Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương với tinh thần đổi mới sáng tạo và tư duy phát triển

Linh - Thọ - Tiên (ảnh: Thanh Hải)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- "Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, TP phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương không chỉ trong Đảng mà trong toàn hệ thống chính trị" - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII sáng nay (28/11).

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII sáng nay (28/11), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, Thành ủy đã thực hiện phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; thực hiện một bước về kiện toàn công tác tổ chức cán bộ; tổ chức tổng kết công tác Đại hội; chủ động ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội, hoàn thiện và tổ chức xuất bản để phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến các văn kiện của Đại hội; đồng thời tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; công tác xây dựng Đảng và chuẩn bị tích cực cho triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP tiến hành Hội nghị lần thứ hai để thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung rất quan trọng, không chỉ định hướng cho trước mắt mà còn có tính lâu dài cho cả nhiệm kỳ. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thêm một số nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Thứ nhất, về quy chế, hoạt động của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII, đồng chí nêu rõ: Căn cứ Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị yêu cầu “sau Đại hội, cấp ủy khóa mới xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội”, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Văn phòng Thành ủy chủ trì, phối hợp các ban Đảng, Đảng đoàn HĐND TP, Ban cán sự đảng UBND TP và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Quy chế làm việc và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành, nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện nay, các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo hình thức PPP và một số quy định của Trung ương mới được sửa đổi và ban hành, do đó, trên nguyên tắc kế thừa những nội dung vẫn còn giá trị thực tiễn của các bản Quy chế các khóa trước, cần cập nhật các quy định mới của Trung ương Đảng và quy định pháp luật để xây dựng Quy chế làm việc nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy. Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thêm về: Nguyên tắc xây dựng Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII; về thể thức ban hành là “Quy chế” theo hướng dẫn của Ban Bí thư tại Quyết định 168-QĐ/TW ngày 28/12/2018 hay ban hành “Quyết định” kèm theo Quy chế như trước đây; về kết cấu, nội dung dự thảo Quy chế, nhất là các nội dung nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập đã được chỉ ra; cụ thể hóa các nội dung, phạm vi thuộc thẩm quyền xem xét, cho chủ trương của Thành ủy, những vấn đề về kinh tế - xã hội (KT-XH) Ban Chấp hành ủy quyền cho Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy; chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy;…

Đối với Chương trình công tác toàn khóa, bên cạnh các nội dung công việc có tính chất thường xuyên, Chương trình được đề xuất tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Các nội dung về tổ chức sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội; các nội dung về việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy; các nội dung thuộc thẩm quyền cho ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nhóm vấn đề nêu trên, cho ý kiến bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung theo từng năm và cả nhiệm kỳ để hoàn thiện Chương trình công tác toàn khóa, vừa đảm bảo về mặt thời gian, trên từng lĩnh vực cụ thể, vừa tập trung vào những vấn đề lớn, trọng tâm, vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo vừa toàn diện, vừa trọng tâm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy. Trên cơ sở đánh giá sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề có tính thời sự của Thành ủy các khóa trước đây về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước; 6 nghị quyết chuyên đề của khóa XVI và căn cứ thực tiễn của TP trong tình hình mới để xem xét, đề xuất ban hành nghị quyết mới hoặc kết luận để tiếp tục triển khai thực hiện. Đồng thời, trong Chương trình có đề xuất 2 nội dung có tính cấp thiết, chiến lược cần ban hành nghị quyết chuyên đề trong nhiệm kỳ 2020-2025 là Nghị quyết về công tác cán bộ và Nghị quyết một số vấn đề về phát triển văn hóa để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá được đề ra tại Nghị quyết Đại hội.

Thứ hai, về công tác kiểm tra, giám sát của Thành ủy, trong đó về Quy chế làm việc của UBKT Thành ủy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận thêm về: Căn cứ và nguyên tắc xây dựng Quy chế; về thể thức ban hành là “Quy chế” hay ban hành “Quyết định” kèm theo Quy chế tương tự như Quy chế làm việc của Ban Chấp hành; về kết cấu và nội dung dự thảo Quy chế đã đảm bảo bám sát các quy định mới của Trung ương và tình hình thực tiễn của TP chưa?

Trong đó, về Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến Chương trình đã bám sát Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII hay chưa, những vấn đề cần bổ sung hoặc điều chỉnh, tập trung vào các nội dung gồm 10 nhiệm vụ trọng tâm về kiểm tra, giám sát đã được nêu cụ thể tại Tờ trình của UBKT Thành ủy; Chương trình kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện. Về Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2021, đề nghị đại biểu cho ý kiến cụ thể về số lượng và nội dung các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề trong năm 2021 đã bám sát định hướng chung của Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành cả nhiệm kỳ và đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025.

