Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Hoàng Trung Hải: Ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch

Quốc Toản - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Ban Thường vụ Thành ủy đã sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06 về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.

Đúng hướng, hiệu quả

Theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy, ngành du lịch Thủ đô đang phát triển theo đúng định hướng, bền vững, hài hòa, hiệu quả cao; thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng và sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hoá trên cơ sở phát triển thế mạnh tiềm năng tài nguyên du lịch đem lại mức tăng trưởng ổn định về tổng thu từ du lịch.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, TP đã phối hợp với mạng tin tức truyền hình Cáp CNN xây dựng và phát sóng nội dung 2 phim quảng cáo 30 giây năm 2017 để tuyên truyền về Hà Nội và Việt Nam một cách có chiến lược ra quốc tế.
  Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.  
TP cũng rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố; đang tiến hành nghiên cứu Lập quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc tỷ lệ 1/500... làm cơ sở để phát triển du lịch một cách bền vững.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô đã được hình thành, phát triển, tiêu biểu như triển khai thí điểm tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, gắn với thí điểm kéo dài thời gian hoạt động kinh doanh đến 2 giờ sáng; triển khai hệ thống Wifi công cộng, số hóa sản phẩm hoạt động du lịch... 

TP cũng đã khởi công xây dựng mới một số thiết chế hiện đại phục vụ du lịch, như Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy đạt tiêu chuẩn quốc tế; dự án xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh; Khu công viên thể thao thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, huyện Quốc Oai... đồng thời có kế hoạch xây dựng 50 dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch cao cấp giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 20 dự án xây dựng khách sạn từ 4-5 sao (với quy mô khoảng 20.000 buồng phòng).

“Hút khách” bằng môi trường văn minh, thân thiện

Tham gia ý kiến tại hội nghị, cùng với việc khẳng định những chủ trương, giải pháp mà Nghị quyết 06 đã xác định là rất đúng đắn, thể hiện sự chủ động, tích cực của Thành ủy trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế Thủ đô trong phát triển ngành du lịch, các đại biểu cũng cho rằng, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nhất là những khách sạn từ 5 - 6 sao; sản phẩm du lịch chất lượng cao có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; nguồn nhân lực phục vụ du lịch nhìn chung còn yếu; quảng bá, xúc tiến du lịch cần phải làm mạnh mẽ hơn..

Phát biểu kết luận hội nghị, trên cơ sở phân tích toàn diện những kết quả đạt được, cũng như những vấn đề đặt ra sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 06, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch TP phải hoạt động thường xuyên hơn để giao ban, kiểm điểm tiến độ, trên cơ sở đó đôn đốc các sở, ngành, đơn vị tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch.

Nhấn mạnh cơ hội, tiềm năng phát triển du lịch chia đều cho các quận, huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về du lịch, học hỏi kinh nghiệm các nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch trong nước, cần nghiên cứu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của du khách khi đến Hà Nội.

Đề cập đến một số vụ việc gần đây liên quan đến thái độ ứng xử với du khách, Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện cần phải có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hơn để người dân và du khách phải cảm thấy mình được bảo vệ.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; tập trung thực hiện để 2 bộ quy tăc ứng xử đi vào cuộc sống, nâng cao ý thức, thái độ ứng xử của người dân với khách du lịch... Đặc biệt, đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, không để xảy ra những vụ việc làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô cũng như môi trường du lịch của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cần xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này; xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư để tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Năm 2016 tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt 21,83 triệu lượt khách, tăng 11% so với năm 2015 (cao hơn mức tốc độ tăng trung bình 8 - 10%/năm của giai đoạn 2016 - 2020 được Nghị quyết số 06-NQ/TU xác định). Trong 7 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 14 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2.786.187 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ; lượng khách quốc tế có lưu trú ước đạt 1.990.134 lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa ước đạt 11.239.500 lượt khách, tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 41.579 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.