Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
Tại đây, Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai thay mặt tổ ĐB thông báo với cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7; ĐB Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin về kết quả trả lời của các cấp, ngành T.Ư và TP về kiến nghị của cử tri huyện tại kỳ tiếp xúc trước.
Cử tri xã Dị Nậu nêu ý kiến. |
Bày tỏ phấn khởi trước kết quả phát triển KT-XH của Thủ đô, cả nước trong những tháng đầu năm nay và đồng tình với nội dung chương trình kỳ họp tới của Quốc hội, kết quả trả lời của các cấp, ngành, các cử tri cũng phản ánh, kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Trong đó, cử tri Nguyễn Thị Yến Nga đại diện cho khối giáo dục đánh giá cao dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), dành quan tâm nhiều tới các đối tượng ngoài công lập, song cũng mong Quốc hội có lộ trình bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ giáo viên.
Trăn trở bởi công tác đầu tư cho y tế cơ sở chưa đầy đủ, hiện đại, chất lượng y bác sĩ chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân, cử tri Nguyễn Thị Hà đề nghị Quốc hội quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, đào tạo y bác sĩ, luân chuyển cán bộ y tế từ T.Ư về cơ sở nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân. Đồng thời, cần mở thêm bệnh viện có chất lượng ở cơ sở để người dân có nhiều lựa chọn; cơ quan BHXH cần mở rộng danh mục thuốc được hưởng theo chế độ BHXH hiện nay.
Bên cạnh đó, cử tri xã cũng kiến nghị Quốc hội có chính sách nâng cao chất lượng cán bộ chính quyền địa phương, như tăng cơ cấu Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II lên 2 Phó Chủ tịch. Liên quan đến chế độ chính sách cho công an xã, cử tri kiến nghị trong thực hiện chủ trương chính quy hóa lực lượng này, để kịp thời động viên họ yên tâm công tác, Quốc hội cần xem xét nâng mức phụ cấp cho trưởng, phó trưởng công an xã và công an viên thường trực. Lãnh đạo UBND xã Dị Nậu thay mặt lãnh đạo xã đã thông tin về kết quả, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thời gian tới.
Trước các ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã trả lời kiến nghị về tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và khẳng định: Nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Sở vừa chủ trì khảo sát toàn bộ cơ sở vật chất tại trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn TP để triển khai đầu tư. Hà Nội sẽ triển khai thí điểm 4 trạm y tế hiện đại tại một số quận, huyện, sau đó sẽ nhân rộng ra 45% số xã trên địa bàn được xây dựng theo mô hình này. Đồng thời, Sở sẽ tăng cường cán bộ y tế từ cấp TP về các cơ sở.
Tiếp thu các ý kiến thẳng thắn thể hiện tâm tư, nguyện vọng của cử tri xã Dị Nậu, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tổ ĐB Quốc hội sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng từ T.Ư đến TP để giải quyết. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy đánh giá cao việc thực hiện giải quyết khiếu nại tố cáo của xã thời gian qua, không có khiếu nại vượt cấp, thể hiện hoạt động hiệu quả của hệ thống chính trị và tính nhân văn của bà con ở đây.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại xã Dị Nậu |
Công tác cải cách hành chính, bảo hiểm y tế, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người dân… đạt nhiều kết quả tích cực. Đảng bộ xã được công nhận trong sạch vững mạnh trong nhiều năm liền; chính quyền và Nhân dân xã đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017.
“Dị Nậu là xã có truyền thống văn hóa lâu đời, cần cố gắng duy trì đoàn kết để giữ được nét văn hóa này, không bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa như nhiều nơi hiện nay”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Bí thư Hoàng Trung Hải đồng tình với kiến nghị tăng đầu tư cho giáo dục đào tạo, đội ngũ giáo viên và nhất là kiến nghị Quốc hội đề nghị các địa phương tăng cường xử lý hành vi bạo lực gia đình, học đường, xâm hại trẻ em.
“Với những xã có truyền thống, người dân đoàn kết như Dị Nậu sẽ không xảy ra bạo lực, bởi các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ sẽ kịp thời tham gia để không có những vụ việc lớn. Song, tại các địa bàn, người dân cần đoàn kết đấu tranh; cấp ủy đảng, chính quyền cũng cần xác định nơi nào xảy ra hiện tượng đó thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước tiên”, đồng chí nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về kiến nghị hạ tuổi trợ cấp người cao tuổi từ 80 xuống 75, Bí thư Thành ủy cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để khi có điều kiện thì giải quyết. Đến nay, Hà Nội vẫn còn 1,16% hộ nghèo, với 23.000 hộ, trong đó 15.000 hộ với 19.000 nhân khẩu không có khả năng thoát nghèo. Tới đây, TP sẽ chuyển 15.000 hộ này sang đối tượng trợ cấp xã hội, nên sẽ được trợ cấp thường xuyên, trong đó chủ yếu là người cao tuổi.
Liên quan đến băn khoăn về hệ thống y tế cơ sở của TP, đồng chí khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo, với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện hệ thống này mới đáp ứng 11% nhu cầu người dân, trong khi hoàn toàn có thể được nâng cấp để chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Tuy nhiên, trước hết người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc chung tay bảo vệ môi trường sống, vệ sinh ATTP…