Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết sống lâu của cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát hiện “cặp vợ chồng” cao tuổi nhất - Bách niên trường thọ S100 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Hội người cao tuổi tỉnh Quảng Trị thực hiện nhằm tôn vinh các cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi.

Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) vừa xác lập tiêu chí bình chọn “cặp vợ chồng” sống thọ nhất và xác định đó là vợ chồng cụ Trương Triêm (104 tuổi) và Trần Thị Cháu (106 tuổi, hiện ở thị xã Quảng Trị).

Việc phát hiện “cặp vợ chồng” cao tuổi nhất - Bách niên trường thọ S100 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Hội người cao tuổi tỉnh Quảng Trị thực hiện nhằm tôn vinh các cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi.

Tìm về thị xã Quảng Trị, hỏi nhà cụ Trương Triêm, cả khu phố ai cũng biết và không ngớt lời trầm trồ, ngưỡng mộ vợ chồng cụ. Một cụ ông sống ở khu phố An Đôn bày tỏ: “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi khu phố của mình có 2 cụ được bình chọn là sống thọ nhất Việt Nam. Bao nhiêu năm nay, được sống gần các cụ, chúng tôi được học hỏi thêm rất nhiều điều từ cung cách sống, sự mẫu mực với con cháu, chan hòa với mọi người…”
Hiện cụ Triêm và cụ Cháu đang sống với các con trai ở thị xã Quảng Trị
Hiện cụ Triêm và cụ Cháu đang sống với các con trai ở thị xã Quảng Trị
Phải mất khá nhiều thời gian, chúng tôi mới gặp được cụ Triêm, bởi cụ đã chuyển về sống cùng người con trai là ông Trương Ngọc Hiệp. Nhìn vóc dáng và tác phong của cụ, ai cũng phải thán phục bởi dù tuổi đã cao, ở vào dạng “xưa nay hiếm” nhưng các cụ vẫn còn khá minh mẫn, ăn uống, sinh hoạt bình thường với con cháu. Đối với các cụ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất ở đời, và các cụ may mắn có được.

Ông Trương Ngọc Hiệp cho biết: Thời gian gần đây, vì lo cho sức khỏe của cha, mẹ nên anh em chúng tôi đưa về nhà mình để tiện chăm sóc. Mỗi ngày làm việc gần nhà để dành thời gian chăm ông, bà nên cũng thấy an tâm và bớt đi sự lo lắng. Hơn nữa, có con cái ở bên cạnh, chắc chắn các cụ cũng sẽ vui hơn. “Hiện nay, ông bà vẫn ăn uống đều đặn, vẫn nói chuyện được. Hằng ngày cụ ông cũng vận động được một đoạn nên thấy vẫn khỏe. Riêng bà thì do gặp phải tai nạn nên nay phải nằm một chỗ”, ông Hiệp nói.

Theo giấy Chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Bình - Trị - Thiên (cũ) cấp cho vợ chồng cụ Trương Triêm thì cụ sinh ngày 15/10/1910 và cụ Trần Thị Cháu là ngày 28/10/1908.

Trò chuyện với cụ Triêm, chúng tôi càng khâm phục trí nhớ của cụ. Bởi dù đã sống qua 2 thế kỷ nhưng cụ vẫn nhớ như in những kỷ niệm hồi còn thanh niên…

Cụ Triêm nhớ lại: “Hồi đó, chiến tranh rất ác liệt nên gia đình cụ phải di chuyển lên vùng đồi Ba Quạt, An Đôn để sinh sống và tránh bom đạn. Do đây là vùng núi nên thường xuyên có thú vật về làng. Một hôm, anh em trong làng bắt gặp một con cọp lớn, thế là cùng nhau hò hét rồi dùng gậy đuổi nó quay lại rừng…”

Chia sẻ về bí quyết sống thọ, cụ Triêm nói: “Là nông dân chính gốc nên có lẽ quá trình lao động đã rèn luyện và cho vợ chồng tui sức khỏe. Ai cũng vậy, việc luyện tập sức khỏe, vận động thường xuyên thì sẽ giúp cho con người trở nên khỏe mạnh, ít ốm đau hơn”.

