Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Hoàng Trung Hải: Sau sự cố nước sông Đà, cần quan tâm hơn đến an ninh nguồn nước

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ: "Bình thường mình nói đến an ninh về chính trị xã hội, chứ ít nói về an ninh nguồn nước, đảm vảo vệ sinh an toàn. Sau vụ này phải quan tâm hơn”.

Chiều 22/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ, sau vụ nước sông Đà, người dân quan tâm và đặt ra câu hỏi là liệu có xảy ra lần nữa hay không? Cũng qua việc này, TP, sở ngành phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nước, sau đó đưa ra được các quy định bắt buộc muốn đầu tư kinh doanh nước thì phải có công nghệ, điều kiện gì để không tái diễn sự cố. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí

Ngoài ra, còn trách nhiệm của công an, ví dụ như đối với hồ thủy điện đều phải làm việc với công an các địa phương, thậm chí có quyết định của Bộ Công an giao trách nhiệm cho các địa phương phải chăm lo, bảo vệ.
“Việc này được mọi người rất quan tâm. Mình thường nói đến an ninh về chính trị, xã hội nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn. Cho nên sau vụ này phải quan tâm hơn”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói thêm.
Tuy nhiên, Bí thư cũng lưu ý, thực tế cho thấy, hệ thống quan trắc nước sạch còn hạn chế, nên bất cứ ở đâu việc mất an ninh an toàn nguồn nước cũng có thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu sự cố xảy ra, xử lý như thế nào? Trách nhiệm phải quy định rõ ra sao chứ không thể để tình trạng toàn bộ hệ thống quan trắc không phát hiện ra hoặc phát hiện ra mà xử lý lúng túng như trường hợp vị lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà nói là phát hiện đổ dầu thải vào nguồn nước rồi nhưng không biết nên dừng cấp nước hay không.
“Phân phối đi từng cấp cũng phải có quan trắc để phát hiện. Anh cung cấp nước thì phải đảm bảo, chịu trách nhiệm trước người dân về chất lượng. Yêu cầu phải quan trắc tự động mấy lần các công đoạn, đồng thời lấy mẫu thủ công phòng khi quan trắc tự động hỏng. Tất cả phải rà soát lại hết, có quy trình, quy phạm hoá”- Bí thư Hoàng Trung Hải nói.
Trả lời câu hỏi về việc Hà Nội có quy trình ứng phó các loại thảm họa hay không, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, TP có quy định ứng phó với tất cả các loại thảm họa, từ đó có các kế hoạch cụ thể để thực hiện. TP đã nhìn thấy vấn đề nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra. Ô nhiễm không khí, nguồn nước... là những việc tiếp tục phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn.