[Bí thư chi bộ - nhiều niềm vui, lắm nhọc nhằn] Bài 2: Cầu nối giữa Đảng với dân

Hồng Thái - Trần Thảo - Minh Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ thực tế các quận, huyện tại Hà Nội cho thấy, bí thư chi bộ địa bàn dân cư đa phần là cán bộ nghỉ hưu, tuổi cao nhưng đều đã trải qua công việc trong nhiều lĩnh vực, được đảng viên tín nhiệm cao.

Họ có vai trò rất lớn trong việc củng cố, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân trong phường, xã, để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ ở địa phương.
Gần dân, sát cơ sở
Khi nói về công việc thường nhật của mình, nhiều Bí thư chi bộ địa bàn dân cư cho rằng, chỉ là trung gian nối liền tổ chức Đảng cấp trên với đảng viên, Nhân dân ở cơ sở từ đó lãnh đạo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương.
Nói nghe có vẻ rất đơn giản vậy nhưng để làm tốt đòi hỏi chính người bí thư chi bộ phải gần gũi dân, có trách nhiệm với dân. Thường xuyên sâu sát với hộ gia đình, tổ dân phố, đặc biệt là quy tụ các thành tố trong địa bàn dân cư, trở thành trung tâm đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Đồng thời, đặc thù dễ nhận thấy ở các chi bộ địa bàn dân cư hiện nay là tuổi đời đảng viên khá cao, hầu hết là cán bộ về hưu. Không ít người được miễn sinh hoạt do tuổi cao, sức yếu, trong khi nguồn tại chỗ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Việc trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nhất là đội ngũ cấp ủy chi bộ dân cư đang là vấn đề khó, không dễ khắc phục trong thời gian ngắn.
Đối với các thôn, làng trong quá trình đô thị hóa, liên quan GPMB hay tuyến phố văn minh thương mại, nhiệm vụ càng nặng nề hơn, do đó, việc tuyên truyền, triển khai nghị quyết trên địa bàn là một việc không dễ. Nếu bí thư nhiệt tình cao, làm đúng trách nhiệm sẽ rất vất vả.
Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, quận có tổng số 92 Bí thư chi bộ địa bàn dân cư. Qua thực tiễn của các phường cũng như qua đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm có thể thấy, Bí thư chi bộ địa bàn dân cư rất quan trọng. Nếu như ở đâu mà Bí thư chi bộ yếu thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả về lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố.
Nếu Bí thư chi bộ không phát huy tốt vai trò trung tâm, thì mối quan hệ giữa chi bộ, đoàn thể cũng lỏng lẻo theo. Nhưng điều đáng mừng là tại Tây Hồ, hiện các bí thư chi bộ đều phát huy tốt năng lực, có đạo đức, chính trị, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đã góp sức rất lớn vào sự phát triển của địa phương.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy phường Phú Thượng Nguyễn Mạnh Hải nhận định: Trong thời gian qua, phường xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phường văn hóa và làng nghề xôi Phú Thượng. Các nhiệm vụ đó đều được Bí thư chi bộ địa bàn dân cư vận động thuyết phục người dân nhiệt tình tham gia và hoàn thành hai mục tiêu này.
“Nói cách khác, nghị quyết của Đảng bộ phường truyền tải được tới người dân là do thông qua Bí thư chi bộ. Ở đâu Bí thư sâu sát, trách nhiệm thì nghị quyết đi được sát tới người dân”- ông Hải nhận định.
Có thể nói rằng, Bí thư chi bộ tại các địa bàn dân cư chính là những cánh tay nối dài của Đảng bộ, chính quyền TP, quận, huyện đến cơ sở. Theo Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa Nguyễn Anh Cường: Đối với các Bí thư chi bộ địa bàn dân cư, quận luôn xác định đây là cán bộ nòng cốt cấp cơ sở, “chân rết” của Đảng, trực tiếp quản lý đảng viên ở địa bàn dân cư.
Để phát huy tinh thần sáng tạo cũng như trách nhiệm của bí thư chi bộ, hàng tháng, hàng quý quận đều ra các nghị quyết, truyền tải tới Bí thư các chi bộ. Các phường thường có những buổi nói chuyện theo chuyên đề, nói chuyện thời sự, cập nhật tình hình thông tin trong nước, quốc tế, những thông tin liên quan đến chính trị. Từ đó các bí thư chi bộ sẽ phổ biến đến các chi bộ.
“Bí thư chi bộ là những người triển khai nghị quyết tới đảng viên trong chi bộ, phổ biến, chủ động trong việc sinh hoạt chi bộ, để tạo sự thống nhất trong thực hiện từ quận tới cơ sở, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương”- Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa nhận định.
