Bí thư Đảng ủy trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn: Trường đại học mong chờ nhiều hơn cơ chế chính sách thông thoáng

Oanh Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Đảng ủy trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, báo cáo đã nêu đậm nét những kết quả và định hướng phát triển của GD&ĐT.

 Bí thư Đảng ủy trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn 
Các trường ĐH mong chờ TP có những cơ chế chính sách thông thoáng hơn, tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đánh giá đậm nét đóng góp của giáo dục - đào tạo
Thưa PGS, Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII đã đánh giá kết quả thực hiện phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt những kết quả quan trọng. Ông có ý kiến gì về các nhận xét trong báo cáo?
- Trong Dự thảo báo cáo đưa ra những nhận định tương đối đầy đủ và thực sự quan tâm đến lĩnh vực GD&ĐT, khoa học công nghệ và coi là trọng tâm. Đồng thời, khẳng định đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá.
Tuy nhiên, chúng tôi mong chờ nhiều ở bản Dự thảo báo cáo làm rõ hơn tác động, những đóng góp của đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ở Thủ đô; cũng như các đóng góp những kết quả nghiên cứu vào phát triển TP Hà Nội. Và, nguồn nhân lực chất lượng cao ấy đã có đóng góp vào nền kinh tế như thế nào. Như thế, sẽ chỉ ra được, Thủ đô thu hút đầu tư rất mạnh các tập đoàn lớn và cũng là nơi các DN lớn phát triển tốt; cũng như lý do tập đoàn, DN chọn Hà Nội làm nơi đầu tư chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự thảo báo cáo đặt ra mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội cơ bản trở thành TP CNH - HĐH, GRDP/người đạt 8.100 - 8.300 USD; các trường ĐH nên đóng góp như thế nào cho sự phát triển của TP?
- Theo tôi, mỗi trường ĐH cần xây dựng chiến lược phát triển gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước thì mới thành công. Đây là quan hệ hai chiều: TP có được lợi thế cạnh tranh so với địa phương khác vì nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển KHCN rất mạnh.
Ngược lại, các trường ĐH, CĐ lại có lợi thế đặt ở Thủ đô, có khả năng thu hút người học hơn. Thứ nữa, những DN, tập đoàn đầu tư ở Hà Nội chính là đầu ra cho trường ĐH, CĐ về sinh viên tốt nghiệp, kết quả nghiên cứu; hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Và, còn bởi lợi thế TP Hà Nội đóng vai trò đặt hàng, giao nhiệm vụ để đào tạo, nghiên cứu.
Do vậy, để thành công, các trường ĐH, CĐ cần điều chỉnh chiến lược phát triển và đổi mới quản trị gắn với phát triển đào tạo của trường về nguồn nhân lực các ngành, lĩnh vực, trình độ mà đầu tiên Hà Nội cần. Cũng như, phát triển lĩnh vực KHCN TP ưu tiên như: CNTT, điện tử, tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu thông minh, môi trường và sức khỏe.
  Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm thực hành.
Rất cần cơ chế chính sách thu hút nhân tài
Ở chiều ngược lại, Hà Nội cần có cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường ĐH, CĐ, thưa ông?
- TP không cần làm gì nhiều trong câu chuyện thu hút nhân lực, bởi đây là việc của các cơ quan, DN, tổ chức đóng trên địa bàn. Để tận dụng lợi thế của các trường ĐH, CĐ, việc tốt nhất TP làm chính là tạo cơ chế chính sách về đất đai, quản lý quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho các trường phát triển mở rộng khuôn viên, xây dựng các công trình đào tạo, nghiên cứu. Chúng tôi rất mừng là trong văn kiện lần này không đề cập đến chuyện di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi Hà Nội mà cùng hỗ trợ để phát triển, xây dựng những công trình mới, rõ ràng cho thấy chúng ta muốn các DN đến đầu tư thì trường ĐH, CĐ phải nằm ở đây.
