anh hiệu quả?
          - Học tập là cả quá trình đúc kết kiến thức và rèn luyện kỹ năng lâu dài Ngoài việc là môn học bắt buộc trong trường phổ thông, tiếng Anh còn là đam mê và sở thích của HS. Trong giai đoạn này, HS cần chú ý đến 5 yếu tố: Sức khỏe, Thời gian, Kiến thức, Chiến thuật và Tâm lý. HS cần bình tĩnh phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lí, tự xếp thời khóa biểu cá nhân phù hợp với điểm mạnh điểm yếu của bản thân; ăn uống đủ chất, giữ sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này.
Tuy nhiên, HS có kiến thức thôi chưa đủ, mà phải có chiến thuật khi làm bài, ví dụ khi nhận đề, HS không nên tập trung quá nhiều thời gian cho những câu khó để tới khi quay lại làm những câu dễ thì hết giờ. Yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Các em hãy chủ động chia sẻ với bạn bè, bố mẹ hoặc thầy cô để có tâm lý tốt nhất trong thời gian này.
 Cô Nguyễn Thúy Hằng khuyên các sĩ tử nắm vững kiến thức và có chiến thuật khi làm bài thi vào lớp 10 để đạt điểm cao.
          Trong thời gian từ nay đến lúc thi, khi ôn tập môn Tiếng Anh về Ngữ pháp, Từ vựng và Phát âm, HS cần lưu ý những điều gì, thưa cô?
          - Bài thi vào lớp 10 sẽ không có giới hạn từ vựng về các chủ điểm trong hệ thống sách giáo khoa từ lớp 6 - 9, nhưng thường không quá khó. Các em HS cần nắm vững những từ thông dụng và từ loại của chúng thuộc các chủ đề quen thuộc như cuộc sống thành thị/ nông thôn, ô nhiễm, thiên tai, … đã học.
Về phát âm, HS cần nắm vững cách đọc các từ tận cùng bằng _ed hoặc _s/_es là những dạng bài hay được hỏi; nắm vững quy luật trọng âm với các mẹo đã được học, ví dụ như trọng âm thường rơi vào âm thứ 2 từ cuối lên những từ chứa đuôi _tion, _ic, _sion…Hệ thống kiến thức về ngữ âm và phát âm trong phần A closer look 1 của mỗi đơn vị bài học trong SGK tiếng Anh 6, 7, 8, 9 về cơ bản là đủ để đáp ứng yêu cầu của bài thi.
Về ngữ pháp, giáo viên đã hướng dẫn HS ghi chép/ ôn tập theo chủ đề: Sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, thì của động từ, câu bị động, câu trần thuật, các loại mệnh đề…và những cấu trúc thường gặp như “S+suggest+V_ing”/ “S+ suggest + that+ SB (should) do ST”… Các em cần xem lại để nắm chắc chúng nhé.
Xem lại những lỗi sai khi luyện đề
          Đối với dạng bài đọc – hiểu, HS cần chuẩn bị và các bước làm như thế nào để đạt điểm tối đa?
          - Bài Đọc - hiểu thường gồm 2 dạng bài, HS cần có cách tiếp cận khác nhau: Dạng bài đọc hoàn chỉnh với các câu hỏi để HS chọn đáp án trả lời: Kĩ thuật sử dụng chủ yếu là skimming (đọc lướt lấy ý chính) và scanning (đọc tìm thông tin cụ thể). HS cần xác định từ khóa trong câu hỏi, sau đó scan từ khóa trong bài, đọc kĩ câu chứa từ khóa (trong 1 số trường hợp có thể là câu phía trước hoặc câu phía sau câu chứa từ khóa), từ đó xác định thông tin nào trong các đáp án A, B, C hay D là phù hợp nhất.
Dạng bài đọc có chỗ trống trong bài khóa, HS lựa chọn đáp án để điền: HS cần đọc kĩ bài, chú ý đến vị trí phía trước và phía sau dấu “…” để lựa chọn đáp án phù hợp, có thể dịch nhẩm bài thật sát nghĩa khi làm để có lựa chọn chính xác hơn.
Học sinh lớp 9 trường THCS Thăng Long đang làm bài thi thử trực tuyến để đánh giá năng lực và rèn tâm lý trước khi thi sáng ngày 28/5

          Thời gian nước rút này, HS có nên tập trung luyện đề thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh?
          - Chắc chắn trong thời gian này, HS cũng đã làm được rất nhiều đề trắc nghiệm. Khi chữa đề, các em thường được yêu cầu dùng bút đỏ chữa lỗi sai của mình. Các em nên dành thời gian ưu tiên xem lại các lỗi sai, tự phân tích để chắc chắn không lặp lại lỗi đó. Đây là cách ôn hiệu quả nhất trong thời điểm này.
Ở trường THCS Thăng Long - một trong 5 trường điển hình của Đề án dạy và học ngoại ngữ của Sở GD&ĐT Hà Nội, giáo viên thường tận dụng các phương tiện ôn tập trực tuyến sẵn có như Quizizz, hay tạo đề trắc nghiệm trên MS Forms, Google Forms, Shub classroom… theo chủ đề, có chia theo các trình độ từ cơ bản đến nâng cao; hoặc dạng bài thi vào lớp 10 đầy đủ để HS làm và chữa bài cho các em. Điểm thuận lợi là HS có thể làm đi làm lại các đề này nhiều lần để khắc sâu kiến thức.
          Khi làm bài thi môn Tiếng Anh, các em HS có nên làm lần lượt từ đầu đến cuối?
          - Việc bắt đầu trước với dạng bài nào là tùy từng học sinh, như vậy việc làm bài thi sẽ hứng thú và đỡ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là tỉ lệ HS làm sai dạng bài tìm từ trái nghĩa (opposite meaning) cao hơn cả, thường do các em hồi hộp không đọc kĩ đầu bài. Nếu vậy, các em làm những câu của dạng bài này trước tiên, khi đầu óc còn tỉnh táo.
Những câu hỏi mẹo thường chiếm tỉ lệ không nhiều trong đề, HS nên đánh dấu lại rồi ưu tiên các câu “căn bản” trước để “cầm chắc” số điểm, sau đó tính toán thời gian quay trở lại suy nghĩ sau. HS đừng quá tập trung vào 1-2 câu khó mà bỏ lỡ những câu “ăn điểm” còn lại.
Những câu khó các em có thể cân nhắc đến gần những phút cuối, rồi tô vào Phiếu trả lời sau cùng. Và, một điều không thể quên là các em cần hoàn thành bài thi của mình để có cơ hội ghi điểm, không nên để trống bất kỳ câu nào.
Chúc các em HS thân yêu sức khỏe, tự tin và làm bài thật tốt trong kì thi sắp tới!
Xin cảm ơn cô!