Bí thư Thành ủy Hà Nội: Hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Các đồng chí chỉ nói hạ tầng giao thông còn rất nhiều hạn chế, còn sức ép lớn... nhưng tôi nói là báo động”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết.

Sáng 7/3, UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý Nhà nước về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự và phát biểu chỉ đạo; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (phụ trách Bộ GTVT) cùng chủ trì Hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động - Ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, hạ tầng giao thông Hà Nội ở mức báo động. Ảnh: Công Trình
“Vi vu” được mấy hôm lại quá tải
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá sự phối hợp giữa Bộ GTVT và TP Hà Nội thời gian qua đồng bộ, chặt chẽ nên chương trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội đạt được kết quả đáng ghi nhận. Việc chỉnh trang những tuyến đường trong nội đô được quan tâm đầu tư; bộ mặt đô thị của Hà Nội có những tiến bộ, đáp ứng được nhu cầu về phát triển đô thị. 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải dẫn số liệu, hiện nay, trên toàn địa bàn TP Hà Nội có 5,3 triệu xe máy; 563 nghìn ô tô; 10 nghìn xe đạp điện. Trong đó, đáng quan tâm, tốc độ tăng ô tô khoảng 17%/năm; tốc độ tăng xe máy khoảng 11%/năm. 

“Như vậy tăng trưởng gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng GDP. Chúng ta nói khi tốc độ tăng GDP 7-8% đã được gọi là tăng trưởng rất nóng rồi, mà tăng trưởng phương tiện GTVT thế này gọi là tăng trưởng “nước sôi”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chia sẻ. 
Ông cũng cho biết, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn. Cụ thể, vốn vay ODA nhiều, tăng nợ công cũng để chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng. Vì vậy mà hiện nay mới đủ điện, và giao thông đạt mức “tàm tạm”. Nhưng tốc độ tăng phương tiện giao thông trên đã đẩy sức ép về hạ tầng giao thông lên rất lớn. 
Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, hiện nay có khoảng 7,6 triệu người, cùng với khoảng 3 triệu người vãng lai... tất cả những sức ép đó đẩy sức ép hạ tầng, đòi hỏi các bộ ngành, Thành phố có nỗ lực quyết liệt hơn, giải pháp đặc biệt hơn về hạ tầng giao thông.
Qua các ý kiến đưa ra tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, trong cuộc họp này, mọi ý kiến phát biểu đều có điểm chung là mong muốn tìm ra hạn chế để khắc phục trong thời gian ngắn nhất. 
“Như chúng ta đã biết, càng triển khai chậm, sức ép càng lớn. Ví dụ đường vành đai 3, mất bao nhiêu công sức, nhưng chỉ “vi vu” được mấy hôm. Nay bàn chuyện cho phép tăng tốc độ xe chạy trên đường  nhưng quá tải rồi, tăng vào đâu”, ông nêu dẫn chứng. 
Nói đến đây, Bí thư Thành ủy bày tỏ: "Các đồng chí chỉ nói hạ tầng giao thông còn rất nhiều hạn chế, còn sức ép lớn... nhưng tôi nói là báo động”. Bởi từng người dân ra đường thấy vô cùng khó khăn trong việc tham gia giao thông và giữ an toàn giao thông. Đe dọa tới hiệu quả nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp đặc biệt hơn, phải nỗ lực hơn, phải có nhiều phương án đặc thù hơn. 
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý khi bàn các biện pháp, không chỉ nhìn vào cơ sở hạ tầng mà cần phải tính đến giải pháp hiệu quả trong quản lý. Bí thư Thành ủy nói: “Chúng ta phải nhìn cả hai mặt, không chỉ là cơ sở hạ tầng mà vấn đề quản lý hệ thống giao thông, và nâng cao trách nhiệm, văn hóa của người tham gia giao thông chưa đạt được tiến bộ đáng kể”. 
Ví dụ, nếu quản lý giao thông Hà Nội làm được đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông... sẽ giảm được 30% ùn tắc. 
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Bộ GTVT và Hà Nội phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các giải pháp về quản lý giao thông như số hóa toàn bộ hệ thống quản lý giao thông, theo dõi điều khiển phân luồng giao thông từ xa, xây dựng trung tâm ITS (hệ thống điều khiển giao thông thông minh),...
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, cấp xã, phường phải siết chặt việc thực hiện các quy định đã có trong quản lý hè phố như lấn chiếm vỉa hè, các nhà hàng, điểm kinh doanh xả rác bừa bãi. "Cấp phường, xã phải đi kiểm tra, xử phạt những việc này. Nếu phạt lần thứ 2 thì đóng cửa, không cho kinh doanh nữa. Tôi nói rất nhiều lần, nếu xử phạt không nghiêm, người ta sẽ nhờn luật"- Bí thư Thành ủy nói. 
7 công trình giao thông cấp bách chống ùn tắc
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015, nhiều công trình giao thông khung của Thành phố đã được đầu tư hoàn thành góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông...
Ông cũng cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối họp với đơn vị tư vấn tổ chức nghiên cứu lập đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án quy hoạch đã được Thành ủy- HĐND – UBND Thành phố và các bộ, ngành thông qua và hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 7/1/2016, UBND TP Hà Nội có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội có kế hoạch triển khai đầu tư một số dự án và hoàn thành ngay trong giai đoạn 2016 - 2017 nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại 7 điểm nghẽn lớn. Tổng kinh phí ước tính trên khoảng 2.262 tỷ đồng.
Cụ thể, xây dựng nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, Cầu vượt nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên, cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, nút giao Cổ Linh và hầm chui Lê Văn Lương.