Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương.
Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia cấp ủy nhiều hơn
Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội về kết quả phong trào và hoạt động của các cấp hội phụ nữ TP từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, phụ nữ chiếm tỷ lệ 50,79 % dân số của Thủ đô, phụ nữ đã có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ mạnh dạn nâng cao kiến thức, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, sáng kiến mới mang lại nhiều sản phẩm đạt năng suất, chất lượng. Trong đó, đội ngũ nữ trí thức có nhiều đóng góp cho khoa học, công nghệ. Đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo ngày càng phát triển và trưởng thành. Đội ngũ nữ doanh nhân chủ động hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy TP đạt 12%; khối quận, huyện, thị xã đạt 23,2%; cấp cơ sở đạt 22,1% so với tổng số cấp ủy viên. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND TP đạt 23,8%; cấp huyện đạt 30% và cấp xã đạt 28,5%. Hiện nay, Hội LHPN TP có hơn 869.000 hội viên; 30 hội cấp huyện, 769 tổ chức cơ sở hội và trên 15.510 tổ phụ nữ. Với thực trạng tỷ lệ nữ hiện nay tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử các cấp không cao, Phó Chủ tịch hội LHPN TP đề nghị TP quan tâm để có giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới.
Cũng tại cuộc đối thoại, nhiều nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức cán bộ, quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý chợ truyền thống, nước sạch – vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xây dựng nông thôn mới, ATTP, khởi nghiệp, một số vấn đề xã hội khác… đã được đại biểu phụ nữ Thủ đô kiến nghị với Thành ủy.
Trước dư luận nữ thanh niên Thủ đô phản ánh gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của TP khi thực hiện chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”, Bí thư Đoàn phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm Phạm Thị Thu Giang đề nghị TP quan tâm tạo điều kiện để thanh niên được tiếp cận vay vốn khởi nghiệp thuận lợi. Trong khi đó, Chủ tịch hội LHPN huyện Chương Mỹ Bùi Thị Lan cho rằng, việc tìm việc làm sau học nghề cho lao động nữ ở các huyện ngoại thành khi bị thu hồi đất rất khó khăn. Nhiều phụ nữ sau khi được đào tạo, phải tự bỏ kinh phí để học nghề khác mới có cơ hội tìm được việc làm, gây tốn kém kinh phí đào tạo của Nhà nước và người lao động. Đề nghị TP quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và tổ chức các lớp học nghề phù hợp đảm bảo chất lượng vả hiệu quả hơn. “Bên cạnh đó, TP quan tâm việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật phụ nữ Thủ đô; phát huy vai trò của các nữ trí thức, Hội Nữ trí thức Hà Nội…”, Tổng thư ký Hội Nữ trí thức Hà Nội Nguyễn Thị Bích Thủy bày tỏ.
Kiến nghị với Bí thư Thành ủy trước vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây diễn ra ngày càng phức tạp, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường Khương Đình, quận Thanh Xuân Vũ Thị Thanh Thúy đề nghị TP quan tâm chỉ đạo ngành Tòa án áp dụng mô hình “Phòng xử án thân thiện” đối với trẻ em, áp dụng các biện pháp giải quyết, hỗ trợ tâm lý phù hợp với lứa tuổi.
Liên quan đến một số vấn đề về công tác quản lý về VSATTP tại các bếp ăn trường mầm non, tiểu học, cổng trường, tuyến phố, vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, xây dựng nông thôn mới, vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị, chợ truyền thống…. các cấp hội phụ nữ đề nghị TP quan tâm, xem xét các vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
Phải giải quyết kiến nghị của phụ nữ ngay ở cấp cơ sở
Qua các ý kiến trao đổi tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô thời gian qua.
Bí thư Thành ủy cho biết, những kết quả đạt được từ phụ nữ cũng như phong trào phụ nữ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung và góp phần xây dựng Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện. Qua đánh giá 10 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội khoá XII và sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, xây dựng nông thôn mới và các chương trình xoá đói giảm nghèo đạt kết quả nổi bật. Trong đó, có vai trò đóng góp quan trọng của phụ nữ Thủ đô và các cấp hội.
Đối với những kiến nghị, trao đổi của đại biểu phụ nữ, Bí thư Thành ủy cho rằng, những vấn nêu lên tại hội nghị rất chính đáng, quý báu và đã gợi mở giúp lãnh đạo TP, các cấp, các ngành chỉ đạo, triển khai thực hiện trong lĩnh vực, ngành, địa phương mình. Từ đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần nghiêm túc tiếp thu, xem xét những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu phụ nữ để có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của phụ nữ phải thực hiện ngay ở cấp cơ sở; không phải chờ đến các buổi tiếp xúc cấp cao. Đối với những vấn đề có thể giải quyết được ngay thì các cấp, các ngành phải triển khai giải quyết ngay. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, sau hội nghị này cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục quan tâm, phản ánh và đóng góp nhiều hơn nữa đối với các cấp ủy, chính quyền về các lĩnh vực để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ.
Theo Bí thư Thành ủy, thời gian qua, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao năng lực, hiệu quả tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 khoá XII. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 22 ngày 10/5/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của TP Hà Nội trong tình hình mới. Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 22 gắn với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết T.Ư 6 khóa 12.
“Tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch BCH Đảng bộ TP khoá mới đạt tỷ lệ khá cao (34,5%) nhưng để biến quy hoạch thành hiện thực thì các cấp hội và bản thân mỗi người phải nỗ lực cao hơn nữa. Đối với công tác phát triển cán bộ nữ, chúng ta phải có tư duy đi trước, chủ động tiến hành sớm hơn. Nếu cán bộ lãnh đạo và những người đứng đầu không chủ động xây dựng đội ngũ kế cận thì sẽ bị hẫng hụt” – Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.