Thứ ba, đối với Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Thành ủy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vì sao trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng kinh tế của Thủ đô vẫn tăng trưởng tích cực, gấp 1,5 lần mức chung của cả nước; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vẫn đạt dự toán và tăng 3,5% so với cùng kỳ; tình hình dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi nhưng nông nghiệp vẫn tăng 4,2%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng 3,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,4%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 10% so với cùng kỳ…

“Vì sao trong điều kiện như vậy nhưng quốc phòng, an ninh, an sinh, phúc lợi xã hội vẫn được đảm bảo. Vì sao trong bối cảnh phải tập trung xử lý khối lượng công việc phát sinh rất lớn nhưng năm 2020 TP vẫn giải quyết được những vấn đề dân sinh bức xúc kéo dài nhiều năm như hoàn thành xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực; giải quyết hiệu quả và có những chuyển biến bước đầu trong công tác xử lý rác thải ở Sóc Sơn… Phải chăng là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành; truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ; sự quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô và của cộng đồng DN; sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành; sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong kết nối giao thương? Đây có phải thực chất là một bài học mà chúng ta cần được đúc kết để tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo?” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Đồng thời, đồng chí đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, tập trung thảo luận: Vì sao hoạt động của các DN Nhà nước của TP vẫn kém hiệu quả; công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước vẫn còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra; công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; một số chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch, chỉ số SIPAS và PAPI còn ở mức thấp; nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải vẫn chậm được giải quyết. Phải chăng do chúng ta chưa quyết liệt, tập trung xử lý, hay là do vướng mắc cơ chế, chính sách, hay là chưa tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, trong cộng đồng DN? “Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, Hội nghị cần tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết cho bằng được những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra” - đồng chí nêu rõ.

 Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị

Thứ tư, đối với các nội dung về phát triển KT-XH, tài chính - ngân sách, đầu tư công của TP, Bí thư Thành ủy khẳng định: Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2021-2025); Kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm (giai đoạn 2021-2025), 3 năm (giai đoạn 2021-2023) và Kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP 5 năm (giai đoạn 2021-2025) sẽ được HĐND TP khóa XVI xem xét, quyết định trong năm 2021, dự kiến vào tháng 8/2021 sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII, tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP giai đoạn 2022-2025 được cấp có thẩm quyền quyết định theo hướng dẫn của Chính phủ. Tại Hội nghị này, Ban cán sự đảng UBND TP sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ, trình Ban Chấp hành để cho ý kiến về phương hướng chung, những định hướng lớn, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và các đề xuất, kiến nghị cụ thể trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và cập nhật tình hình, ước thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2020 trước tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đại dịch Covid-19 đến KT-XH Thủ đô.

Về kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2021 của TP, đồng chí đề nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến chủ yếu về các nội dung: Sự phù hợp của các kế hoạch này với các định hướng lớn về khung kế hoạch 5 năm, 3 năm đã trình Ban Chấp hành; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH, đầu tư công năm 2020, những kết quả nổi bật, những tồn tại, yếu kém, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành; chủ đề của năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; mục tiêu tổng quát; các chỉ tiêu cụ thể về KT-XH (nhất là về tốc độ tăng trưởng - khoảng 7,5%, lạm phát - dưới 4%, GRDP bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 135 triệu đồng (tương đương 5.870 USD), vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 5%, các chỉ tiêu về xã hội, an sinh xã hội: giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của TP, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch 85%, số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã….); cân đối thu - chi ngân sách (tổng thu, chi ngân sách TP; ngân sách địa phương các quận, huyện; chênh lệch thu - chi ngân sách; cơ cấu thu, chi ngân sách; tổng mức chi đầu tư phát triển; dự kiến phân bổ ngân sách và đầu tư công cho từng lĩnh vực); các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ, vấn đề dân sinh cấp bách và những vấn đề có tính căn bản, lâu dài, cũng như các vấn đề, nội dung Ban cán sự đảng UBND TP trình xin ý kiến của Ban Chấp hành.

Trong đó, nhấn mạnh về chủ đề công tác năm 2021, Bí thư Thành ủy cho biết, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã thảo luận rất nhiều, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã tiếp thu, trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến về chủ đề này. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, TP phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương không chỉ trong Đảng mà trong toàn hệ thống chính trị, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, mỗi cán bộ đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với Đảng bộ TP, đối với Nhân dân, đối với cộng đồng DN. Chúng ta đã có nhiều nghị quyết đã ban hành, quan trọng là giờ đây phải hành động như thế nào, với tinh thần đổi mới sáng tạo và với tư duy phát triển.

“Hội nghị lần thứ hai này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính quyết định đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Khối lượng công việc rất lớn, thời gian lại không có nhiều, đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô, phát biểu, cho ý kiến trong thảo luận ở tổ, cũng như tại phiên họp toàn thể vào các văn bản trình Ban Chấp hành. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp thu, giải trình các nội dung thảo luận tại phiên bế mạc” - Bí thư Thành ủy cho biết.