Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội Đỗ Ngọc Du: Người con ưu tú của Thủ đô

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Mặc dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đồng chí Đỗ Ngọc Du luôn là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, tinh thần kiên trung cống hiến cuộc đời cho cách mạng, để lại niềm tự hào và kính phục cho các thế hệ sau.

Vào dịp kỷ niệm 90 năm Đảng bộ TP Hà Nội, chúng tôi về thăm lại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, quê hương của đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ TP Hà Nội. Mặc dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đồng chí luôn là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, tinh thần kiên trung cống hiến cuộc đời cho cách mạng, để lại niềm tự hào và kính phục cho các thế hệ sau. 
 Nhà số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội - nơi đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí có tư tưởng tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp và thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Theo tư liệu lịch sử, đồng chí Đỗ Ngọc Du (bí danh Phiếm Chu), sinh ngày 20/12/1907 tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp tiểu học, năm 1922, đồng chí Đỗ Ngọc Du vào trường Bưởi học cùng những người cộng sản nổi tiếng sau này như: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc… Đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí Nguyễn Danh Đới, Phạm Văn Đồng cũng từng sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp huấn luyện chính trị khóa II do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng Mác xít do Nguyễn Ái Quốc thành lập tháng 6/1925
Đồng chí đã tham gia thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tại số 5D Hàm Long và là thành viên sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội cũng được thành lập sau đó. Đồng chí Đỗ Ngọc Du giữ chức Bí thư Xứ ủy Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Kỳ kiêm Bí thư Thành bộ Hà Nội. Sau sự ra đời của Thành bộ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đỗ Ngọc Du, phong trào cách mạng của Hà Nội phát triển rất mạnh.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 đã mở ra bước ngoặt lịch sử trong phong trách cách mạng của đất nước. Sau sự kiện trên, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42 Hàng Thiếc (quận Hoàn Kiếm), nhà riêng của đồng chí Đỗ Ngọc Du - Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ TP Hà Nội đã được thành lập gồm ba đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du là Bí thư Thành ủy Hà Nội. 
Đồng chí giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong hơn một tháng trước khi được T.Ư điều đi làm công tác vận động binh sĩ và công nhân kiều bào ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối tháng 4/1930. Cuối năm 1931, đồng chí bị xét xử ở tòa án Hải Dương, kết án khổ sai chung thân, bị đi đày ở Sơn La, rồi Côn Đảo, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, kiên quyết bảo vệ tổ chức.
 Học sinh trường THCS Ngô Sỹ Liên đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại di tích nhà số 5D Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thủy Tiên
Năm 1936, do có sự tác động của phong trào đấu tranh Mặt trận Bình dân bên nước Pháp đòi ân xá cho tù chính trị, nhờ đó đồng chí đã được trả tự do. Do bị tra tấn, tù đày, đồng chí đã mắc bệnh lao phổi, một thời gian sau khi ra tù đã qua đời tại Hà Nội ngày 12/1/1938, khi mới 31 tuổi. Thể theo nguyện vọng của gia đình, dòng họ, quê hương, phần mộ của đồng chí được đặt ở vị trí trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tả Thanh Oai.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai Nguyễn Hữu Tài chia sẻ: Theo tư liệu ông Đỗ Quang Toại (cháu ruột đồng chí Đỗ Ngọc Du) viết, lưu giữ tại UBND xã, kể về câu chuyện vào một ngày cuối năm 1936 khi cả gia đình ra ga Hải Dương đón chú và cả những chiến sỹ cộng sản khác từ Côn Đảo trở về. "Một toa tàu riêng được cắt lại đỗ ở ga. Cả nhà hồi hộp chờ đợi giây phút được trông thấy chú. Và giây phút đáng ghi nhớ đó đã đến. Một người thanh niên gầy gò mặc bộ đồ tù màu xanh, trông lại càng xanh hơn nhưng rất nhanh nhẹn nhảy từ toa tàu xuống rồi chạy đến chỗ cả nhà đang đứng chờ ở sân ga. Ai nấy đều nghẹn ngào reo lên: “Anh đã về!", "chú đã về!”. Rồi cả nhà nắm tay nhau và ôm chầm lấy chú tôi xót xa. Tất cả mọi người trong gia đình cố nén để không bật lên tiếng khóc, tiếng sụt sùi.
Riêng tôi (ông Toại) khi đó chỉ biết đứng ngây ra nhìn và nhớ rõ nhất hình ảnh đôi mắt của chú Du rực sáng như đang bùng cháy ngọn lửa ở bên trong thể hiện sự kiên định, quả cảm, mãnh liệt đến phi thường…"- ông Đỗ Quang Toại viết.
  Phần mộ của đồng chí Đỗ Ngọc Du - Bí thư lâm thời Thành ủy Hà Nội được bố trí tại khu vực trung tâm nghĩa trang liệt sỹ xã Tả Thanh Oai.
Chia sẻ thêm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai Nguyễn Hữu Tài cho biết, đồng chí Đỗ Ngọc Du là người cùng quê thôn Thượng Phúc với ông nên trước đây bản thân cũng được nghe các cụ trong làng kể lại về người Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên. Ông Nguyễn Hữu Tài không giấu được niểm tự hào bởi đồng chí Đỗ Ngọc Du là thế hệ cộng sản đầu tiên, người con ưu tú của quê hương, đất nước, là niềm vinh dự cho địa phương. 
Lần này, về thăm Tả Thanh Oai vào một ngày giữa tháng 3/2020, tôi được Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Thanh Oai Nguyễn Hữu Tài dẫn ra nghĩa trang liệt sỹ xã để thăm, viếng mộ nhà cách mạng Đỗ Ngọc Du. Thắp nén tâm nhang xong, ông chầm chậm kể: Thân phụ của nhà cách mạng sinh thời là một công chức ở Sở Công chính Hải Dương nên đồng chí Đỗ Ngọc Du được sinh ra tại phố Đông Kiều, thị xã Hải Dương. Sau bao nhiêu năm bôn ba hoạt động, trước khi mất đồng chí có nguyện vọng được về yên nghỉ tại quê cha đất tổ của mình. Trải qua gần một thế kỷ, ngôi mộ của đồng chí luôn được người dân địa phương trân trọng gìn giữ, hương khói thường xuyên cho đến nay.