Qua tìm hiểu từ người thân của cụ, chúng tôi được biết thêm rằng cụ Triêm không bao giờ hút thuốc, ít uống rượu và không ăn kiêng bất cứ thứ gì. Khi không lao động được nữa thì mỗi ngày cụ dành thời gian khoảng 30 phút để vận động, đi lại trong vườn nhà. Nhờ đó, bao lâu nay cụ chưa một lần phải nhập viện điều trị bệnh. Riêng cụ Cháu thì do gặp tai nạn không may nên hiện phải nằm một chỗ, nhờ vào sự chăm sóc của con cháu.

Bà Bùi Thị Em, con dâu 2 cụ bày tỏ: “Bao nhiêu năm về làm dâu, tui học được rất nhiều từ tính cần cù, chăm chỉ và đạo đức khiêm nhường của bố mẹ chồng. Ông bà rất thương con, cháu và chưa bao giờ có lời nào nặng nề cả. Một năm qua, bà bị ốm nên vợ chồng tui đưa bà về đây để tiện chăm sóc. Hiện bà vẫn ăn uống tốt nhưng không thể đi lại được do vết thương nặng ở chân. Hễ khi nào con, cháu, người thân đến thăm, bà vẫn nói chuyện bình thường, rồi hỏi han sức khỏe từng người. Chúng tôi luôn mong muốn ông bà sức khỏe để sống lâu cùng con cháu”.

Bao nhiêu năm chung sống, có với nhau 7 người con (gồm 6 con trai, 1 con gái), cụ Triêm vẫn hay kể lại với con cháu và bà con rằng: Việc 2 cụ đến với nhau là một cơ duyên, do cha mẹ hai bên sắp đặt. Đến ngày cưới mới nhìn mặt nhau nhưng vẫn chung sống hòa thuận, thậm chí rất hiểu tính nhau. “Hai vợ chồng tui đi lên từ vất vả, khổ cực nên có lẽ cũng thông cảm cho nhau về hoàn cảnh. Cả hai đều lo lắng, chăm chỉ làm ăn để nuôi 7 người con khôn lớn. Hai người con trai lớn lên đi bộ đội, rồi hy sinh ở chiến trường. Còn những người còn lại đều học được từ cha mẹ tính chăm chỉ, cần cù, biết lo lắng cho cuộc sống”.

Có lẽ, những người con của 2 cụ đều thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ để lo cho con khôn lớn, trưởng thành và có cuộc sống ổn định như hôm nay. Cụ thường khuyên các con rằng: “Ló (lúa) đầy căn, ăn có chừng”. Ý nói là phải biết chăm chỉ, cần cù lao động thì mới làm ra được của cải, mới đảm bảo cho cuộc sống của mình. Khi đã có của cải rồi thì phải biết căn cơ, tích lũy và dành dụm để phòng khi khó khăn.
Con cháu trong gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho 2 cụ
Con cháu trong gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho 2 cụ
Trong suy nghĩ của các con 2 cụ, cha mẹ luôn là tấm gương sáng để con cháu học tập. Các cụ thường khuyên con cháu phải ăn ở thuận hòa, thương yêu lẫn nhau, sống chan hòa với bà con lối xóm, không được làm điều gì ác, thất đức, có lỗi với chính bản thân và ảnh hưởng đến cộng đồng. Những điều này được cụ Triêm đúc rút từ tư tưởng của Phật giáo để áp dụng vào cuộc sống và tự điều chỉnh bản thân và gia đình.

Hiện, cụ Triêm và cụ Cháu đã có 21 người cháu nội, ngoại, cùng với 24 người chắt, chít. Nhiều người cháu của các cụ đã có gia đình và đã ra ở riêng, một số ở với cha, mẹ. Những khi gia đình có dịp sum họp, mọi người lại quây quần bên hai cụ để nghe kể chuyện và những lời răn dạy của ông bà. Đối với các cháu, chắt luôn xem ông bà, cố của mình là tấm gương sáng, luôn dành sự yêu thương hết mực với con cháu. Vừa qua, gia đình cũng đã tổ chức lễ mừng thọ cho cụ Triêm và cụ Cháu.