Tiếng nói từ cơ sở
Khi nói về vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ địa bàn dân cư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nga cho biết: Phường có 6 chi bộ ở khu dân cư và mới thành lập thêm 1 chi bộ ở tòa nhà chung cư. Hầu hết Bí thư chi bộ lúc còn công tác đều có kinh nghiệm, vị trí nên khi về địa phương, với trách nhiệm của mình, đã làm tốt nhiệm vụ được giao.
Với đội ngũ Bí thư chi bộ, phường thực hiện quy chế giao ban mỗi tháng một lần, đồng thời giao ban theo chuyên đề khi cần thiết. Khi có bất cứ việc gì liên quan, phường luôn xin ý kiến của các đảng ủy viên mở rộng, trong đó có đội ngũ Bí thư chi bộ. Có những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp, các bác đều góp ý và được Đảng ủy, Thường trực Đảng ủy tiếp thu.
Khẳng định mỗi hạt nhân tổ chức cơ sở Đảng tốt, thì địa phương tốt, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn nhận định: Lãnh đạo từ quận, phường luôn trân trọng ý kiến của các bí thư chi bộ. Đó là đội ngũ cán bộ cơ sở đã giúp quận rất nhiều trong triển khai các nhiệm vụ chính trị. Bởi nơi nào Nhân dân thiếu đồng thuận, không nắm được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ rất phức tạp
. Đặc biệt, với vấn đề lớn nhất hiện nay là công tác GPMB thực hiện dự án, nếu bí thư chi bộ vận động phù hợp, cộng với chủ trương, chính sách đúng, Nhân dân đồng thuận, mọi việc sẽ trôi chảy. Hay trong công tác quản lý đất đai, như ở Tây Hồ là đất ngoài bãi, đất nông nghiệp xen kẹt, chính Bí thư các chi bộ đã quản lý giúp cho quận rất nhiều, tránh được những vi phạm xảy ra.
Ở nhiều quận, huyện cũng cho thấy, trách nhiệm và vai trò của bí thư chi bộ trong công tác GPMB rất quan trọng và không thể thiếu. Hầu như các dự án từ lớn, đến nhỏ, vai trò của bí thư chi bộ là truyền tải được chủ trương, định hướng chính sách, các quy định tới cán bộ, đảng viên, tham gia tuyên truyền vận động, công tác quán triệt đảng viên rất hiệu quả.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến: “Quận, phường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các bí thư chi bộ thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Các ý kiến, kiến nghị của bí thư chi bộ qua hội nghị tiếp xúc cử tri, qua các buổi gặp mặt, đối thoại luôn được chính quyền lắng nghe, giải quyết thấu đáo. Niềm tin của người dân dành cho các bí thư chi bộ rất lớn, có những người đã làm Bí thư chi bộ rất nhiều nhiệm kỳ, là cầu nối, truyền tải thông tin tới người dân, được Nhân dân tin tưởng”.
Thực tế vẫn ít nhiều xảy ra tình trạng bí thư chi bộ chưa thực sự làm hết trách nhiệm hoặc không nắm vững quy định của pháp luật, “non nghề” dẫn đến những sai sót. Tuy nhiên vai trò của Bí thư chi bộ địa bàn dân cư là không thể thiếu, họ chính là trung tâm, là linh hồn tập hợp sức mạnh của đảng viên và Nhân dân để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
(Còn nữa)

"Cái khó nhất của Bí thư chi bộ địa bàn dân cư là phải phát huy cao tính dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, triển khai các vấn đề trọng tâm không để quan điểm cá nhân chi phối. Nếu làm tốt, việc triển khai các nghị quyết, công việc rất thuận lợi, không bị vướng, mới đóng góp hiệu quả vào các vấn đề của địa phương." - Ông Công Văn Hậu - Bí thư Chi bộ 7 (phường Phú Thượng, Tây Hồ)


"Quan điểm của chúng tôi là luôn tôn trọng ý kiến của đội ngũ Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. Chúng tôi luôn lắng nghe và nhận thông tin nhiều chiều, trong đó, có những thông tin từ cơ sở, khu dân cư nên nhiều việc, chủ trương lớn đề ra như thực hiện mô hình Tổ dân phố “5 không”, mô hình bắt chó thả rông, mô hình về khoán quản… mọi việc đều được người dân ủng hộ, thực hiện nghiêm túc.

Nếu mình luôn công khai, minh bạch mọi thông tin, luôn tiếp thu ý kiến từ đội ngũ Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận… những việc dự kiến triển khai đều thành công." - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang Trần Thị Nga