Thực hiện Luật Đầu tư về đối tác công tư, các tập đoàn DN rất muốn đầu tư vào những trường ĐH xây dựng tòa nhà, trung tâm nghiên cứu... Điều này rất cần TP có cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, tạo điều kiện thông thoáng để các trường ĐH triển khai, hợp tác với những DN lớn để phát triển trung tâm nghiên cứu và khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, các trường ĐH được TP hỗ trợ nhưng quy trình giải quyết thủ tục đất đai, xây dựng, quy hoạch còn rất chậm và vướng.
TP có thể sử dụng ngay nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường ĐH, CĐ bằng cách đầu tư, hợp tác và đặt hàng các trường ĐH, CĐ nghiên cứu phát triển. TP muốn phát triển thì rất cần hợp tác với các trường nghiên cứu khoa học về quy hoạch, môi trường, y tế, giáo dục, giao thông... bằng các chương trình dài hơi. Về phía các trường ĐH, CĐ có nhiệm vụ thu hút tài năng từ nước ngoài về cũng rất mong được TP hỗ trợ thêm cơ chế chính sách liên quan đến giấy phép lao động, chính sách hỗ trợ tối đa về an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nước ngoài hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.
Để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế, có những ý kiến cho rằng Hà Nội nên đầu tư hơn cho các cấp học?
- Trong dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu khá đầy đủ về việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết TP nên tập trung đầu tư cho giáo dục bậc phổ thông; còn đối với khối ĐH trên địa bàn trực thuộc các bộ, ngành nên có cơ chế chính sách hỗ trợ và hợp tác.
Các trường ĐH mong muốn, thứ nhất, TP dành một khoản ngân sách để đặt hàng đào tạo trình độ sau đại học hoặc đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức về các lĩnh vực mà TP cần. Thứ hai, TP đặt hàng, nghiên cứu khoa học để giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như định hướng lâu dài để phát triển Thủ đô. Thứ ba, TP nên có những chính sách mạnh hơn để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT.
Nhưng, như tôi đã nói, hơn tất cả, các trường ĐH mong chờ nhiều hơn ở cơ chế thông thoáng về hỗ trợ đất đai, quy hoạch quản lý xây dựng để các trường có điều kiện đầu tư phát triển khuôn viên, cũng như cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho người Việt Nam, người nước ngoài an tâm khi về nước làm việc.
Đặc biệt, TP cần có cơ chế hỗ trợ để các nhân tài về Thủ đô có được môi trường an sinh xã hội và môi trường làm việc, môi trường sinh sống tốt. Bài học của Bắc Kinh, Thượng Hải về chính sách thu hút nhân tài Hà Nội rất nên tham khảo, thay vì theo cách cũ chỉ dừng ở chế độ đãi ngộ các nhà khoa học, chuyên gia về làm việc.
Xin cảm ơn ông!

Đối với giáo dục phổ thông, TP Hà Nội nên ưu tiên đầu tư mở rộng trường lớp để giảm số học sinh trong lớp học. TP đầu tư đào tạo giáo viên giỏi bằng cách đặt hàng các trường sư phạm và bảo đảm giáo sinh tốt nghiệp có việc làm.

Bên cạnh đó, có những chính sách quy hoạch lại về đất đai, xây dựng để hỗ trợ được khối trường tư thục phát triển. Nhờ đó, khi chi phí xây dựng giảm đi, các trường tư thục sẽ thực hiện nhanh hơn và người học sẽ phải đóng học phí ít hơn.

Tôi rất tâm đắc khi trong dự thảo đề ra Mạng lưới sáng kiến Hà Nội. Đây là ý tưởng tuyệt vời để kết nối các nhà tri thức, chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới và trong nước để đề xuất, tư vấn những chính sách, ý tưởng cho Thủ đô. Nếu kết hợp Mạng lưới sáng kiến Hà Nội với chính sách thu hút nhân tài về làm việc sẽ tạo ra lợi thế lớn để Thủ đô phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần