Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Đừng kỳ vọng về giải pháp đổi giờ"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Tôi hy vọng hiệu quả, nhưng có thể được một bước chứ không giải quyết triệt để ùn tắc", Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội sáng 23/11.

Ông Nghị cho biết, Hà Nội đã đề xuất phương án đổi giờ làm việc, về cơ bản được Chính phủ chấp thuận và yêu cầu lấy thêm ý kiến các bộ ngành.

"Mặc dù chúng ta coi trọng biện pháp này góp phần khắc phục một bước ùn tắc giao thông, nhưng không kỳ vọng quá. Bởi chống ùn tắc còn nhiều biện pháp khác nữa chứ không chỉ đổi giờ", ông Nghị nói.

Ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, tại cuộc họp HĐND đầu tháng 12, phương án đổi giờ làm việc sẽ được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến người dân thông qua các đại biểu.

Nhận xét về phương án mà UBND Hà Nội vừa báo cáo Thành ủy, ông Hoạt cho rằng, phương án mới hợp lý hơn trước bởi nhóm sinh viên được kéo giãn dài hơn so với trước, bắt đầu học từ 6h30 so với trước đây là từ 7h sáng. "Phương án của thành phố đưa ra hợp lý, giãn được lượng người tham gia giao thông và ít xáo trộn hơn, sẽ ít phát sinh phản ứng", ông Lê Văn Hoạt nhận xét.

Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng đưa ra kiến nghị hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội. Hiện lưu lượng người và phương tiện qua các nút giao đang vượt công suất 5-6 lần. Ví dụ, cầu Chương Dương thiết kế 4.000 xe/ngày đêm, trong khi thực tế 24.000 xe/ngày đêm.

Do vậy, theo ông Hùng, khi quá tải nhiều lần thì chỉ cần sự cố nhỏ sẽ gây ra ùn tắc. Sự cố tại một điểm sẽ kéo theo nhiều tuyến phố, ví dụ ùn tắc ở nút Ô Chợ Dừa sẽ kéo theo các tuyến Khâm Thiên, Lê Duẩn, Tây Sơn...

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các quận tăng cường lực lượng cảnh sát quận, phường để đảm bảo thông thoáng các nút giao thông trên địa bàn. Ngoài ra, ngành giao thông sẽ có các biện pháp đồng bộ như giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; sắp xếp điểm đỗ xe tại những khu vực trống, không ảnh hưởng giao thông; ngừng cấp đăng ký kinh doanh taxi.

Theo phương án đổi giờ của UBND Hà Nội, nhóm sinh viên ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, học sinh THPT bắt đầu học từ 6h30, kết thúc sau 19h.

Nhóm học sinh THCS, tiểu học, mẫu giáo, mầm non học từ 7h30, kết thúc 17h30. Cán bộ công chức (cả trung ương lẫn Hà Nội) bắt đầu làm từ 8h, kết thúc 17h. Trước đó, Hà Nội dự định sắp xếp công chức trung ương làm việc sớm hơn công chức Hà Nội 30 phút.

Nhóm trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu từ 9h, kết thúc sau 19h.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần